Sáng 15/11, UBND huyện Bắc Bình (Bình Thuận) tổ chức Lễ đặt Bằng ghi danh của UNESCO đưa “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp tại Nhà Văn hóa xã Phan Hiệp.
Theo ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận, việc được UNESCO ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp vừa là niềm vui, nhưng cũng là nỗi lo và là trách nhiệm chung của các cấp chính quyền, ngành chức năng và cộng đồng người Chăm địa phương trong việc chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống, tránh nguy cơ bị mai một, thất truyền thời gian tới. Để bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức, các đơn vị liên quan cần thường xuyên mở các lớp đào tạo, truyền dạy kỹ năng, bí quyết thực hành nghề gốm cho thế hệ trẻ trong cộng đồng người Chăm địa phương từ nguồn ngân sách phân bố hằng năm của tỉnh, chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác có liên quan. Các đơn vị triển khai việc quy hoạch, mở rộng vùng nguyên liệu và bãi nung gốm truyền thống gắn với xây dựng lò nung gốm mỹ nghệ đảm bảo tính hợp lý cho nghề gốm tồn tại và phát triển bền vững về lâu dài.
Ông Bùi Thế Nhân cũng cho rằng, cần có quy hoạch khu đất phù hợp tại thôn Bình Đức để xây dựng nhà trưng bày sản phẩm gốm, kết hợp trình diễn nghệ thuật làm gốm, nung gốm và các loại hình nghệ thuật truyền thống của người Chăm phục vụ du khách. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nét đặc sắc, giá trị, ý nghĩa và tầm quan trọng của nghề gốm để nâng cao nhận thức cho chủ thể văn hóa, các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc bảo tồn và phát triển nghề gốm, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc do ông bà, tổ tiên để lại.
Làng nghề làm gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức (xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình) đã có từ lâu đời và rất nổi tiếng trong cả nước; gắn chặt với đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội, phong tục tập quán của người Chăm bao đời nay. Quy trình làm gốm của người Chăm Bình Đức từ khâu chế biến, pha trộn đất, nhào nặn sản phẩm, chỉnh hình, chà bóng cho đến khâu nung gốm, chế biến nước màu trang trí lên gốm sau khi nung… đến nay về cơ bản vẫn bảo lưu khá nguyên vẹn kỹ thuật, phương thức theo lối thủ công truyền thống được lưu truyền lại. Với những giá trị và ý nghĩa đó, năm 2012, Nghề gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tuy nhiên, trong những thập niên gần đây, tác động của khoa học công nghệ, cơ chế kinh tế thị trường,… khiến nghề gốm đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Bên cạnh đó, giá thành sản phẩm không ổn định, thu nhập của các gia đình và nghệ nhân làm gốm thấp… đã ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của nghề. Những khó khăn đó làm cho những người thợ trẻ giảm đi lòng đam mê, yêu nghề, thiếu đi tính cần cù, chịu khó trong việc học hỏi để tiếp thu bí quyết, kinh nghiệm nghề nghiệp và nâng cao tay nghề do các nghệ nhân lớn tuổi truyền dạy. Đây là nguy cơ đáng lo ngại về sự tồn tại và phát triển của làng gốm Chăm Bình Đức trong tương lai khi các nghệ nhân tuổi cao, sức yếu đang lần lượt mất đi.
Trước thực trạng đó, ngày 19/8/2021 UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 2097/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình”. Ngày 13/9/2023, UBND tỉnh có Công văn số 3441/UBNDKGVXNV về việc triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Nghề gốm truyền thống của người Chăm” được UNESCO ghi danh.
Trước đó, nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình và làng gốm Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận đã được UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc) ghi vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp vào ngày 29/11/2022. Sự kiện giúp thế giới biết đến nghệ thuật làm gốm độc đáo của người Chăm Việt Nam; đồng thời tạo ra cơ hội để gìn giữ, bảo tồn và phát triển Nghệ thuật làm gốm lâu đời, độc đáo này mãi trường tồn, tránh nguy cơ bị mai một, biến thể hoặc mất dần theo thời gian.
Nguyễn Thanh