Tại Ninh Thuận, cộng đồng làng gốm cổ Chăm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước) đang “thổi một luồng gió mới” vào nghệ thuật làm gốm đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Người dân nơi đây không chỉ nỗ lực bảo tồn những tinh hoa nghề truyền thống mà còn sáng tạo các dòng sản phẩm gốm mới và đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng.

Nỗ lực thúc đẩy sản xuất
Làng gốm Bàu Trúc hiện là một làng gốm cổ xưa nhất Đông Nam Á đến nay vẫn duy trì phương pháp sản xuất hoàn toàn thủ công, không sử dụng bàn xoay. Chỉ với đất sét cùng dụng cụ là tre, vỏ sò, ốc biển, màu làm từ các loại vỏ cây, qua đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân nhào nặn, xoay, tạo hình thành những vật dụng có hồn và đầy sức sống. Sau đó, gốm được nung lộ thiên tạo cho áo gốm các vân màu vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, nâu... rất đặc trưng.
Bên cạnh sản xuất đồ dùng phục vụ đời sống tín ngưỡng của người Chăm, sản phẩm gia dụng quen thuộc (lu, chum, vại, lò, ấm, nồi, niêu...), làng gốm Bàu Trúc đẩy mạnh nghiên cứu, kết hợp khéo léo các yếu tố văn hóa, kỹ thuật để cải tiến kiểu dáng, chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa chủng loại (lọ hoa, bình nước, đèn ngủ, đèn) trang trí hình tượng văn hóa Chăm ứng dụng trong trang trí nghệ thuật và nội thất đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Mỗi sản phẩm có giá từ vài chục ngàn đến hàng triệu đồng tùy theo kích thước và độ tinh xảo.

Với hơn 40 năm trong nghề, chị Châu Thị Hoa chia sẻ, nghề làm gốm ở Bàu Trúc đã trở thành “một phần máu thịt”, được truyền từ đời này sang đời khác trong gia đình chị. Từ nhỏ, chị được mẹ truyền dạy những kỹ thuật cơ bản để tạo ra các sản phẩm gốm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Đến nay, chị không ngừng sáng tạo, kết hợp hài hòa giữa phương pháp thủ công truyền thống và ý tưởng mới mẻ để tạo nên sản phẩm độc đáo với hoa văn đẹp mắt, đáp ứng thị hiếu đa dạng của khách hàng.
Chị Hoa cho biết: Khách hàng có thể đặt hàng theo mẫu mã riêng hoặc yêu cầu sản phẩm đặc biệt. Khi đó, mình phải tìm tòi, suy nghĩ các cách thực hiện, từ những bình gốm trang trí nhỏ xinh, tháp nước, bình hoa cho đến bình cao 1,2 m hay các loại tượng với hình dáng khác nhau.

Ông Phú Hữu Minh Thuần, Giám đốc Hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc cho biết, với gần 50 thành viên, hợp tác xã đang không ngừng nỗ lực để phát triển và nâng cao giá trị của sản phẩm gốm Bàu Trúc. Hiện nay, các sản phẩm gốm của hợp tác xã không chỉ bó hẹp trong văn hóa Chăm mà còn kết hợp văn hóa phương Tây, văn hóa Việt để cải tiến mẫu mã và chất lượng sản phẩm nhằm tăng sức hút. Bên cạnh đó, hợp tác xã thường xuyên nâng cao chất lượng phục vụ, đổi mới hình thức trưng bày sản phẩm tại nhà tham quan, xây dựng các chương trình trải nghiệm mới cho du khách, học sinh, sinh viên.
“Với xu hướng du khách ngày càng quan tâm đến du lịch làng nghề, làng gốm Bàu Trúc đã trở thành một điểm đến nổi bật tại Ninh Thuận và đã đón lượng khách tham quan lớn. Đặc biệt, việc UNESCO công nhận Nghệ thuật làm gốm của người Chăm là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp đã tạo nên sự lan tỏa thông tin mạnh mẽ. Đây là động lực để hợp tác xã tại làng nghề nỗ lực phát triển sản xuất hơn nữa”, ông Phú Hữu Minh Thuần chia sẻ.

Đến với làng gốm Bàu Trúc, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng các nghệ nhân biểu diễn những kỹ thuật tạo hình gốm điêu luyện, đầy tính nghệ thuật. Đặc biệt hơn, du khách còn có thể tự tay tạo ra những sản phẩm gốm đơn giản, tự do vẽ hoa văn và thử công đoạn nung trên lửa, mang đến trải nghiệm thú vị như một người thợ làm gốm thực thụ.
Chị Nguyễn Tiểu My (du khách đến từ tỉnh Vĩnh Long) hào hứng: "Em thấy sản phẩm gốm Bàu Trúc rất đặc trưng, khác biệt hẳn so với gốm công nghiệp. Những sản phẩm thủ công ở đây độc đáo với màu sắc riêng và đa dạng họa tiết, không sản phẩm nào có sự trùng lặp. Em rất ấn tượng với sự tỉ mỉ, khéo léo của các cô chú nghệ nhân khi nặn từng khối đất sét thành tác phẩm gốm mỹ nghệ rất đẹp".

Hướng đến phát triển bền vững
Làng gốm Bàu Trúc hiện có 2 hợp tác xã và 11 cơ sở sản xuất, kinh doanh gốm với khoảng 300 hộ dân gắn bó với nghề. Không chỉ là một làng nghề truyền thống, Bàu Trúc còn được xem như một "Bảo tàng gốm Chăm" sống động ở khu vực Nam Trung Bộ. Để bảo tồn và phát triển nét độc đáo này, làng gốm Bàu Trúc đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ thông qua các hoạt động du lịch trải nghiệm, quảng bá sản phẩm tại nhiều hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh, thu hút sự quan tâm của cộng đồng.
Xác định tầm quan trọng của bảo tồn di sản, các cấp, ngành đã và đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề gốm truyền thống. Đặc biệt, Ninh Thuận đã khởi động xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm" với nguồn kinh phí dự kiến hơn 205 tỷ đồng (huy động từ ngân sách Trung ương, địa phương, nguồn xã hội hóa và sự tham gia của các tổ chức trong nước, quốc tế). Đề án gồm hai giai đoạn chính: Giai đoạn 1 từ năm 2025 - 2028 tập trung đưa di sản "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm" ra khỏi nguy cơ cần bảo vệ khẩn cấp. Giai đoạn 2 từ năm 2028 trở đi, hướng đến mục tiêu ghi danh di sản này vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên nêu rõ, tỉnh đặc biệt chú trọng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo cộng đồng người Chăm được hưởng lợi trực tiếp từ di sản văn hóa truyền thống. Mục tiêu hàng đầu là xây dựng một hệ thống bảo tồn bền vững, không chỉ giữ gìn mà còn phát triển mạnh mẽ "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm" trong bối cảnh đương đại, bảo tồn giá trị văn hóa độc đáo và làm phong phú thêm sự đa dạng văn hóa của Việt Nam.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, UBND tỉnh đã giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, các nhà khoa học và nhà nghiên cứu văn hóa Chăm để thu thập ý kiến đóng góp. Đặc biệt, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề và lên kế hoạch phân kỳ, huy động nguồn lực hiệu quả. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng UBND huyện Ninh Phước phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tư vấn để tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn phương án tối ưu, vừa bảo tồn vừa nâng tầm "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm", hướng đến sự phát triển ổn định, tạo sinh kế bền vững cho người dân, góp phần phát triển du lịch làng nghề thu hút du khách đến Ninh Thuận.
Nguyễn Thành