Hát Hèo Phươn trong Lễ hội Thanh Minh, xã Phúc Sen (Quảng Uyên). Ảnh: baocaobang.vn |
Làn điệu Hèo Phươn có từ lâu đời, mang đậm bản sắc dân tộc, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người Nùng An qua tiếng hát. Đây là điệu hát giao duyên, thường dùng trong thể đối đáp giữa nam và nữ. Làn điệu Hèo Phươn có cấu trúc theo từng cặp, mỗi cặp có 2 câu, mỗi câu có 10 chữ. Khi hát thì mỗi bên nam, nữ đều có 2 người, một người hát giọng trầm, một người hát giọng thanh, hát theo lời đối trả lời về câu cuối cặp. Giọng cao luôn chủ động dẫn đường về tiết tấu, cao độ, trường độ, đúng nhịp, luyến láy; còn giọng thấp hòa theo nâng đỡ như trợ sức vươn cho giọng cao.
Lời Hèo Phươn theo thể cổ phong, lối thơ không quá khắt khe với niêm luật mà chủ yếu là ý tứ đậm đà đằm thắm. Hèo Phươn mượt mà, sâu lắng, thiết tha gọi mời, luôn được bay vút lên, trải dài miên man theo đồi núi, làm đẹp bản làng trong các lễ hội, đám cưới, ngày chợ hội, chúc thọ, hát giao duyên, mừng nhà mới, cầu mùa...
Không biết có từ bao giờ, nhưng Hèo Phươn luôn được cha ông truyền cho các thế hệ con cháu. Sinh ra tại xóm Phja Chang dưới, từ nhỏ ông Lương Văn Thịnh đã gắn bó với những làn điệu Hèo Phươn. Theo ông Thịnh, ngay từ khi còn nhỏ, những làn điệu quen thuộc của Hèo Phươn đã quen thuộc với ông. Đến năm 10 tuổi, ông đi theo các anh, các chị lớn trong xóm nghe hát và học nhẩm theo. Về nhà, ông được bố, mẹ, các anh, chị truyền dạy lại cách hát, kỹ thuật hát. Để hát Hèo Phươn hay thì người hát cần dựa vào vốn dân ca có sẵn và tùy hứng hát đối đáp lại cho thêm phần sinh động.
Hiện nay, để giữ gìn và lưu truyền làn điệu Hèo Phươn, những người đam mê hát Hèo Phươn tập hợp lại thành câu lạc bộ với 12 thành viên, có những cụ cao niên và cả những em thiếu niên. Họ là những nông dân gắn bó với cuộc sống ruộng vườn, nương rẫy, nhiều người đang có cuộc sống khó khăn, song điểm chung giữa họ là say mê làn điệu Hèo Phươn. Không có thù lao, không có hội trường, âm thanh, ánh sáng, chỉ có ấm nước chè xanh và khoảng sân đủ rộng là đã có thể trở thành sân khấu để những "nghệ nhân làng" say sưa hát, say sưa tập luyện và truyền lại làn điệu cho thế hệ trẻ. Đêm nào cũng vậy, kể cả ngày mưa, các ông, các bà, các mẹ, các chị, các cháu lại tụ tập cùng nhau hát... Một số bài hát nổi tiếng, như: Khúc hát Thanh minh, Mời rượu, Tháng tư, Mùa thu, Mừng nhà mới, Mừng thọ, Mười hai con giáp…, được truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Gần 1 năm qua, tại sân của các gia đình trong xóm Phja Chang dưới vang lên những điệu hát dân ca của các em thiếu nhi. Với niềm đam mê ca hát làn điệu của quê hương, em Hà Thị My, xóm Tẩư Đông đến tham gia ngay từ những buổi đầu. Dưới sự hướng dẫn tận tình của các thế hệ đi trước, My đã thuộc hơn 5 làn điệu Hèo Phươn. Khi được hỏi về niềm đam mê từ bộ môn này, em My vui vẻ nói: Em rất thích hát Hèo Phươn, từ nhỏ khi nghe các ông bà, cô chú hát, em đã yêu thích. Ban đầu chỉ học được những bài đơn giản nhưng nhờ chăm chỉ luyện tập và được sự hướng dẫn tận tình của các ông, bà, cô chú, anh chị, bây giờ em đã học được nhiều bài hát Hèo Phươn.
Làn điệu Hèo Phươn là món ăn tinh thần không thể thiếu của người Nùng An. Các đôi trai gái đã gửi gắm những điều mong muốn, khát vọng về tình yêu, về hạnh phúc về cuộc sống tươi đẹp qua những câu hát. Có lẽ vì thế mà làn điệu Hèo Phươn sẽ còn được lưu giữ từ đời này sang đời khác.
Theo baocaobang.vn