Trà Vinh khuyến khích nhân rộng mô hình trồng dừa xen ca cao

Trà Vinh khuyến khích nhân rộng mô hình trồng dừa xen ca cao

Ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh khuyến khích nông dân trong tỉnh nhân rộng mô hình trồng dừa xen cây ca cao khi chuyển đổi sản xuất từ đất trồng lúa kém hiệu quả và đất vườn tạp. Đây là mô hình giúp nông dân đảm bảo nguồn thu nhập ổn định khi thị trường dừa trái thường bấp bênh về giá.

Ông Lý Niên, xã Phong Phú, huyện Cầu Kè có 0,7 ha vườn dừa được trồng xen 120 cây ca cao, đến nay đã được 8 năm tuổi. Tính từ năm 2020 tới nay, gia đình ông Niên thu hoạch khoảng 400 kg ca cao trái mỗi tháng, bán với giá tại vườn từ 5.000 - 5.500 đồng/kg cho thu nhập hơn 2 triệu đồng.

Theo ông Niên, nhiều năm nay, giá dừa trái không ổn định. Từ cuối năm 2021, giá dừa khô liên tục giảm thấp và đến hiện tại chỉ ở mức 30.000 - 35.000 đồng/chục (12 trái). Nếu hộ nông dân lập vườn chỉ trồng độc nhất cây dừa không xen canh thêm những cây trồng khác, nguồn thu nhập từ vườn dừa rất thấp khi gặp giá dừa trái trên thị trường giảm mạnh.

Ông Sơn Quết ở cùng xã Phong Phú, huyện Cầu Kè cho biết thêm, thời gian trồng đến khi thu hoạch đối với cây ca cao khoảng 2 năm. Chi phí đầu tư cho cây ca cao như phân, thuốc… rất ít so với nhiều cây ăn trái khác. Thời gian trồng đến khi cây cao cao cho trái khoảng 2 năm và cây ca cao cho trái quanh năm với năng suất tăng dần đến mức ổn định từ 15 - 20kg/cây/năm. Cụ thể gia đình ông có 0,8ha vườn dừa trồng xen 300 cây ca cao. Từ năm 2020 đến nay, gia ông đình Quết có thu nhập ổn định hơn 22 triệu đồng/năm, chưa tính khoản thu nhập từ cây dừa.

Theo ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, hiện nay trên địa bàn tỉnh có Công ty TNHH Cacao Mekong, đặt chi nhánh tại xã Song Lộc, huyện Châu Thành để thu mua ca cao trái. Công ty TNHH Cacao Mekong đã xây dựng chuỗi thu mua trái ca cao của nông dân trong tỉnh tới tận vườn với mức giá 5.500 đồng/kg. Việc nông dân trong tỉnh trồng cây ca cao xen vườn dừa, chất lượng trái ca cao đều đạt chuẩn hữu cơ, do người trồng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nên được công ty thu mua hết sản phẩm.

Hiện nay, nành nông nghiệp tỉnh đang triển khai chương trình nâng cao chuỗi giá trị cây dừa với mục tiêu đến năm 2030, tổng diện tích vườn dừa được trồng của tỉnh đạt khoảng 30.000 ha; trong đó có 5.000 ha dừa hữu cơ được bố trí trồng tại các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú và thành phố Trà Vinh. Việc mở rộng diện dừa hữu cơ trên đất vườn tạp, đất lúa kém hiệu quả sẽ được ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương hỗ trợ nông dân trông xen canh cây ca cao hoặc một số cây trồng phù hợp khác để giúp nông dân lấy ngắn nuôi dài, tăng thu nhập cho vườn dừa của hộ nông dân.

Phúc Sơn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm