Sông Bạch Đằng không chỉ là chứng nhân lịch sử mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước và tinh thần quật khởi của dân tộc Việt Nam. Đây là nơi đã diễn ra 3 trận thủy chiến vang dội, khắc ghi chiến công anh hùng của ông cha ta trong công cuộc chống ngoại xâm. Đây là lời tri ân được nhấn mạnh tại Lễ Khai hội truyền thống Bạch Đằng năm 2025 được thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) tổ chức tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bạch Đằng tối 3/4.

Năm 938, Ngô Quyền sử dụng chiến thuật cọc gỗ trên sông Bạch Đằng, đánh tan quân Nam Hán, chấm dứt 1.000 năm Bắc thuộc, mở ra kỷ nguyên độc lập cho dân tộc Việt Nam. Năm 981, Lê Hoàn tiếp tục phát huy chiến thuật này, đánh bại quân Tống, bảo vệ vững chắc lãnh thổ Đại Cồ Việt. Năm 1288, dưới sự chỉ huy của Trần Hưng Đạo, quân dân Đại Việt một lần nữa giáng đòn chí mạng vào đội quân thủy hùng mạnh của đế chế Mông - Nguyên, làm nên chiến thắng vang dội, củng cố nền độc lập lâu dài của Đại Việt.
Lễ hội Bạch Đằng không chỉ là dịp để nhân dân tri ân các bậc tiền nhân, mà còn góp phần quảng bá giá trị Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bạch Đằng, thúc đẩy du lịch và phát triển kinh tế địa phương với kỳ vọng thu hút hơn 650.000 lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 500 tỷ đồng.

Diễn ra trong 4 ngày từ 3 - 6/4 (tức mùng 6 - 9 tháng 3 năm Ất Tỵ), lễ hội năm nay được tổ chức với quy mô lớn, tái hiện hào khí lịch sử qua nhiều hoạt động đặc sắc, chia thành hai phần lễ và hội.
Phát biểu tại lễ khai hội, ông Trần Đức Thắng, Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên khẳng định: “Năm 2025 là dấu mốc quan trọng trong công tác tổ chức hành chính khi Trung ương triển khai chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, kết thúc hoạt động của đơn vị cấp huyện. Vì vậy, có thể nói đây là lễ hội Bạch Đằng cuối cùng được tổ chức với quy mô cấp thị xã".
Để lễ hội tiếp tục được duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị trong những năm tới, Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên đề nghị, Ban Quản lý Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bạch Đằng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, quan tâm hơn nữa đến công tác bảo tồn, tôn tạo di tích. Đồng thời, đơn vị cần có phương án tổ chức lễ hội ngày càng quy mô, bài bản; qua đó tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa của Đại thắng Bạch Đằng, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Phần lễ được tổ chức trang trọng với các nghi thức truyền thống nhằm thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các bậc tiền nhân. Mở đầu là nghi thức rước tượng Đức Thánh Trần từ đền Trần Hưng Đạo - miếu Vua Bà về đình Yên Giang và ngược lại, thể hiện lòng thành kính đối với vị anh hùng dân tộc. Tiếp đó, các nghi lễ: Tế Yết, Tế Chính hội, Tế Giã hội được tổ chức trang nghiêm, tri ân những vị anh hùng đã cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ đất nước.

Bên cạnh không khí linh thiêng của phần lễ, phần hội mang đến một không gian văn hóa đặc sắc với nhiều hoạt động sôi động, thu hút đông đảo nhân dân và du khách. Điểm nhấn là chương trình nghệ thuật tái hiện chiến thắng Bạch Đằng, giúp người xem sống lại những khoảnh khắc hào hùng của lịch sử.
Ngoài ra, triển lãm thư pháp, sinh vật cảnh, trưng bày sản phẩm OCOP và ẩm thực truyền thống của Quảng Yên cũng góp phần tôn vinh giá trị văn hóa địa phương. Không khí lễ hội càng thêm náo nhiệt với các trò chơi dân gian như: cờ người, kéo co, bóng chuyền hơi, tạo sân chơi hấp dẫn cho người dân và du khách.
Đặc biệt, nghi thức thả đèn hoa đăng tại bến đò cổ là một điểm nhấn xúc động, thể hiện lòng tri ân và tưởng nhớ những anh hùng đã ngã xuống vì Tổ quốc, khơi dậy niềm tự hào và ý thức trách nhiệm gìn giữ truyền thống hào hùng của dân tộc.
Hiện nay, thị xã Quảng Yên đã hoàn thành lập hồ sơ đưa Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bạch Đằng vào Hồ sơ quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là di sản thế giới...
Thanh Vân