Trà Vinh sẽ chuyển đổi trên 1.400 ha đất trồng lúa kém hiệu quả

Trà Vinh sẽ chuyển đổi trên 1.400 ha đất trồng lúa kém hiệu quả

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, năm 2024, địa phương tiếp tục chuyển đổi 1.400 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi khác. Cụ thể, chuyển trên 590 ha sang trồng cây hàng năm, trên 658 ha cây lâu năm và khoảng 151 ha trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản.

Trà Vinh sẽ chuyển đổi trên 1.400 ha đất trồng lúa kém hiệu quả  ảnh 1Vườn ớt trồng trong nhà lưới của gia đình anh Thạch Rạch Ta Na tại xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Để việc chuyển đổi đảm bảo hiệu quả, tỉnh Trà Vinh công khai quy hoạch sản xuất và kế hoạch sử dụng đất của địa phương hàng năm để người dân hiểu và thực hiện đúng chủ trương của nhà nước. Cùng đó, tỉnh tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi đồng bộ về giao thông, thủy lợi, khuyến khích chuyển đổi tập trung, tạo điều kiện thuận lợi sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản; khuyến cáo người dân không chuyển đổi tự phát khi địa bàn chưa được đầu tư hạ tầng dẫn đến sản xuất kém hiệu quả.

Ngành nông nghiệp cũng tăng cường tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cây trồng, con nuôi mới cho người dân; triển khai hiệu quả các chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn liên quan đến chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên đất trồng lúa để người dân được thụ hưởng. Mặt khác, đẩy mạnh xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản chính của tỉnh; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư và bao tiêu sản phẩm; tăng cường quản lý nhà nước; thanh tra, giám sát việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên đất trồng lúa theo đúng Nghị định 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Trần Trường Giang cho biết, năm 2023, tỉnh Trà Vinh đã chuyển đổi trên 2.300 ha đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác hoặc nuôi thủy sản. Theo đánh giá ban đầu của ngành nông nghiệp, hầu hết diện tích chuyển đổi đều hiệu quả. Cụ thể, tổng diện tích chuyển đổi sang trồng cây hàng năm trên 630 ha cho hiệu quả tăng gấp từ 1,25- 7,02 lần so với trước khi chuyển đổi. Với gần 1.586 ha trồng lúa chuyển đổi sang cây lâu năm, hiệu quả tăng từ 2,63-6,75 lần. Diện tích trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản và chuyên nuôi thủy sản trên 84 ha cho hiệu quả tăng từ 2,86-8,65 lần.

Tuy vậy, việc chuyển đổi vẫn có một số khó khăn, ảnh hưởng biến đổi khí hậu khiến thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ngoài ra, do thiếu vốn, thiếu lao động, đầu ra và giá cả nông sản không ổn định, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao cũng làm ảnh hưởng đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Thêm nữa, diện tích chuyển đổi riêng lẻ, không tập trung, ít liên kết hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn đáp ứng nhu cầu thị trường, dẫn đến việc liên kết, hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn, một số ít có liên kết nhưng không bền vững.

Bên cạnh đó, việc xác định đất trồng lúa để thực hiện các chính sách liên quan đến chuyển đổi sang cây trồng, nuôi thủy sản còn gặp nhiều khó khăn, một số địa phương còn lúng túng trong xác định đất lúa như thế nào là kém hiệu quả. Chính sách hỗ trợ có quy định diện tích chuyển đổi từng loại cây trồng, vật nuôi mới được hỗ trợ nên những hộ chuyển đổi có diện tích nhỏ, lẻ không được hưởng chính sách này. Mức hỗ trợ chuyển đổi không cao nên người dân và doanh nghiệp chưa mạnh dạn tham gia.

Không những thế, việc đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn hiệu quả thấp, nhiều rủi ro dẫn đến việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông sản còn khó khăn, hầu hết nông sản tiêu thụ thông qua thương lái nhỏ lẻ. Mặt khác, thị trường tiêu thụ sản phẩm chuyển đổi bấp bênh, không ổn định nên chưa khuyến khích người dân thực hiện chuyển đổi.

Đáng lưu ý, việc thanh tra, kiểm tra, giám sát chuyển đổi chưa được thực hiện thường xuyên, chỉ mới tập trung chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở; tình trạng người dân tự phát chuyển đổi không đúng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương còn diễn ra, gây ảnh hưởng môi trường và công tác quản lý đất trồng lúa theo quy định.

Để việc chuyển đổi bền vững, tỉnh Trà Vinh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mời gọi các doanh nghiệp có quy mô lớn vào đầu tư và bao tiêu một số nông sản chính cho tỉnh; phối hợp với bộ ngành liên quan tham mưu Thủ tướng Chính phủ tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho tỉnh đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi để phân vùng sản xuất phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa phù hợp với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục cây trồng lâu năm được phép chuyển đổi; cần quy định cụ thể việc xử phạt như thế nào khi thực hiện chuyển đổi không theo quy định.

Thanh Hòa

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm