Nằm trong khu vực Duyên hải miền Trung, Ninh Thuận là vùng đất lưu giữ những dấu ấn "vàng son" của nền văn hóa Chăm, với hệ thống các đền tháp cổ kính, những lễ hội truyền thống đặc sắc và phong tục tập quán mang đậm bản sắc. Nổi bật trong số đó là các hiện vật được công nhận Bảo vật quốc gia, thu hút du khách từ các nơi đến thưởng lãm, khám phá.
Tăng sức hấp dẫn cho điểm đến di sản
Quần thể tháp Pô Klong Garai gồm ba ngôi tháp nằm trên đỉnh đồi Trầu (phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm), được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV. Vượt qua những thăng trầm lịch sử và thời gian, di tích này vẫn lưu giữ nguyên vẹn hiện vật và giá trị truyền thống của nền văn hóa Chăm. Năm 1979, Pô Klong Garai được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích quốc gia, đến năm 2016 được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt. Điểm nhấn của quần thể tháp là tháp chính dài 13,8m, rộng 10,7m, cao 20,5m, bên trong đặt tượng thờ vua Pô Klong Garai (1151 - 1205). Đầu năm 2024, tượng thờ được Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia, khẳng định giá trị đặc biệt của di tích, góp phần làm tăng sức hấp dẫn cho điểm đến di sản.
Đứng dưới gốc me trăm tuổi hướng về các tháp Chăm cổ kính, anh Trần Văn Tài, du khách từ Hà Nội chia sẻ, anh đã đi dọc các tỉnh miền Trung từ Bình Định, Phú Yên đến Khánh Hòa để tham quan các đền tháp Chăm, nhưng cụm tháp Pô Klong Garai ở Ninh Thuận là nơi còn nguyên vẹn nhất. Đến đây, anh Tài không chỉ được chiêm ngưỡng nghệ thuật kiến trúc xây tháp độc đáo của người Chăm xưa mà còn có cơ hội chiêm ngưỡng Bảo vật quốc gia, tìm hiểu sâu hơn về vua Pô Klong Garai, vị vua có nhiều công trạng trong việc chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng hệ thống thủy lợi giúp cho đời sống dân chúng ấm no.
Ông Bá Văn Quyến, Phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận, người đã dành nhiều năm nghiên cứu về văn hóa Chăm, chia sẻ: Bảo vật quốc gia tượng thờ vua Pô Klong Garai có niên đại khoảng thế kỷ XVI – XVII, gồm có bệ thờ Yoni, trụ Linga được tạo tác thành một phù điêu bán tượng thể hiện hình ảnh vị vua. Theo truyền thuyết, đó chính là hình ảnh vua Pô Klong Garai đã được hóa thân vào biểu tượng thờ của thần Shiva. Tượng thờ vua Pô Klong Garai là tác phẩm điêu khắc cổ quý hiếm, được đục, chạm trổ cẩn trọng, khéo léo trên chất liệu sa thạch, mang tính mỹ thuật cao, tay nghề tinh mỹ, thể hiện hình ảnh Thần - Vua rất đặc biệt. Đó là sự kết hợp phong cách độc đáo giữa tinh thần Ấn Độ giáo và tư duy tín ngưỡng bản địa, thể hiện vương quyền và thần quyền nhất thể.
Cùng với tượng thờ vua Pô Klong Garai, trong kho tàng di sản văn hóa của người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận còn có ba hiện vật khác đã được công nhận là Bảo vật quốc gia gồm: Bia Hòa Lai có niên đại cuối thế kỷ VIII, đầu thế kỷ IX; Bia Phước Thiện có niên đại cuối thế kỷ VIII, đầu thế kỷ IX; phù điêu vua Pô Rômê có niên đại thế kỷ XVII. Hai bia trên hiện lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận, còn phù điêu vua Pô Rômê đang lưu giữ tại di tích tháp Pô Rômê thuộc xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước. Mỗi Bảo vật quốc gia đều mang những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật riêng biệt, phản ánh sinh động đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Chăm trên vùng đất Panduranga khi xưa.
Phát huy giá trị di sản văn hóa
Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận hiện là nơi lưu giữ nhiều tác phẩm điêu khắc Chăm có giá trị, với các bộ sưu tập hiện vật quý hiếm, tiêu biểu cho từng giai đoạn phát triển của nghệ thuật điêu khắc Chăm từ cuối thế kỷ VIII đến thế kỷ XVII. Nổi bật là những bộ sưu tập về nghệ thuật điêu khắc đá như: văn khắc, tượng đá Bia, tượng đá Kút... Hầu hết đều là những tác phẩm điêu khắc nguyên bản, có nguồn gốc xuất xứ từ các địa phương trong tỉnh. Các tác phẩm này thuộc nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau, có tính nối tiếp theo lịch niên đại sớm như văn bia Hòa Lai, văn bia Phước Thiện cho đến các loại hình tượng bia đá với niên đại muộn hơn.
Theo ông Bá Văn Quyến, bia ký là nguồn tư liệu khoa học quan trọng cho các nhà nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết và nghệ thuật khi tìm hiểu nền văn hóa Chăm. Điển hình như bia Hòa Lai được phát hiện trong đợt đào khảo cổ của dự án tu bổ tháp Hòa Lai vào năm 2006. Bia còn khá nguyên vẹn, được khắc trên ba mặt bằng chữ Phạn (Sanskrit), nội dung ghi lại là căn cứ để xem xét lịch sử xây dựng các tháp Hòa Lai, lịch sử triều đại, lịch sử tín ngưỡng tôn giáo trên vùng đất Panduranga thời kỳ Hoàn Vương. Bia Hòa Lai là hiện vật gốc độc bản có giá trị đặc biệt về lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật và điêu khắc tiêu biểu của nền văn hóa Chăm, đã từng phát triển rực rỡ từ thế kỷ II đến thế kỷ XVII trên mảnh đất miền Trung Việt Nam ngày nay.
Để phát huy giá trị các di sản, đặc biệt là các Bảo vật quốc gia, tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều nỗ lực trong việc trùng tu, tôn tạo các di tích nhằm bảo đảm nguyên giá trị lịch sử, văn hóa và mỹ thuật. Các di tích được kết nối thành cụm du lịch, thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu. Hàng năm, tại các đền tháp Pô Rômê, Pô Klong Garai diễn ra các nghi lễ tín ngưỡng tôn giáo, các buổi biểu diễn văn hóa, nghệ thuật giới thiệu những nét đặc trưng nền văn hóa Chăm tới du khách. Bên cạnh đó, các phòng chuyên môn của Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận có những biện pháp bảo quản khoa học để giữ gìn hiện vật, Bảo vật quốc gia; dán mã QR code, tạo thuận lợi cho du khách quét mã tìm hiểu thông tin với những trải nghiệm mới mẻ.
Theo ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, tỉnh đang tăng cường kết hợp hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch trên địa bàn. Trong đó, tỉnh tập trung bảo tồn, phát huy giá trị các di sản, các công trình văn hóa có giá trị tiêu biểu, có ý nghĩa chính trị, lịch sử, truyền thống đặc sắc để góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Thuận vì sự phát triển chung, bền vững của đất nước.
UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan điều tra, nghiên cứu, trình các cấp thẩm quyền xét duyệt xếp hạng các di tích, di sản, bảo vật; đẩy mạnh nghiên cứu để bảo tồn và giới thiệu những di sản văn hóa tiêu biểu bằng nhiều hình thức; trong đó chú trọng phát triển các ứng dụng công nghệ số nhằm hỗ trợ nâng cao trải nghiệm của khách tham quan tại các di tích, bảo tàng, Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm, các điểm tham quan du lịch.
Nguyễn Thành