Nằm cách trung tâm huyện Con Cuông khoảng 30km, giáp ranh giữa các huyện Tương Dương, Quỳ Hợp và Quỳ Châu (Nghệ An), Bình Chuẩn được mệnh danh là “vùng sơn kỳ, thủy tú”. Là địa bàn xã vùng sâu, vùng xa, bao bọc giữa núi rừng, nơi đây sở hữu nhiều danh thắng tự nhiên có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Đặc biệt, ở nhiều bản trong xã còn gìn giữ, bảo lưu được những nét văn hóa đậm sắc màu, không gian văn hóa vùng cao của đồng bào Thái miền Tây xứ Nghệ.
Độc đáo vẻ đẹp hang Thẳm Tông
Hang Thẳm Tông nằm dưới chân dãy núi đá Phá Tông thuộc địa bàn bản Mét, cách trung tâm xã khoảng 1km. Quá trình tiếp cận cửa hang, du khách sẽ có cảm giác thích thú khi được đi qua cánh đồng Nà Cọ bằng lối mòn men theo dòng suối Mét trong xanh, hiền hòa. Trên đường đi bắt gặp nhiều “cọn nước” kích thước khổng lồ đang cần mẫn quay guồng mang nước lên tắm mát cho những thửa ruộng bậc thang trải dài mênh mông, xanh ngút tầm mắt. Từ độ cao ở cửa hang, phóng tầm mắt ra xa là khung cảnh bình yên của bản làng với những nếp nhà sàn thấp thoáng trong đại ngàn, Quốc lộ 48C chạy qua các chân dốc Pù Lìu, Pù Huột như dải lụa uốn lượn qua các triền đồi, kết nối các bản làng của đồng bào dân tộc Thái.

Qua tảng đá lớn án ngữ trước cửa, du khách sẽ được bước vào không gian rộng lớn của hang Thẳm Tông với vô số lối đi. Để khám phá, trải nghiệm hang, du khách cần mang theo những chiếc đèn pin để có nguồn sáng soi đường. Di chuyển vào sâu trong hang khoảng 30m, du khách sẽ bắt gặp những khối thạch nhũ khổng lồ tỏa ánh sáng lân tinh, hoặc như dát vàng phản chiếu huyền ảo. Tong hang cũng có không ít khối thạch nhũ mang dáng hình những con vật như voi, ốc, rùa đang chui ra, đu bám vào vách, trần hang hay những cây nấm khổng lồ mọc ra từ kẽ đá.

Sâu vào trong hang là không gian rộng lớn với trần hang cao, nền rộng nhưng chiều dài thì sâu hun hút, phảng phất những làn sương mỏng. Quá trình khám phá lòng hang, du khách còn bắt gặp những nhũ đá hình chiếc chuông khổng lồ, những dòng thạch nhũ chảy xuống từ vách đá như những tấm rèm và dòng suối nhỏ, nước trong vắt chạy dọc trong hang rồi ẩn mình dưới hốc đá lớn. Nhìn từ xa, ánh nước phản chiếu lung linh, hơi nước bốc lên ngưng tụ tạo cảm giác mát lạnh trong lòng hang.

Ông Kha Văn Trang, bản Mét, xã Bình Chuẩn (huyện Con Cuông, Nghệ An) cho biết, hang Thẳm Tông được người dân bản phát hiện từ hơn 10 năm trước trong lúc đi làm ruộng tìm chỗ nghỉ ngơi, tránh nắng. Lòng hang có nhiều ngách với kích thước lớn nhỏ khác nhau, có những ngách dài nhiều ki-lô-mét và xuyên qua sang địa bàn huyện Quỳ Châu. Chiều dài của hang cho đến bây giờ vẫn chưa khám phá hết dù có đi nhiều ngày. Để khám phá, trải nghiệm hang Thẳm Tông du khách nên đi theo đoàn, từ 3 người trở lên, trang bị đèn pin, nước uống, lương thực và cần thiết phải có người bàn địa thông thạo địa hình đi cùng dẫn đường.
Tiềm năng du lịch vùng “sơn kỳ, thủy tú”
Theo ông Kha Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Chuẩn (huyện Con Cuông, Nghệ An), địa bàn xã nằm giáp ranh giữa các huyện Tương Dương, Quỳ Hợp và Quỳ Châu (Nghệ An). Toàn xã có 7 bản với hơn 1.040 hộ, hơn 4.510 nhân khẩu, đa phần là đồng bào Thái. Quốc lộ 48C nối huyện Quỳ Hợp và huyện Tương Dương gần như chạy qua các bản trên địa bàn xã. Đến nay xã có 4 bản đạt danh hiệu làng văn hóa, 2 bản đạt chuẩn nông thôn mới.

Bao bọc giữa núi đồi trùng điệp và đại ngàn Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Bình Chuẩn sở hữu tiềm năng du lịch khá dồi dào khi sở hữu đập thủy lợi Nà Cọ, cánh đồng cổ Nà Cọ với hệ thống gần 30 cọn nước, hang Thẳm Tông. Đặc biệt, tại các bản làng còn lưu giữ hàng chục ngôi nhà sàn Thái cổ mang kiến trúc, cấu trúc và trang trí họa tiết, hoa văn khá đẹp mắt nằm ở bản Đình, bản Xiềng. Ngoài ra, có chợ phiên Mường Chon, là chợ có quy mô thuộc diện lớn nhất trên địa bàn huyện Con Cuông. Đây không chỉ là nơi buôn bán các sản vật địa phương mà còn là không gian hội tụ, giao lưu, bảo tồn các giá trị văn hóa độc đáo, đặc trưng của các cộng đồng dân tộc trên địa bàn và vùng miền Tây xứ Nghệ.
Cũng theo ông Kha Văn Minh, Bình Chuẩn có khí hậu trong lành, mát mẻ, hệ thống suối dồi dào bắt nguồn từ đại ngàn Pù Huống chảy qua bản, rừng săng lẻ cổ thụ. Ngoài ra, tại các tiểu vùng văn hóa của cộng đồng dân tộc Thái vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa, sinh hoạt, phong tục đặc trưng. Không những vậy, các loại thực phẩm truyền thống mang tính nhận diện văn hóa ẩm thực của đồng bào Thái như: Cá nướng, thịt chua, thịt nướng, thịt sấy khô, moọc, rượu cần, rượu men lá, cải muối ống nứa, cơm lam, lợn bản hấp lá chuối, chuột rừng nướng, nước chè đâm…. vẫn hiện diện thường ngày trong đời sống sinh hoạt của người dân.

Từ những năm trước, ở nhiều bản làng phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển khá nổi bật, thành lập được “Câu lạc bộ cồng chiêng, đàn và hát dân ca Thái”. Ngoài ra, nghề dệt thổ cẩm truyền thống, chuyên thêu thùa, may vá trang phục, sản phẩm khăn piêu; nghề đan lát mây tre chế tác các sản phẩm mâm, ghế, ép xôi, gùi, rổ, rá vẫn được người dân gìn giữ, bảo tồn. Đây là những yếu tố tạo tiềm năng để địa phương phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và phát huy, bảo tồn giá trị văn hóa bản địa.
Những năm qua, chợ phiên Mường Chon đi vào hoạt động đã thu hút ngày càng đông du khách đến địa bàn để bán buôn, du lịch trải nghiệm, từ đó thúc đẩy, tạo sự đa dạng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho địa phương. Đã có nhiều người dân trên địa bàn đầu tư, mở cửa hàng kinh doanh dịch vụ, ăn uống, cơ sở ẩm thực kết hợp trải nghiệm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên địa bàn cho thu nhập ổn định.
Để đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên địa bàn, thời gian qua chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kêu gọi các nhà đầu tư; kết nối với các đoàn của Sở Du lịch tỉnh Nghệ An nhiều lần tổ chức khảo sát thực tế, đánh giá tiềm năng du lịch địa phương. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng đã quy hoạch quỹ đất sản xuất kinh doanh gần hang Thẳm Tông để chờ cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh làm điểm dừng chân trong chuỗi tour, tuyến.
Hải An