Từ nhiều đời nay, người Cờ Lao đỏ (Hà Giang) đã sinh sống ở những bản làng bên sườn dãy Tây Côn Lĩnh. Là dân tộc rất ít người, trải qua thời gian, những giá trị văn hóa cốt lõi của người Cờ Lao đỏ tại Hà Giang đã có sự thay đổi, nhiều nét đẹp truyền thống được gìn giữ, bảo tồn từ đời này qua đời khác, nhưng cũng có không ít đặc trưng đã bị mất đi, phai mờ theo thời gian.
Bài cuối - Nỗ lực bảo tồn giá trị truyền thống
Cùng sự phát triển chung của xã hội, người Cờ Lao ở Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) đã linh hoạt thích ứng với những thay đổi của cuộc sống nhưng vẫn gìn giữ, truyền từ đời này sang đời khác những giá trị truyền thống cốt lõi.
Gìn giữ giá trị truyền thống cốt lõi
Do địa hình dốc, người Cờ Lao đỏ ở Túng Sán phải canh tác trên những nương ruộng cao nên rất khó để có thể đưa máy móc lên tới nơi. Vì vậy, việc thu hoạch lúa của bà con chủ yếu phụ thuộc vào sức người. Để thu hoạch nhanh, người dân nơi đây thường cấy đổi công, gặt đổi công cho nhau. Mỗi khi đến mùa gặt, mọi người trong thôn, bản thường tập trung lại làm cho từng nhà. Nhà nào cần thu hoạch trước sẽ được mọi người ưu tiên đến giúp, lần lượt từng nhà. Việc này vừa đáp ứng hiệu quả công việc vừa tăng tình đoàn kết gắn bó.
Ông Sú Diu Hồ, Trưởng thôn 4 Tả Chải, xã Túng Sán, chia sẻ, bà con ở đây chỉ cần biết nhà nào đang chuẩn bị thu hoạch lúa hay đi cấy, đắp bờ là sẽ tự đến giúp, không cần gia chủ phải nhờ. Việc này đã truyền từ đời này qua đời khác, qua đó giúp tình cảm láng giềng thêm gắn bó.
Mọi công việc đều xuất phát từ tình cảm trên tinh thần tự nguyện, không phải trả công. Khi xong việc, gia chủ làm mâm cơm mời mọi người ở lại cùng ăn với những món dân dã, sẵn có tại địa phương, rồi quây quần bên bếp lửa, hát cho nhau nghe những bài dân ca cổ... Thông qua những công việc hàng ngày như vậy, tình cảm người cùng thôn, cùng bản càng bền chặt.
Một trong những nét đặc sắc văn hóa của người Cờ Lao đỏ tại Túng Sán chính là âm nhạc. Theo Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoàng Su Phì Trần Chí Nhân, người dân nơi đây được thừa hưởng và đang lưu giữ một kho tàng âm nhạc dân gian đồ sộ gồm những bài hát dân ca được lưu truyền miệng trong cộng đồng người Cờ Lao. Khác với các dân tộc khác (dân ca chủ yếu được lưu truyền qua các thầy cúng), đối với dân tộc Cờ Lao, dân ca chủ yếu được lưu truyền qua các nghệ nhân dân gian hoặc các bậc cao niên.
Giai điệu và nội dung âm nhạc của người Cờ Lao xã Túng Sán tương đối đa dạng và phong phú; đề cập đến nhiều lĩnh vực của cuộc sống, trong đó nhiều nhất là những bài hát về tình yêu đôi lứa, hát giao duyên. Tuỳ theo từng hoàn cảnh, các nghệ nhân dân gian hát những bài hát có nội dung và giai điệu khác nhau. Ngoài ra, âm nhạc cũng được dùng trong đám cưới, hội hè, cúng tế hoặc tang ma và sử dụng cùng các nhạc cụ như: kèn, trống, chiêng, kèn lá, tù và...
Bảo tồn nét đẹp văn hóa
Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều quyết định, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc nói chung và dân tộc Cờ Lao nói riêng đã được ban hành. Đơn cử như Quyết định 1672/QĐ-TTg ngày 26/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao". Ngoài ra, còn nhiều quyết định, đề án khác đã đầu tư mở mới đường giao thông nội vùng, từ trung tâm UBND xã Túng Sán đi các thôn; hỗ trợ lắp ráp trạm truyền thanh không dây; hỗ trợ mua radio cho các hộ dân tộc Cờ Lao; tập huấn công tác khuyến nông, kỹ thuật, trồng trọt, chăn nuôi, trồng cây dược liệu, thảo quả...; hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình nuôi dê sinh sản cho dân tộc Cờ Lao xã Túng Sán…
Theo Trưởng phòng Dân tộc huyện Hoàng Su Phì Bùi Thanh Hưởng, những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đã có nhiều chính sách được triển khai nhằm hỗ trợ sinh kế, giúp đồng bào dân tộc Cờ Lao phát triển kinh tế, đồng thời bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống. Đồng bào đã được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để mua giống gia súc, gia cầm, vật nuôi, mua giống cây trồng và tạo các điều kiện khác để phát triển kinh tế; hỗ trợ cải tạo các cơ sở hạ tầng như điện - đường - trường - trạm; hỗ trợ các cháu học sinh được học tập, được tầm soát về y tế, chăm sóc sức khoẻ. Đặc biệt là chính sách bảo tồn, khôi phục các lễ hội truyền thống của người Cờ Lao.
Trong thời gian tới, thực hiện các nghị quyết, chương trình, đề án của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, ngành chức năng tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan để triển khai các chính sách, hỗ trợ đồng bào kinh phí, tiếp cận các gói tín dụng để phát triển kinh tế, xây dựng những mô hình sản xuất hiệu quả, cải thiện đời sống.
Đối với vấn đề văn hóa, xã hội, huyện sẽ tiếp tục có chính sách hỗ trợ về y tế, dân số, hỗ trợ học sinh đi học và duy trì, thực hiện tốt chính sách bảo tồn các lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào Cờ Lao gắn với phát triển du lịch, ông Bùi Thanh Hưởng cho biết thêm.
Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành từ Trung ương tới địa phương, nhiều chương trình, chính sách… hỗ trợ đồng bào dân tộc đã được triển khai, từ đó giúp bà con nơi đây ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Đồng thời cũng thông qua các gói hỗ trợ, sự tận tâm, tận tình, sự nỗ lực của những người làm công tác văn hóa, dân tộc, mà việc gìn giữ, bảo tồn những nét đẹp văn hóa của đồng bào Cờ Lao nói riêng, các dân tộc nói chung, được thường xuyên quan tâm triển khai.
Nam Thái
Tên tự gọi: Cờ Lao.
Tên gọi khác: Tứ Ðư, Ho Ki, Voa Ðề.
Nhóm địa phương: Cờ Lao Xanh, Cờ Lao Trắng, Cờ Lao Ðỏ.
Dân số: 2.636 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).
Lịch sử: Người Cờ Lao chuyển cư tới Việt Nam cách đây khoảng 150 - 200 năm.
Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Ka Ðai, cùng nhóm với tiếng La Ha, La Chí, Pu Péo (ngữ hệ Thái - Ka Ðai). Trước đây, các nhóm địa phương có phương ngữ khác nhau nhưng hiện nay đa số người Cờ Lao Ðỏ, Cờ Lao Xanh không còn nói được tiếng mẹ đẻ của mình nữa. Tuỳ theo quá trình tiếp xúc, cộng cư họ quen sử dụng tiếng Quan Hỏa, tiếng Nùng hay tiếng Pu Péo, Mông.
Hoạt động sản xuất: Bộ phận người Cờ Lao ở vùng cao núi đá tai mèo chủ yếu làm nương cày, thổ canh hốc đá. Ngô là cây lương thực chính. Trên nương họ còn trồng đậu răng ngựa, lúa mạch, đậu Hà lan, su hào... Người Cờ Lao có truyền thống dùng phân chuồng, phân tro và nhiều kinh nghiệm sử dụng phân bón trên nương. Phân tro được bón vào từng hốc khi tra ngô.
Bộ phận người Cờ Lao ở vùng núi đất chuyên sống bằng nghề làm ruộng bậc thang, lúa là cây lương thực chính. Nghề thủ công truyền thống là đan lát (nong, bồ, phên, cót...) và làm đồ gỗ (bàn, hòm, yên ngựa, quan tài, các đồ đựng bằng gỗ). Nhiều làng có thợ rèn sửa chữa nông cụ.
Ăn: Tuỳ nơi, họ ăn ngô chế thành bột mèn mén hoặc ăn cơm, quen dùng bát, thìa muôi bằng gỗ.
Mặc: Phụ nữ mặc áo cùng loại với áo người Nùng, Giáy nhưng dài quá gối áo được trang trí bằng những miếng vải đáp trên hò áo, ngực, tay áo. Trước đây người Cờ Lao Trắng, Cờ Lao Xanh còn mặc thêm chiếc áo ngắn tay ra ngoài áo dài để phô những miếng vải mầu đắp trên tay áo trong, chân cuốn xà cạp.
Ở: Người Cờ Lao thường sống thành từng làng khoảng 15 - 20 nóc nhà ở vùng núi đất huyện Hoàng Su Phì, hoặc núi đá tai mèo ở huyện Ðồng Văn (Hà Giang). Nhà ba gian hai trái, mái lợp cỏ gianh hoặc các ống vầu, nứa bổ đôi xếp úp ngửa. Người Cờ Lao Ðỏ làm nhà trình tường như người láng giềng Pu Péo.
Phương tiện vận chuyển: Dùng ngựa để thồ hàng là một phương tiện vận chuyển phổ biến của người Cờ Lao. Họ quen dùng địu đan bằng giang có hai quai đeo vai. Hàng ngày họ phải địu nước về nhà; ở vùng núi đất, dùng máng lần đưa nước về đến tận nhà hay gần nhà.
Quan hệ xã hội: Mỗi nhóm Cờ Lao thường có dòng họ khác nhau như các họ Vần, Hồ, Sếnh, Chảo (Cờ Lao Trắng), Min, Cáo, Sú Lý (Cờ Lao Ðỏ), Sáng (Cờ Lao Xanh). Gia đình nhỏ phụ hệ là phổ biến. Nếu nhà không có con trai, người ta thường lấy rể về ở rể. Con rể vẫn giữ họ của mình nhưng có quyền thừa kế tài sản nhà vợ. Người ở rể có bàn thờ tổ tiên mình và bàn thờ bố mẹ vợ.
Cưới xin: Tục lệ cưới xin khác nhau giữa các nhóm. Chú rể Cờ Lao Xanh mặc áo dài xanh, cuốn khăn đỏ qua người. Cô dâu về đến cổng phải dẫm vỡ một cái bát, một cái muôi gỗ đã để sẵn trước cổng. Cô dâu Cờ Lao Ðỏ chỉ ngủ lại nhà chồng đêm hôm đón dâu. Cách cưới kéo vợ hay cướp vợ như người Mông vẫn thường xảy ra.
Sinh đẻ: Người Cờ Lao không có tục chôn hay treo nhau đẻ lên cây mà thường đem đốt, rồi bỏ tro than vào hốc đá trên rừng. Con trai được đặt tên sau 3 ngày 3 đêm, con gái 2 ngày 3 đêm, ở một số nơi trẻ được đặt tên khi đầy tháng. Trong lễ đặt tên cúng tổ tiên và thần Ghi Trếnh, vị thần bảo vệ trẻ em, theo phong tục, bà ngoại đặt tên và tặng cháu quà.
Ma chay: Trong tang lễ có phong tục làm ma hai lần: lễ chôn người chết và lễ làm chay. Ở người Cờ Lao xanh, lễ làm chay có thể tiến hành ngay hôm chôn hay một vài năm sau. Người chết được cúng đưa hồn về Chan San, quê hương xưa. Người Cờ Lao Ðỏ có phong tục xếp đá quanh mộ, cứ 10 tuổi lại xếp một vòng đá. Các vòng đá tuổi được phủ kín đất; trên cùng lại xếp thêm một vòng đá nữa.
Thờ cúng: Người Cờ Lao tin mỗi người có 3 hồn; lúa, bắp và gia súc cũng đều có hồn. Hồn lúa (hồn lúa bố, hồn lúa mẹ, hồn lúa vợ và hồn lúa chồng) được cúng mỗi khi gặt xong và cúng vào dịp Tết 5 tháng 5. Tổ tiên được thờ 3 hay 4 đời. Thần đất là vị thần quan trọng được gia đình và toàn bản thờ cúng.
Lễ tết: Người Cờ Lao ăn Tết Nguyên đán, Tết Mùng 3 tháng 3, mùng 5 tháng 5, 15 tháng 7 và mùng 9 tháng 9 âm lịch như nhiều dân tộc ở vùng đông bắc Việt Nam.
Học: Chữ Hán được sử dụng phổ biến trong việc cúng lễ. Ngày nay như các dân tộc khác trong cả nước, học sinh được học tiếng Việt và chữ phổ thông.
Theo cema.gov.vn