Có lịch sử từ lâu đời, Lễ cầu an của dân tộc Giáy ở xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang luôn được đồng bào nơi đây gìn giữ. Tập quán này vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Theo Cục Thống kê tỉnh Hà Giang, tính đến ngày 31/12/2019, dân số tộc người Giáy sinh sống trên địa bàn tỉnh có khoảng 17.553 người, chủ yếu tại các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn và Yên Minh.
Lễ cầu an là một trong những nghi lễ quan trọng nhất của đồng bào Giáy, còn được biết đến với tên gọi Lễ múa kiếm (Lống ma shá); có từ lâu đời được truyền qua nhiều thế hệ với các bài cúng được ghi chép trong sách cổ của thầy cúng người Giáy tại xã Nậm Ban. Nghi lễ dân gian truyền thống này được tổ chức vào các dịp lễ tết của đồng bào Giáy như Tết Nguyên đán, vào nhà mới, khi kết thúc mùa vụ, đám cưới...
Ông Lục Thanh Minh, sinh năm 1960, thầy cúng, cư trú tại thôn Nà Poòng, xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc cho biết, Lễ cầu an diễn ra vào nhiều dịp trong năm nhưng chủ yếu là vào đầu năm. Đây là dịp để mọi người khấn cầu thần linh cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân bản ấm no, mạnh khỏe và hạnh phúc.
Lễ cầu an của dân tộc Giáy được chia làm bốn giai đoạn gồm: phần cúng dâng lễ, phần múa nghi lễ, phần hát múa truyền thống và cuối cùng là phần giao lưu sinh hoạt cộng đồng.
Vào ngày diễn ra Lễ cầu an, từ sáng sớm, mỗi gia đình đều cử người đến địa điểm tổ chức để cùng chuẩn bị cho buổi lễ. Thầy cúng và đội nghệ nhân múa thường có từ 10 - 14 người, bắt buộc phải mặc trang phục nam truyền thống của dân tộc Giáy. Lễ cầu an của người Giáy không đặt nặng về hình thức cũng như các lễ vật dâng lên thần linh, thường chỉ mang tính chất tượng trưng thể hiện thành ý của người làm lễ. Mâm cúng gồm một con gà luộc, một đĩa xôi, hoa quả, chai rượu và vàng hương. Đến giờ làm lễ, thầy cúng yêu cầu đội múa kiếm xếp thành một hàng sau lưng và châm lửa đốt một bó hương thắp lên ban thờ cúng mời thần linh bốn phương về dự lễ. Đội múa cũng như những đạo cụ đều thắt một sợi vải màu đỏ.
Theo ông Nông Thanh Cú, nghệ nhân múa kiếm, thôn Nà Hin, xã Nậm Ban (huyện Mèo Vạc), người Giáy cho rằng màu đỏ là màu của nghi lễ, biểu trưng cho sự may mắn, an lành. Do đó, những đạo cụ dùng trong điệu múa cũng được buộc một dây vải màu đỏ. Ngay sau lễ cúng chính kết thúc, những cô gái dân tộc Giáy thể hiện khả năng ca hát và múa những điệu múa truyền thống của dân tộc.
Sau khi kết thúc bài cúng báo cáo, cầu an và cảm tạ các thần linh, tổ tiên, đội múa kiếm được giao đạo cụ làm bằng gỗ, phỏng theo hình dáng của các loại vũ khí đồng bào Giáy từng sử dụng để thực hiện bài múa. Khi phần múa kiếm kết thúc, những thành viên trong bản cùng nhau thể hiện những bài hát ca ngợi thần linh, cảm tạ tổ tiên, hát đối đáp, giao duyên và những điệu múa truyền thống của đồng bào Giáy. Dân ca dân tộc Giáy rất phong phú về nội dung như: hát về tình yêu đôi lứa, về các loài hoa, đám cưới; hát bên mâm rượu, ca ngợi công đức ông bà, bố mẹ...
Thông qua lễ cúng, đồng bào Giáy gửi gắm ước vọng, cầu mong các thần linh phù hộ cho làng bản được yên bình, người dân được no ấm, không còn đói nghèo, bệnh tật. Đồng thời, cũng thể hiện tinh thần thượng võ, sự thôi thúc, cổ vũ cộng đồng cùng đoàn kết, quyết tâm đấu tranh bảo vệ làng bản.
Lễ cầu an của đồng bào Giáy là một tập quán xã hội giàu tính nhân văn, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, lòng biết ơn và tôn kính tổ tiên, là cầu nối tâm linh giữa đất trời và con người, thể hiện quyết tâm giữ gìn sự bình yên của bản làng, khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nghi lễ không chỉ phản ánh vai trò và địa vị của những người thầy cúng trong xã hội trước mà còn là bằng chứng thể hiện những yếu tố văn hóa, tín ngưỡng nguyên thủy sơ khai, niềm tin vào thế giới thần linh.
Nguyễn Chiến
Tên tự gọi: Giáy
Tên gọi khác: Nhắng, Giẳng
Dân số: 58.617 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).
Ngôn ngữ: Tiếng Giáy thuộc ngữ hệ Thái - Ka Ðai.
Lịch sử: Người Giáy từ Trung Quốc di cư sang Việt Nam cách đây khoảng 200 năm.
Hoạt động sản xuất: Người Giáy có nhiều kinh nghiệm canh tác lúa nước trên những triền ruộng bậc thang. Bên cạnh đó họ còn làm thêm nương rẫy trồng ngô, lúa, các loại cây có củ và rau xanh. Chăn nuôi theo lối thả rông. Có một số nghề thủ công nhưng chưa phát triển.
Ăn: Ăn cơm tẻ. Gạo được luộc cho chín dở rồi mới cho vào chõ đồ lên như đồ xôi. Nước luộc gạo dùng làm đồ uống. Cách chế biến món ăn, nhất là ăn trong ngày lễ, ngày tết chịu ảnh hưởng sâu sắc của người Hán.
Mặc: Trước kia phụ nữ mặc váy xoè giống như váy của người Mông. Ngày nay họ mặc quần màu chàm đen có dải vải đỏ đắp trên phần cạp, áo cánh 5 thân xẻ tà, dài quá mông, cài khuy bên nách phải, hò áo và cổ tay áo viền những dải vải khác màu. Tóc vấn quanh đầu với những sợi chỉ hồng thả theo đuôi tóc. Vai khoác túi thêu chỉ màu với hoa văn là những đường gấp khúc. Nam giới mặc quần lá toạ, áo cánh xẻ tà, mở khuy ngực.
Ở: Người Giáy cư trú ở các huyện Bát Xát, Bảo Thắng, Mường Khương (Lào Cai), Yên Minh, Ðồng Văn (Hà Giang), Phong Thổ, Mường Tè (Lai Châu). Nhà sàn là nhà ở truyền thống. Hiện nay, kiểu nhà sàn vẫn phổ biến trong bộ phận người Giáy ở Hà Giang, còn bộ phận ở Lào Cai và Lai Châu ở nhà đất nhưng phía trước nhà vẫn là sàn phơi. Nhà thường có 3 gian, bàn thờ đặt ở gian giữa.
Phương tiện vận chuyển: Họ gánh bằng dậu, dùng ngựa thồ, trâu kéo.
Quan hệ xã hội: Trước Cách mạng tháng Tám, xã hội người Giáy có sự phân hoá giai cấp rõ rệt. Tầng lớp trên là những chức dịch trong bộ máy chính quyền ở xã, thôn bản, nhiều người được hưởng ruộng công do dân cày cấy, có rừng thảo quả do dân trồng, có lính phục dịch, có người lo việc tang, việc cưới, đôi khi có cả đội xoè. Nông dân, ngoài đóng thuế còn phải làm lao dịch và cống nạp cho các chức dịch.
Cưới xin: Gồm nhiều nghi lễ: dạm hỏi, thả mối, ăn hỏi, cưới và lại mặt. Trong lễ ăn hỏi nhà trai đưa cho nhà gái một vòng cổ và một vòng tay để "đánh dấu". Trong lễ cưới ngoài chi phí cho ăn uống, nhà trai còn phải mang cho nhà gái một số thực phẩm và tiền để làm quà tặng họ hàng gần; mỗi người một con gà, một con vịt và một đồng bạc trắng. ở người Giáy cũng có tục kéo vợ như người Mông.
Sinh đẻ: Khi có thai phụ nữ phải kiêng nhiều thứ: không đun củi từ ngọn lên gốc (sợ đẻ ngược), không đến đám tang hay nơi thờ cúng (sợ mất vía). Gần đến ngày đẻ, họ phải cúng mụ. Trẻ đầy tháng cúng báo tổ tiên, đặt tên và lập lá số cho trẻ để sau này đem so tuổi khi lấy vợ, lấy chồng và chọn giờ nhập quan, hạ huyệt khi chết đi.
Ma chay: Người Giáy cho rằng khi người ta chết, nếu ma chay chu đáo thì sẽ được lên trời sống sung sướng cùng với tổ tiên, nếu không sẽ bị đưa xuống âm ti hoặc biến thành con vật. Vì thế, ở những gia đình khá giả đám tang có thể kéo dài tới 5-7 ngày và có thêm một số nghi lễ như thả đèn trôi sông, rước hồn đi dạo... Con cái để tang bố mẹ một năm. Lễ đoạn tang thường được tổ chức vào dịp cuối năm.
Thờ cúng: Bàn thờ đặt ở gian giữa, thường có ba bát hương theo thứ tự từ trái sang phải thờ táo quân, trời đất và tổ tiên. Trong trường hợp chủ nhà là con nuôi hay con rể thừa tự muốn thờ họ bố mẹ đẻ thì đặt thêm một bát hương ở bên trái. Những gia đình không thờ bà mụ trong buồng thì đặt thêm một bát hương ở bên phải. Ở một số gia đình ngoài bàn thờ lớn còn đặt một bàn thờ nhỏ để thờ bố mẹ vợ. Phía dưới bàn thờ lớn ngay trên mặt đất đặt một bát hương cúng thổ địa, ở hai bên cửa chính có hai bát hương thờ thần giữ cửa.
Lễ tết: Người Giáy ăn Tết như các dân tộc ở vùng Ðông Bắc: Tết Nguyên đán, Thanh minh, Ðoan ngọ....
Lịch: Người Giáy theo âm lịch.
Học: Người Giáy chưa có văn tự, chỉ có một số rất ít người biết chữ Hán.
Văn nghệ: Trong kho tàng văn nghệ của người Giáy có truyện cổ, thơ ca, tục ngữ, đồng dao, phong dao... Ở người Giáy có ba kiểu hát mà họ gọi là "vươn" hay "phướn" hát bên mâm rượu, hát đêm và hát tiễn dặn...
Theo cema.gov.vn