Theo khảo sát đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh về kết quả chuyển đổi cây trồng trên đất trồng mía, đất gò cao thiếu nước tưới, nhiễm mặn trong năm 2022, hầu hết các mô hình sản xuất mới cho thu nhập cao gấp 2 - 3 lần so trồng mía, trồng lúa.
Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, năm 2022, ngành nông nghiệp tỉnh tập trung triển khai kế hoạch đầu tư hỗ trợ cho nông dân chuyển đổi sản xuất tập trung ở các vùng trồng lúa hiện hữu bấp bênh, kém hiệu quả kinh tế và đất trồng mía tại huyện Trà Cú.
Cụ thể, vùng sản xuất tại 2 xã đảo Long Hòa, Hòa Minh, huyện Châu Thành, có diện tích đất nông nghiệp khoảng 4.630 ha của hơn 5.900 hộ dân chuyên trồng lúa 1 vụ lúa chuyển sang 1 vụ lúa hữu cơ – 1 vụ tôm. Vùng sản xuất tại các xã Thuận Hòa, Mỹ Hòa, Vinh Kim, Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang, có diện tích đất trồng lúa 1 vụ bấp bênh khoảng 1.000 ha của 1.800 hộ dân được chuyển sang 1 vụ lúa hữu cơ – 1 vụ tôm. Vùng đất trồng mía đường nguyên liệu tại huyện Trà Cú hơn 4.000 ha.
Tại các vùng được bố trí chuyển đổi sản xuất được ngành nông nghiệp tỉnh đầu tư về thủy lợi phục vụ sản xuất. Nông dân được nâng cao năng lực quản lý, trồng trọt, nuôi thủy sản với phương thức kỹ thuật tiên tiến, kết nối thị trường tiêu thụ nhằm đảm bảo thu nhập cho người dân. Các mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng rau màu, sang chuyên nuôi tôm càng xanh, trồng dừa xen trồng cỏ nuôi bò hoặc chuyên trồng cỏ nuôi bò, ... đem lại lợi nhuận từ 70 - 100 triệu đồng/ha/vụ, tăng gấp 2 - 3 lần so với cây mía, cây lúa trước đây.
Ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú cho biết, năm 2022, toàn huyện đã chuyển đổi được hơn 350 ha đất trồng mía và đất trồng lúa kém hiệu quả. Các cây trồng, vật nuôi được nông dân bố trí trồng chủ yếu các loại rau, màu, như: bắp, đậu phộng 15,5ha, rau xanh các loại, trồng dừa xen canh trồng cỏ và nuôi thuỷ sản…
Theo ông Huỳnh Văn Thảo, việc chuyển đổi sản xuất thành công là nhờ sự đầu tư mạnh mẽ hệ thống kênh mương, đê bao ngăn mặn phát huy hiệu quả trong vùng chuyển đổi sản xuất. Nông dân ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào canh tác, đưa các con nuôi mới, chất lượng tốt vào sản xuất. Nhờ đó, giá trị sản xuất sau chuyển đổi đem thu nhập bình quân đối với cây trồng đạt 135 triệu đồng/ha/năm và nuôi thuỷ sản đạt 250-350 triệu đồng/ha/năm.
Ông Thạch Hữu, xã Hàm Tân, huyện Trà Cú cho biết, gia đình ông hiện canh tác 0,7 ha đất trồng mía được chuyển sang trồng 1 vụ lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh. Mô hình sản xuất mới này cho gia đình thu lợi nhuận ròng khoảng 40 triệu đồng/năm từ lúa và khoảng 4 tấn tôm càng xanh thương phẩm.
Theo Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đến nay toàn tỉnh đã chuyển đổi khoảng hơn 22.000 ha đất vuông vườn tạp, đất trồng mía, đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác. Diện tích đất sản xuất chuyển đổi được nông dân chọn cây trồng nhiều nhất là cây hàng năm chiếm hơn 13.500 ha, cây ăn trái 5.250 ha, số còn lại được bố trí nuôi thuỷ sản với các con nuôi có giá trị kinh tế như: tôm càng xanh, tôm sú, tôm thẻ chân trắng.
Phúc Sơn