Trà Vinh là một trong những tỉnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bị tác động nhiều bởi biến đổi khí hậu. Vì vậy, các mô hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu luôn được ngành nông nghiệp khuyến khích người dân các địa phương nhân rộng.
Tại thành phố Trà Vinh, chính quyền khuyến khích các hộ dân ít đất sản xuất nhân rộng các mô hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu đã được thực hiện thí điểm thành công mới đây, gồm mô hình trồng nấm bào ngư, nuôi lươn, nuôi ốc bươu đen và nuôi ếch.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Nhi, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trà Vinh, Trưởng Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ phát triển thành phố Trà Vinh cho biết, trong 2 năm 2021-2022, từ nguồn kinh phí tài trợ của các tổ chức nước ngoài, chương trình đã hỗ trợ một phần kinh phí và kỹ thuật cho 68 hộ dân khó khăn ở phường 8, phường 9 và xã Long Đức thực hiện thí điểm các mô hình sinh kế trên với mục đích giúp các hộ sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập để thoát nghèo bền vững. Kết quả, các mô hình này đã giúp nhiều hộ dân có sinh kế ổn định, cải thiện thu nhập đáng kể. Vì vậy, sau thử nghiệm, nhiều hộ đã quyết định nhân rộng mô hình.
Điển hình như mô hình trồng nấm bào ngư của gia đình chị Thạch Thị Sa Bane, phường 9, thành phố Trà Vinh. Tham gia mô hình, chị Bane được Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ phát triển thành phố Trà Vinh hỗ trợ 2.000 bịch phôi nấm bào ngư, với chi phí 12 triệu đồng từ tháng 7/2022; đồng thời được hướng dẫn kỹ thuật, quy trình trồng nấm, xây dựng nhà trồng nấm và vệ sinh xung quanh nhà…
Sau hơn 1,5 tháng, nấm cho thu hoạch đợt đầu tiên. Chị Thạch Thị Sa Bane tính toán, với chu kì thu hoạch 7 lần, mỗi lần từ 70-80 kg và cách nhau khoảng 10 ngày, giá bán 45.000 đồng/kg, số nấm này mang lại thu nhập khoảng 22 triệu đồng cho gia đình chị sau hơn 4 tháng sản xuất. Từ thành công này, gia đình chị đang đầu tư thêm 1 nhà trồng nấm để mở rộng diện tích sản xuất.
Tương tự, tháng 9/2022, gia đình ông Nguyễn Văn Cho, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh cũng được Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ phát triển thành phố hỗ trợ 2.500 con ếch giống, thuốc thú y và hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi ếch; hộ dân đối ứng chi phí làm 2 vèo bạt, con giống cá rô và thức ăn. Gia đình ông Cho thả ếch kết hợp cá rô, sau gần 2 tháng nuôi, ếch và cá rô cho thu hoạch. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông đạt lợi nhuận 8 triệu đồng. Hiện, gia đình ông đã nhân rộng số lượng ếch nuôi lên 9.000 con giống cho vụ sản xuất mới.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Nhi, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trà Vinh, thời gian tới, UBND thành phố Trà Vinh sẽ tranh thủ nguồn ngân sách sự nghiệp từ khoa học và công nghệ, nông nghiệp để hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo nhân rộng mô hình. Những mô hình này mang lại hiệu quả rất tích cực, các hộ có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi của các thành viên trong gia đình để chăm sóc nấm hoặc vật nuôi. Bên cạnh đó, do chi phí sản xuất thấp, khả năng quay đồng vốn nhanh nên đây là những mô hình rất phù hợp với những hộ nghèo, cận nghèo ít đất sản xuất của những vùng ven thành phố Trà Vinh.
Tuy nhiên, để các mô hình trên mang lại hiệu quả kinh tế cao, cùng với việc cử cán bộ nông nghiệp tích cực chuyển giao, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân, địa phương cũng vận động các hộ dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã, sản xuất tập trung để dễ tiếp cận các chính sách về vốn, khoa học kỹ thuật. Đặc biệt là dễ tìm thị trường tiêu thụ ổn định cho cây trồng, vật nuôi.
Thanh Hòa