Giai đoạn 2021-2024, khách du lịch đến Đồng Tháp đạt hơn 18,5 triệu lượt, doanh thu 8.524 tỷ đồng. Đây là số liệu được đưa ra tại hội nghị tổng kết Đề án "Đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh Đồng Tháp, giai đoạn 2021- 2025".

Để tạo dựng hình ảnh địa phương từ phát triển du lịch, tỉnh Đồng Tháp đã đầu tư nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm đặc trưng tại các khu, điểm du lịch mang dấu ấn đặc sắc, các khu, điểm du lịch trọng điểm, như: Tràm Chim, Gáo Giồng, Gò Tháp, Nguyễn Sinh Sắc, Xẻo Quít. Các khu, điểm du lịch không ngừng đổi mới, sáng tạo, tích cực chỉnh trang, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường, hình thành các sản phẩm, dịch vụ mới gắn với nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo các tiêu chí an toàn phòng, chống dịch bệnh, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, du Xuân, đón Tết, các dịp lễ lớn của dân tộc, sự kiện văn hóa du lịch của tỉnh và các địa phương.
Đến nay Đồng Tháp có hơn 100 điểm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng và trải nghiệm làng nghề được thành lập, đi vào hoạt động trải đều hết các huyện, thành phố. Các mô hình du lịch kết hợp với nông nghiệp hoạt động khá hiệu quả, giúp kéo dài chuỗi giá trị, gia tăng giá trị nông sản, tạo thêm việc làm ở nông thôn, đem lại nguồn thu ổn định cho nông dân. Đồng thời, tỉnh phát triển du lịch thông qua mô hình chợ quê, chợ phiên định kỳ, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương; phát huy giá trị làng nghề truyền thống gắn với giá trị văn hóa bản địa đặc trưng, đưa vào khai thác phục vụ du lịch: Tái hiện điểm du lịch không gian Chợ Ma - Chợ chiếu Định Yên ở huyện Lấp Vò; ra mắt sản phẩm du lịch Làng nghề dệt choàng ở huyện Hồng Ngự. Ngoài ra, Đồng Tháp còn tổ chức các tour du lịch chuyên đề và du lịch nông nghiệp, như: Tour "Dỡ chà Cao Lãnh"; tour "Bình minh Tràm Chim", "Hoàng hôn Tràm Chim"; tour "Sắc màu Vùng Biên – Đất Sen Hồng"...
Điển hình từ việc tạo dựng hình ảnh địa phương từ cây sen để phát triển du lịch, ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười cho biết: Phát huy giá trị của hoa sen - biểu tượng đặc trưng của địa phương, huyện phát triển vùng sản xuất sen quy mô lớn, với diện tích trồng cây sen trên địa bàn 282,8ha, trong đó vùng trồng sen tại Đồng sen Gò Tháp diện tích khoảng 152 ha để tổ chức 7 điểm du lịch. Bình quân hàng năm thu hút khoảng 1,5 triệu lượt khách, doanh thu hơn 150 tỷ đồng. Qua đó góp phần phát huy giá trị sen trong phát triển du lịch của Tháp Mười.
Tại thành phố Sa Đéc với việc phát triển hoa kiểng tạo dựng hình ảnh địa phương làm du lịch, bà Võ Thị Bình, Phó Chủ tịch UBND thành phố chia sẻ: Sa Đéc có 20 điểm du lịch cộng đồng, trong đó, có 6 điểm đạt tiêu chuẩn OCOP, tổng diện tích trồng hoa hơn 510 ha. Trong đó vùng lõi khoảng hơn 210 ha, với trên 2.300 hộ dân và 2.000 loài hoa kiểng khác nhau, trở thành một trong những vựa hoa kiểng lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long và miền Nam.
Tỉnh Đồng Tháp có những khu điểm du lịch đặc trưng tạo hình ảnh địa phương, như: Khu du lịch Tràm Chim khai thác và phục vụ khách du lịch với các dịch vụ trải nghiệm làm ngư dân, thu hoạch lúa mạ, tham quan sinh thái bãi chim sinh sản, giỡ chà chuột; tham quan hoa đồng nội Nhĩ cán tím và hoa Hoàng đầu ấn. Khu di tích Xẻo Quít nơi trải nghiệm dỡ chà, giăng lưới bắt cá, bắt vịt trên sông, đua xuồng, cắm trại, trồng rau sạch... Khu di tích Gò Tháp tại Đồng Sen Tháp Mười khai thác sản phẩm đặc thù giá trị văn hóa Óc Eo - Vương quốc Phù Nam và thưởng ngoạn cảnh quan vùng Đồng Tháp Mười với những cánh đồng sen, thưởng thức ẩm thực với các món ăn dân dã chế biến từ sen. Làng hoa kiểng Sa Đéc được giới thiệu nguồn gốc xuất xứ hoa kiểng, đặc tính, đặc điểm của từng loại hoa…

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Phát triển du lịch là tiền đề, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỉnh chú trọng phát triển du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng; nâng tầm quy mô, chất lượng sản phẩm dịch vụ, góp phần tạo dựng hình ảnh Đồng Tháp là một trong những điểm đến hấp dẫn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng đó, tỉnh quảng bá, xúc tiến du lịch, kêu gọi đầu tư; đào tạo phát triển nguồn nhân lực; bảo vệ tài nguyên, môi trường, an ninh an toàn xã hội; đổi mới hoạt động phối hợp liên ngành, liên vùng về phát triển du lịch.../.
Nguyễn Văn Trí