
Ngày 4/4/2025, triển lãm Gốm Thiệp bắt đầu mở cửa tự do cho những người yêu mỹ thuật tới thưởng lãm tại địa chỉ 22 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, người giám tuyển triển lãm độc đáo này cho biết: Triển lãm Gốm Thiệp gồm hai chương: Chương 1 là gốm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, thuộc sưu tập của gia đình ông; Chương 2 là các tác phẩm của 41 nghệ sĩ khách mời, cũng vẫn là gốm và đều được vẽ trên cảm hứng từ văn chương của Nguyễn Huy Thiệp.
Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn mê hội họa, đặc biệt là gốm. Ông về làng gốm Bát Tràng thường xuyên. Ông vẽ nhiều chân dung, người thân trong gia đình, tự họa, bạn bè văn nghệ trên đĩa như một thú chơi và làm quà tặng cho mọi người. Nhiều người vẫn giữ, treo trong nhà như một kỷ niệm với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Một đề tài nữa mà ông ưa thích là viết rồi vẽ những câu thơ cổ lên lọ gốm, đĩa gốm từ Nguyễn Gia Thiều, Hồ Xuân Hương, Bùi Giáng, rồi Đường thi, Tống thi,... Từ Đổi mới 1986 đến nay thì Nguyễn Huy Thiệp vẫn được nhiều bạn đọc coi là "vua truyện ngắn". Phong cách của ông là khác biệt, là độc bản. Chỉ có một Nguyễn Huy Thiệp. Có lẽ cái đường dẫn nối văn ông với các họa sĩ, tạo đà cảm hứng cho các họa sĩ vẽ trên gốm chính là thoại. Lời thoại của Nguyễn Huy Thiệp sắc, ngắn, trực diện, sâu, hiểm, là phi tiêu chứ không cứ phải thanh long đao. Những đặc điểm này rất gần với minh họa trên gốm, hàm sức cô đọng hợp gốm (gốm hiện đại) không lê thê dài dòng, vòng vo.
41 người vẽ này đều là độc giả của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Trước khi vẽ, trước khi là họa sĩ thì họ là người đọc đã. Vậy nên những tác phẩm gốm trong triển lãm này, gọi là minh họa thì chưa đúng vì không nên hiểu minh họa theo nghĩa đen vì minh họa kiểu ấy sẽ làm rẻ đi cả văn lẫn họa. Minh họa nên là chuyển ngữ câu văn ấy sang một ngữ khác, ngữ - hội họa. 41 nghệ sĩ với hơn 100 tác phẩm gốm sáng tác trên cảm hứng từ các tác phẩm văn thơ kịch của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Suy cho cùng chính là câu chuyện đạo được kể bằng nghệ thuật. "Văn học có nhiều con đường, nhiều con đường dẫn tới văn học. Tất cả vẫn còn đang đi trên đường", nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã từng chia sẻ như vậy. Mỗi họa sĩ đều là người tìm đường riêng cho mình, không ai giống ai. Mỗi họa sĩ một cảm hứng khác nhau, người thì vẽ dựa trên cốt truyện, hoặc nút thắt của truyện, người thì vẽ trên gợi ý từ những câu đối thoại của nhân vật thậm chí tên truyện, kẻ thì viết hắn một đoạn mà anh ấy tâm đắc lên đĩa gốm... Mỗi người mỗi giọng dù chi là gốm xanh - trắng Bát Tràng, đơn sắc nhưng vẫn đa thanh, đa sắc. Cũng có thể coi đó là những ngọn nến kỷ niệm sinh nhật tuổi 75 của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.
Triển lãm Gốm Thiệp sẽ mở cửa tự do tới ngày 20/4/2025.
































An Thành Đạt