Với ý nghĩa là giọt nước văn hóa, mọi người cũng đều có trách nhiệm giữ sạch nguồn nước, bảo vệ cây cối quanh giọt nước và bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên. Theo quan niệm của đồng bào dân tộc thiểu số, có thể không có cơm ăn hàng tháng, không có áo mặc đủ ấm, nhưng không thể không có nguồn nước.
Giọt nước của người Ê đê. |
Các dân tộc Tây Nguyên lập làng thường chọn nơi đất đai màu mỡ, vị trí đẹp, nhưng quan trọng nhất là có nguồn nước tốt, đây là lựa chọn có vai trò hàng đầu.
Giọt nước Tây Nguyên có khi là một bến sông, có khi là một đoạn suối, nhưng thông thường là nguồn nước lấy từ mạch núi, được dẫn về làng bằng các ống lồ ô nối nhau. Mỗi làng có ít nhất một giọt nước đặt ở vị trí thuận lợi cho việc sử dụng. Vì lấy từ khe núi nên nước rất tinh khiết, thanh mát, có thể sử dụng trong việc ăn uống hàng ngày.
Từ ngàn đời nay, trong ý nghĩ của người Tây Nguyên, hình ảnh giọt nước vừa gần gũi vừa thiêng liêng. Thật vậy, nếu lửa tượng trưng cho ý chí, cho dũng khí của người Tây Nguyên thì bến nước chính là sự dịu ngọt của tâm hồn, là nguồn mạch dạt dào tình cảm. Âm thanh gợi nhớ của người Tây Nguyên là cồng chiêng, hình ảnh gợi nhớ của họ chính là bến nước, dù đi xa đến nơi đâu họ cũng luôn nhớ về bến nước nơi buôn làng mình. Từ giọt nước, con người Tây Nguyên đã tạo dựng trong làng một cuộc sống nghĩa tình.
Không chỉ mang giá trị tinh thần to lớn, bến nước còn là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt thường nhật của dân làng. Giọt nước là tặng phẩm của thiên nhiên, mỗi buổi chiều, trên bến nước bao giờ cũng rất xôn xao. Hàng ngày, các bà, các mẹ thường địu con ra tắm giặt, hứng nước từ các ống tre chứa đầy vào các quả bầu khô dùng để chứa nước…
Ngày trước, khi buôn làng còn mang đậm tính cộng đồng, còn giữ nguyên nét văn hóa bản địa thì các chị em phụ nữ còn ra giọt nước tắm. Đây cũng là một nét đẹp đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện tại, hòa nhập với cuộc sống văn minh, các buôn làng đều có giếng nước nhưng phần lớn người dân vẫn không bỏ được tập quán sử dụng nước ăn từ giọt nước và việc đi lấy nước, tắm giặt, sinh hoạt nơi bến nước vẫn là một bản sắc dân tộc đặc sắc được gìn giữ.
Ngoài việc cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt và phục vụ sản xuất, giọt nước còn là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng. Ngoài giá trị to lớn về văn hóa truyền thống, giọt nước là nơi có nguồn nước sạch phục vụ cho cả buôn làng. Hàng năm, các làng đồng bào dân tộc thiểu số tổ chức lễ cúng giọt nước, một sinh hoạt cộng đồng mang đậm chất văn hóa của người Tây Nguyên cầu nước sạch, nước trong, mang lại sức khỏe cho làng.
Trong lễ cúng đó, bà con cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mong cho mọi người có sức khỏe dồi dào, làm ăn gặp điều may mắn, cầu mong mọi người đều làm việc tốt và đoàn kết thương yêu nhau.
Nhiều làng đồng bào dân tộc thiểu số đã huy động dân tu sửa, làm cho giọt nước thoáng mát, sạch đẹp, bảo đảm vệ sinh môi trường. Tại đây, bà con còn trồng lại nhiều cây xanh, trong đó chủ yếu là các loại cây bản địa. Hiện nay, một số giọt nước được xây dựng thành nơi có cảnh quan đẹp, phục vụ cho sinh hoạt văn hóa cộng đồng và một số giọt nước xây dựng điểm du lịch sinh thái. Không chỉ đơn thuần là tín ngưỡng, phong tục này giúp người dân nâng cao ý thức về tầm quan trọng của nước trong đời sống thường ngày để giữ gìn, bảo vệ.
Theo baogialai.com.vn