Sáng 6/4, đồng bào dân tộc Lào ở bản Pa Xa Lào, xã biên giới Pa Thơm, huyện Điện Biên (Điện Biên) tổ chức Tết truyền thống Khăm bản (Hội té nước). Đây là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm của dân tộc Lào với mục đích cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bản làng ấm no, hạnh phúc.
Lễ hội này còn là dịp để người dân nơi đây bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên, cầu chúc một năm mới bình an, hạnh phúc, đồng thời là cơ hội để tăng cường tình đoàn kết giữa các cộng đồng.
Sau một thời gian dài bị mai một, Tết truyền thống Khăm bản của người dân tộc Lào ở bản Pa Xa Lào, xã biên giới Pa Thơm, mới được phục dựng lại và đây là năm thứ 2, người dân được đón Tết truyền thống của dân tộc mình. Lễ Khăm bản năm nay được tổ chức tại không gian thờ cúng chung của bản Pa Xa Lào với các nghi thức của phần lễ như: Báo cáo thần linh, người khai phá vùng đất, tổ tiên người Lào ở Pa Xa Lào.
Sau phần lễ, các hoạt động phần hội của Tết té nước thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia như nghi thức buộc chỉ cổ tay là một nghi lễ quan trọng trong văn hóa người Lào. Đây là phong tục truyền thống mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, thể hiện sự cầu chúc may mắn, bình an và hạnh phúc cho người được buộc chỉ. Người Lào tin rằng cơ thể con người có 32 bộ phận, mỗi bộ phận có một linh hồn trú ngụ. Khi ai đó đi xa, bị bệnh, gặp điều không may, những linh hồn này có thể rời khỏi cơ thể, khiến người đó cảm thấy mệt mỏi hoặc mất cân bằng.
Lễ buộc chỉ cổ tay được thực hiện để triệu hồi các linh hồn về lại cơ thể, giúp tinh thần mạnh khỏe, cân bằng và gặp nhiều may mắn. Nghi lễ thường do người lớn tuổi, già làng hoặc thầy mo thực hiện. Họ đọc bài khấn cầu mong sức khỏe, may mắn cho người được buộc chỉ. Sợi chỉ tượng trưng cho sự trong sạch, tốt lành và kết nối tinh thần. Người được buộc chỉ không nên cởi bỏ ngay mà giữ lại ít nhất 3 ngày để điều ước trở thành hiện thực. Lễ buộc chỉ cổ tay không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn thể hiện tình cảm gắn kết giữa người thân, bạn bè, tinh thần đoàn kết và sự quan tâm lẫn nhau trong cộng đồng.
Sau nghi thức buộc chỉ cổ tay, người dân trong bản mang lễ vật ra khu vực suối để dâng tế, cúng mời thần suối hưởng lễ.
Người Lào tin rằng sông, suối là nơi trú ngụ của các vị thần linh thiêng, ban phước lành và nguồn nước dồi dào cho mùa màng, cuộc sống. Nghi thức này được người dân tổ chức nhằm bày tỏ lòng biết ơn với thiên nhiên, thần sông, thần suối vì đã ban nguồn nước quý giá. Lễ vật dâng lên thần sông, suối là một phần quan trọng trong đời sống tâm linh của người Lào, thể hiện sự tôn kính với thiên nhiên, cầu mong cuộc sống thuận hòa, hạnh phúc, bình an, không bị thiên tai, lũ lụt.
Trên suốt đường đi, người dân bắt đầu nghi thức té nước để cầu chúc may mắn. Sau đó, tất cả mọi người cùng lội xuống sông tắm, té nước vào nhau để cầu chúc những điều tốt đẹp, gột rửa đi những điều không may mắn, những cái xui rủi của năm cũ để đón chào năm mới may mắn hơn, bình an hơn. Con người không ốm đau, bệnh trọng, vạn vật sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa.
Với đồng bào dân tộc Lào, ngày Tết té nước ai cũng phải ướt, càng ướt nhiều sẽ càng may mắn. Khi người đã ướt sũng, họ cùng nhau hòa mình vào điệu múa lăm vông truyền thống.
Ngoài các hoạt động sôi nổi nói trên, năm nay địa phương còn tổ chức hoạt động đua xuồng vào thi đấu, nhằm tạo không khí vui tươi, cầu may cho mùa màng bội thu. Đua xuồng còn là dịp để người dân vui chơi, cổ vũ, hòa mình vào lễ hội; họ tin rằng đội thắng cuộc sẽ mang lại nhiều điều may mắn cho bản làng trong năm mới.
Theo bà Vì Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Pa Thơm, thông qua các hoạt động trong lễ hội giúp nhân dân địa phương hiểu được tầm quan trọng và mục đích, ý nghĩa của việc giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc mình; đồng thời là dịp để quảng bá, tôn vinh bản sắc văn hóa, văn nghệ của dân tộc Lào ở xã Pa Thơm nói riêng và huyện Điện Biên nói chung. Qua đó, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và quảng bá tiềm năng phát triển du lịch của huyện Điện Biên.
Phan Quân