Trà Vinh khuyến khích nông dân ven biển áp dụng mô hình thủy sản luân canh

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh mật độ cao của người dân thị xã Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh). Ảnh: Thanh Hòa -TTXVN
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh mật độ cao của người dân thị xã Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh). Ảnh: Thanh Hòa -TTXVN

Ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đang khuyến khích hộ nông dân ở các khu vực vùng ven biển trong tỉnh không có đủ diện tích và điều kiện nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo mô hình công nghệ cao nên áp dụng mô hình nuôi thủy sản đa dạng luân canh, xen canh,…

Trà Vinh khuyến khích nông dân ven biển áp dụng mô hình thủy sản luân canh ảnh 1Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh mật độ cao của người dân thị xã Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh). Ảnh: Thanh Hòa -TTXVN

Bởi đây là mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế cao về rủi ro ô nhiễm môi trường nước và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Theo khuyến cáo của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, một số loài thủy sản được ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích và hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân thực hiện nuôi xen canh, luân canh trong ao nuôi tôm, dưới tán rừng chủ yếu, như: cua biển, vọp, sò huyết, cá đối.

Bình quân, các mô hình nuôi đa dạng con nuôi thủy sản xen canh, luân canh với tôm sú, tôm thẻ chân trắng đem lại lợi nhuận tăng thêm cho nông dân từ 60 – 150 triệu đồng/ha/vụ.

Ông Trần Quốc Đoàn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duyên Hải cho biết, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Trà Vinh phối hợp với dự án Thích ứng biến với đổi khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long (AMD Trà Vinh) đã thực hiện thành công mô hình trình diễn "Nuôi sò huyết trong ao nuôi tôm quảng canh cải tiến" tại huyện Duyên Hải.

Mô hình được thực hiện trên diện tích 1 ha, có 2 hộ tham gia, mỗi hộ được hỗ trợ 500.000 con giống (250 con/kg), mật độ thả 50 con/m2.

Sau 4 tháng nuôi, sò đạt kích cỡ thương phẩm 70 con/kg; tỷ lệ sống 65% và năng suất đạt trên 4,4 tấn/ha. Với giá sò huyết thương phẩm bán ra ở mức 70.000 – 80.000 đồng/kg, lợi nhuận hô nuôi ước đạt hơn 146 triệu đồng/ha.

Ông Sơn Sóc Kha, ấp Cây Xoài, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải là hộ nuôi thành công con vọp trong ao tôm. Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trà Vinh, ông Sơn Sóc Kha thả 56.000 con vọp giống trên diện tích 0,6ha. Đến cuối tháng 10/2022, vọp nuôi được gần 04 tháng và dự kiến sẽ thu hoạch vào tháng 12/2022.

Ông Sơn Sóc Kha cho biết, nuôi tôm sú bán thâm canh trong ao đất gặp rất nhiều rủi ro, nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường đáy ao dễ sinh dịch bệnh trên tôm. Nhưng khi nuôi vọp kết hợp trong ao tôm, người nuôi chỉ tốn tiền con giống, không tốn công chăm sóc, cũng không cần phải cho ăn nhưng vọp vẫn phát triển tốt. Sau 6 tháng nuôi, ước sản lượng vọp thu hoạch khoảng 1,5 tấn, với giá vọp từ 25.000-28.000 đồng/kg…, gia đình có lợi nhuận ròng khoảng 35 triệu đồng.

Bên cạnh nuôi vọp, sò huyết, cua biển là loài được nông dân vùng ven biển Trà Vinh nuôi rất nhiều trong ao tôm và thu hoạch tỉa thưa.

Ông Nguyễn Văn Minh, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải cho biết, gia đình có diện tích nuôi tôm quảng canh gần 1,5 ha. Nhiều năm nay, ông đều thả nuôi cua biển xen với nuôi tôm, với lượng cua giống từ 25.000-30.000 con. Mỗi vụ thả nuôi khoảng 4 – 5 tháng, gia đình ông thu thêm khoảng 40 triệu đồng từ cua thương phẩm.

Theo ông Trần Quốc Đoàn, năm 2022, huyện Duyên Hải có 13.220 lượt hộ thả nuôi gần 100 triệu con cua biển giống, với diện tích gần 18.000 ha. Sản lượng thu hoạch tính đến nay ước khoảng 4.200 tấn, đạt 90% kế hoạch, tăng hơn 410 tấn so với cùng kỳ.

Cua biển được nông dân ở các xã Đôn Châu, Đôn Xuân, Ngũ Lạc, Đông Hải, Long Hữu, Long Vĩnh, Long Khánh thả nuôi nhiều theo hình thức xen trong ao nuôi tôm và mô hình rừng – tôm.

Phúc Sơn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm