Nằm bên bờ sông Hồng, Hưng Yên không chỉ được biết đến với đặc sản nhãn lồng ngọt lịm mà còn là cái nôi của nhiều làng nghề truyền thống lâu đời, thấm đẫm tinh hoa văn hóa dân tộc. Những làng nghề như truyền thống không chỉ là mạch sống kinh tế của người dân mà còn mở ra hướng đi đầy triển vọng cho du lịch trải nghiệm – nơi du khách có thể chạm vào quá khứ, lắng nghe nhịp đập của một miền quê trù phú, giàu bản sắc. Nhưng hiện nay để đánh thức du lịch gắn với làng nghề của Hưng Yên đang cần nhiều giải pháp tổng thể.

Ghi nhận tại Hưng Yên, gần đây, một số địa phương trong tỉnh bắt đầu xuất hiện mô hình đầu tư trang trại nông nghiệp kết hợp tham quan du lịch, chụp ảnh, mua sắm sản phẩm nông nghiệp. Tiêu biểu như các làng hoa, cây cảnh ở các xã: Xuân Quan, Phụng Công, Mễ Sở (Văn Giang); làng thuốc Nam Nghĩa Trai ở xã Tân Quang (Văn Lâm); Hợp tác xã nhãn lồng Hồng Nam (thành phố Hưng Yên); làng đan đó Tất Viên (Tiên Lữ)… Tại các điểm trên, người dân du khách, có thể tham quan làng nghề, tìm hiểu di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội đền miếu xung quanh.

Làng Tất Viên, xã Thủ Sỹ nằm cách Hà Nội ước chừng 70 km. Tại đây còn lưu giữ nghề đan lờ, đó, rọ… (công cụ để đánh bắt tôm, cua cá). Đến với làng nghề truyền thống hơn 200 năm tuổi, du khách không chỉ được tìm hiểu về quy trình tạo ra sản phẩm mà còn được tận tay trải nghiệm và học tập cách vót nan, tạo ra những sản phẩm của riêng mình. Sau khi đan những chiếc đó, rọ, du khách có thể đóng vai người nông dân mang những sản phẩm của mình ra đồng trải nghiệm học cách bắt tôm, cua, cá. Làng nghề là điểm đến thú vị đối với những du khách đến từ thành thị.
Hay vào những dịp cuối năm những “thiên đường hoa” (Văn Giang – Văn Lâm) lại mang đến một cảm nhận hoàn toàn khác cho du khách. Cả vùng quê như khoác lên mình chiếc áo thêu bằng hoa lan, cúc, hồng, đồng tiền, thược dược… Những vườn hoa trải dài bất tận, rực rỡ dưới nắng vàng khiến du khách ngỡ như lạc vào câu chuyện cổ tích đầy sắc màu, thơm ngát. Làng hoa Hưng Yên là điểm check-in lý tưởng cho giới trẻ và khách du lịch, nhất là vào dịp Tết.

Người trồng hoa nơi đây không chỉ làm đẹp cho đời mà còn đang góp phần nâng tầm giá trị quê hương bằng mô hình du lịch sinh thái làng nghề. Khi đến với làng nghề hoa, du khách có thể sẽ mua được những loại hoa, cây cảnh với giá rẻ hơn ở nơi khác. Ngoài ra, ở cạnh các làng hoa, có những đền, chùa nổi tiếng như: chùa Ông, chùa Nôm được xây dựng cách đây vài trăm năm với nét đẹp cổ kính sẽ làm cho chuyến du lịch làng nghề tại Hưng Yên thêm phần đặc sắc văn hóa.

Hoặc đến với làng nghề đúc đồng ở thôn Lộng Thượng, xã Đại Đồng (Văn Lâm) đã tồn tại hơn 600 năm, du khách không khỏi trầm trồ khi chứng kiến quy trình đúc thủ công đầy công phu: từ nấu chảy kim loại, tạo khuôn đất, đổ đồng cho tới chạm khắc hoa văn tinh xảo của các đồ thờ cúng, mỹ nghệ…. Đây không chỉ là nơi bảo tồn một nghề cổ truyền quý giá mà còn là bảo tàng sống động về văn hóa thủ công Việt Nam, đầy tiềm năng cho phát triển du lịch trải nghiệm và giáo dục.
Chị Nguyễn Thị Hiên, ở quận Ba Đình (Hà Nội) cho hay, trong dịp cuối năm 2024 đã dành thời gian đưa 2 con của mình “lượn” tại các hoa cây cảnh của mảnh đất Phố Hiến xưa. Cho biết lý do lựa tua du lịch làng nghề chị Hiên chia sẻ, đi du lịch nông nghiệp, nông thôn bởi chi phí phù hợp, vừa được thư giãn, hòa mình vào không gian trong lành, bình yên, vừa có thể mua sắm hay thưởng thức những loại trái cây tươi ngon, an toàn ngay tại vườn và mua về làm quà tặng bạn bè, người thân... Không đơn thuần là một chuyến du ngoạn mà đây còn là hình thức cho các con học tập qua trải nghiệm thực tế, được gần gũi với thiên thiên, qua đó hiểu thêm về cuộc sống của người nông dân, biết trân trọng và yêu lao động.
Dù có lợi thế gần thị trường khách hàng lớn là thành phố Hà Nội nhưng nhìn tổng thể du lịch nông thôn, nông nghiệp gắn với làng nghề ở Hưng Yên mới chỉ có tại một vài địa điểm với những dịch vụ đơn lẻ, tự phát, thiếu tính liên kết đồng bộ để tạo thành chuỗi dịch vụ chất lượng, đáp ứng nhu cầu của du khách. Các sản phẩm, dịch vụ du lịch chưa đa dạng nên nguồn thu không lớn, thường chỉ tập trung vào bán các sản phẩm làng nghề, nông sản. Mặt khác, các làng nghề của Hưng Yên cũng chỉ thu hút được du khách theo mùa vụ, thường là cuối năm; thiếu sự liên kết với các địa phương lân cận; lưu trú thấp.

Số liệu cho thấy, năm 2024, tỉnh Hưng Yên thu hút được 1,5 triệu du khách, ước thu được 950 tỷ đồng. So với tiềm năng của tỉnh như hệ thống di tích lịch sử đa dạng, làng nghề phong phú thì kết quả trên chưa thật sự tương xứng.
Theo ông Phạm Văn Hiệu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên thông tin, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hưng Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh hướng đến mục tiêu tạo ra hệ thống sản phẩm du lịch chất lượng, đặc sắc, có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu của du khách; phát triển sản phẩm du lịch “xanh”, ưu tiên phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Hưng Yên đặt kế hoạch đón 4,5-5,5 triệu khách tham quan, trong đó có khoảng 600.000 – 700.000 lượt khách quốc tế; đưa du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương.
Để từng bước thực hiện các mục tiêu trên, tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó có Văn bản số 03/KH-UBND về bảo tồn và phát triển làng nghề Hưng Yên năm 2025. Theo ông Nguyễn Hùng Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, thời gian tới tỉnh xác định, đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề; có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức; hội nghị, hội thảo, trao đổi học tập kinh nghiệm về phát triển làng nghề gắn với du lịch nông nghiệp.
Phát triển mạnh các làng nghề sản xuất những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, thị trường rộng như: hoa, cây cảnh, thủ công mỹ nghệ; hỗ trợ phát triển làng nghề có điều kiện gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn; khôi phục, tôn tạo các di tích liên quan đến giá trị văn hóa nghề, làng nghề truyền thống; coi bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề là phát triển kinh tế du lịch…
Làng nghề truyền thống như “kho vàng lộ thiên”, là ký ức sống động của vùng đất Hưng Yên. Khi được gắn với du lịch, những làng nghề không chỉ giúp bảo tồn nét đẹp dân gian mà còn tạo ra sinh kế bền vững cho người dân. Nhưng việc phát huy hết tiềm năng du lịch của làng nghề vùng đất "phố Hiến xưa" không phải chuyện đơn giản, đòi hỏi thời gian tới đây tỉnh Hưng Yên cần phải nỗ lực hơn nữa trong thực hiện giải pháp tổng.
Mạnh Khánh