Các thiếu nữ Xa Phó trong trang phục truyền thống. |
Người Xa Phó có tên gọi theo tự điển dân tộc học là Phù Lá – một dân tộc sinh sống lâu đời ở Việt Nam. Tiếng nói của người Xa Phó thuộc dòng ngữ hệ Miến – Tạng. Đồng bào có tiếng nói riêng song không có chữ viết. Ở Châu Quế Thượng, người Xa Phó là cư dân đầu tiên đến khai khẩn vùng đất này, sau đó có thêm đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Mông… cùng di cư tới, chung sống qua nhiều thế hệ. Chính vì thế, trước đây khi nói đến Châu Quế Thượng, là nói đến vùng đất văn hóa Xa Phó. Những triền núi thấp, sườn đồi thoải, nơi gần khe, suối nhỏ và lòng thung có thể vừa trồng trỉa nương vườn vừa làm ruộng bậc thang canh tác lúa nước là không gian sinh sống ưa thích của đồng bào Xa Phó. Ở Châu Quế Thượng hiện nay, người Xa Phó là một trong những dân tộc có số dân đông với gần 900 nhân khẩu, sinh sống tập trung ở thôn 6 và thôn 7. Phụ nữ Xa Phó (còn được gọi là các am nà) vốn rất giỏi dệt vải và thêu thùa. Trước đây, ngay từ khi còn nhỏ, các bé gái đã được làm quen với công việc này dưới sự dẫn dắt của các mẹ và các chị. Kinh nghiệm dệt, thêu hàng chục loại hoa văn truyền thống, tinh tế giàu ước lệ và thẩm mỹ đều phải được thuần thục trước khi trở thành các thiếu nữ àm nài mé, má ửng bồ quân, xúng xính trong những bộ áo váy đẹp nhất do chính mình dệt nên vui tết khui xi mơ. Từng cánh bông mỏng mềm được lấy từ quả của cây xa la bé và những sợi tơ dẻo dai rút từ vỏ cây sui là nguyên liệu chính làm nên trang phục của người Xa Phó. Không chỉ có độ bền cao mà trang phục của đồng bào Xa Phó còn có mang nhiều giá trị thẩm mỹ, thể hiện sự khéo léo, trí tưởng tưởng phong phú của người phụ nữ bởi những hoa văn độc đáo, vừa mang tính quy luật vừa ngẫu hứng bay bổng với gam màu nguyên đỏ, trắng và xanh chàm đậm sắc núi rừng. Số lượng hoa văn phân thành khối theo chiều ngang và đôi khi lại ngắt quãng bởi các mảng nguyên sắc chàm, không trang trí. Áo của người phụ nữ Xa Phó được gọi là khợ. Đây là kiểu áo chui đầu, cổ vuông và ngắn không che kín cạp váy. Hoa văn thường tập trung ở hai cánh tay và trước ngực áo. Quanh cổ áo gồm các hoa văn am ché màu trắng được kết bởi những hạt cườm núi, tăng thêm phần tươi trẻ và duyên dáng cho các àm nài mé. Tiếp đó là hoa văn a lơ ma (màu da con trăn); hoa văn nhu ma xi té (rễ cây đa). Phần dưới và gấu áo được thêu những hoa văn hình quả trám, hình vuông, hình tam giác và đường gấp khúc, có tính ước lệ, gợi hình ảnh núi rừng, cây lá... Váy được gọi là họ, may kín với phần cạp nhỏ hơn gấu. Hoa văn trên thân váy được tách làm hai khối rõ rệt, chủ yếu mang dáng hình đồi núi. Phần chân váy là nơi tập trung nhiều hoa văn đẹp với mật độ khá dày. Trong đó, nổi bật là các hoa văn diễn tả dòng nước chảy - i po kho; đường trâu đi - nhơ ga ma và hoa văn a giá - hình con sâu róm… Ngoài áo váy, phụ nữ Xa Phó còn thêm duyên dáng bởi chiếc thắt lưng vải được kết bằng những vỏ ốc núi và chiếc khăn đội đầu với một dàn hoa văn trang trí rời và màu chủ đạo ấm nồng sắc lửa. Các am nà và àm nài mé mặc đẹp nhất trong đám cưới và các nghi lễ quan trọng của cộng đồng. Khi hoa khầu bớ nhơ nở rộ như dát bạc khắp lòng thung ven suối, báo hiệu mùa đông sắp qua, tết khui xi mơ lại về, các phụ nữ Xa Phó chọn cho mình những bộ trang phục mới và đẹp nhất để chuẩn bị vui xuân đón tết. Khui xi mơ cũng là dịp phô diễn những sản phẩm do người phụ nữ Xa Phó dệt nên bằng sự cần mẫn, khéo léo của đôi tay, cùng biết bao khát khao mơ ước và niềm tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Tuy là những cư dân đầu tiên và hiện vẫn là một trong những dân tộc có số dân đông ở Châu Quế Thượng, song những nét văn hóa độc đáo của đồng bào Xa Phó đang bị mai một nhiều. Cùng với những nếp nhà sàn thân thương, thấp thoáng trong màu xanh cây rừng, chở che cho bao thế hệ người Xa Phó, giờ chỉ còn lại một, hai ngôi nhà xưa cũ và nhạc cụ độc đáo như khèn ma nhí không còn thấy nữa trong các ngày vui của cộng đồng, thì trang phục truyền thống mang đậm dấu ấn văn hóa của đồng bào Xa Phó cũng trở nên rất hiếm. Bởi cả Châu Quế Thượng, từng được coi là vùng văn hóa Xa Phó, giờ chỉ còn trên dưới 10 bộ áo váy. Những khung cửi và công việc dệt vải, thêu thùa có chiều hướng xa lạ với các thiếu nữ àm nài mé. Ảnh hưởng của nhịp sống hiện đại, sự giao thoa và thâm nhập mạnh mẽ của các sắc thái văn hóa khác phần nào đã làm lạt phai những gam màu đặc trưng của truyền thống văn hóa mà bao thế hệ người Xa Phó đã dày công sáng tạo nên.
Theo yenbai.gov.vn