Năm 2023, tỉnh Trà Vinh có kế hoạch bố trí gần 50 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp; trong đó, 9 huyện, thị xã, thành phố được bố trí trên 37 tỷ đồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh gần 13 tỷ đồng.
Theo đó, tỉnh hỗ trợ 242 cơ sở ở các địa phương với tổng số tiền trên 20 tỷ đồng thực hiện quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP; hỗ trợ 53 cơ sở sản xuất, tiêu thụ rau an toàn với tổng số tiền trên 3,5 tỷ đồng.
Tỉnh cũng hỗ trợ trên 6,6 tỷ đồng cho các địa phương trồng mới hoặc cải tạo vườn cây ăn quả, cây dừa, vườn tạp, đất trồng mía trên tổng diện tích hơn 430 ha; hỗ trợ nông dân trên 6,2 tỷ đồng chuyển đổi 456,2 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng, vật nuôi khác.
Đối với nguồn kinh phí gần 13 tỷ đồng được bố trí cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đơn vị dành trên 3,4 tỷ đồng hỗ trợ các cơ sở tham gia chương trình OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), như: hỗ trợ sản xuất sản phẩm OCOP; xây dựng cửa hành kinh doanh sản phẩm OCOP; mua máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất cho các ngành nghề nông thôn có sản phẩm đạt OCOP. Đơn vị cũng dành hơn 2,2 tỷ đồng hỗ trợ phát triển trồng rừng và bảo vệ rừng. Đồng thời, bố trí 6,7 tỷ đồng hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; 577 triệu đồng thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân lắp đặt thiết bị thiết bị VMS (Giám sát hành trình ) trên tàu cá.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Thanh Bình, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Trà Vinh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Theo kế hoạch, giai đoạn này, tỉnh bố trí kinh phí hơn 390 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Thanh Hòa