Bảo tồn, phát triển nghệ thuật Gốm Chăm (Bài 1)

Các sản phẩm gốm truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa Chăm được trưng bày ở Hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc (Ninh Thuận) Ảnh: Công Thử - TTXVN
Các sản phẩm gốm truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa Chăm được trưng bày ở Hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc (Ninh Thuận) Ảnh: Công Thử - TTXVN

Cách đây tròn một năm, ngày 29/11/2022, di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là niềm tự hào, khẳng định giá trị của di sản văn hóa Việt Nam; đồng thời, đặt ra trách nhiệm, thử thách đối với các cấp, các ngành, cộng đồng cư dân sở hữu di sản. Làm thế nào duy trì được “dòng chảy” nhịp nhàng, đem lại sức sống mới cho di sản trong cuộc sống đương đại. Tại hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận - nơi có di sản, các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản đã và đang được đẩy mạnh thực hiện. Nhóm phóng viên TTXVN ghi nhận, phản ánh nội dung này trong hai bài viết: Bảo tồn và phát triển nghệ thuật Gốm Chăm.

Bài 1: Tinh hoa nghề truyền thống

Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được công nhận, trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại là thêm một sự khẳng định ý nghĩa về những bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong kho tàng chung của di sản văn hóa nhân loại.

Thổi hồn cho đất

Là nghề thủ công truyền thống, nghề làm gốm của người Chăm ở Ninh ThuậnBình Thuận độc đáo ngay từ cách chọn, xử lý nguyên liệu cho đến cách thức tạo hình khối, hoa văn, phơi và nung sản phẩm. Tất cả đều thể hiện tính sáng tạo và sự tỉ mỉ, công phu của người thợ làng nghề.

Theo các chuyên gia nghiên cứu văn hóa Chăm, nguyên liệu chính làm nên sản phẩm gốm Chăm là đất sét, giống như nhiều làng nghề gốm khác, song được người thợ làng nghề xử lý qua khá nhiều công đoạn.

Chị Đàng Thị Tám (làng gốm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) cho hay: Đất làm gốm được lấy từ vùng “Nu Lanh” - cánh đồng cạnh sông Quao, giáp thôn Hiếu Lễ (xã Phước Hậu, Ninh Phước). Đất ở đây có độ mịn, dẻo, cát cũng rất mịn, hạt nhỏ li ti. Đất sét chỉ được lấy một năm một lần, mỗi lần kéo dài nửa tháng. Tới mùa lấy đất, mọi người đem đất về trữ sẵn ở nhà để dùng cho cả năm. Người thợ sau khi lấy đất sét nguyên liệu về phải phơi khô, đập nhỏ sau đó đem ủ qua đêm với lượng nước vừa đủ. Sáng hôm sau, đất sét đã ủ đem trộn với cát mịn rồi nhào nặn thật nhuyễn trước khi tạo hình sản phẩm gốm. Nguyên liệu độc đáo, cách thức tạo hình sản phẩm rất công phu. Mỗi người thợ gốm thực sự là người “thổi hồn” vào đất, gửi gắm những thông điệp về văn hóa, phong tục, tập quán, nét sinh hoạt của cộng đồng người Chăm qua từng sản phẩm.

Cũng theo chị Tám, người thợ gốm Bàu Trúc không cần dùng bàn xoay khi tạo hình khối cho sản phẩm. Người thợ vừa đi giật lùi vòng quanh chiếc trục đặt khối đất sét, vừa đều tay xoa, vuốt để tạo hình sản phẩm. Đến khi thành hình hài thô, người thợ chà láng sản phẩm bằng cách quấn tấm vải nhỏ thấm nước vào bàn tay, từng ngón tay xoa đều để tạo cạnh, tạo hình răng cưa, khắc vạch, sóng nước, hoa văn lên bề mặt sản phẩm. Sản phẩm đã được tạo hình xong sẽ phơi cho khô mặt rồi mới đem nung.

Bảo tồn, phát triển nghệ thuật Gốm Chăm (Bài 1)  ảnh 1Người thợ làm gốm ở làng Chăm Bàu Trúc (Ninh Thuận) miệt mài tạo tạo ra sản phẩm truyền thống. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Nghệ nhân Ưu tú Đơn Thị Hiệu, làng gốm Bình Đức (xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) cho hay, cách nhào nặn gốm trên bàn kê cố định mà không dùng bàn xoay là một kỹ thuật đặc biệt của người thợ gốm Chăm. Sau khi tạo hình khối, hoa văn, gốm được đem phơi và nung ngoài trời, ở nhiệt độ khoảng 500 - 600 độ C.

Gốm nung xong còn nóng hổi sẽ được vẩy lên một loại nước từ trái thị hoặc vỏ hạt điều ngâm để tạo nên những vết loang. Vì thế, mỗi sản phẩm đều thể hiện tài năng sáng tạo riêng của người thợ gốm, không hề bị trùng lặp, đơn điệu.

Theo chuyên gia Bá Minh Truyền, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận, sản phẩm gốm Chăm từ các làng nghề Bàu Trúc và Bình Đức rất đa dạng, phong phú. Trong đó, làng gốm Bàu Trúc có các sản phẩm gốm sử dụng trong đời sống hằng ngày như nồi cơm, nồi hấp bánh, ấm nước, lu nước. Bên cạnh đó, làng còn có sản phẩm gốm gắn với đời sống văn hóa, tâm linh, sản phẩm gốm mỹ nghệ như mâm lễ, lư lửa, tượng, tháp, đèn trang trí, đồ lưu niệm…

Tài sản chung của nhân loại

Tại buổi Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, diễn ra tại tỉnh Ninh Thuận vào tháng 6/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã khẳng định: Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp là sự khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam trong kho tàng di sản văn hóa thế giới. Di sản văn hóa nghệ thuật làm gốm của người Chăm từ nay đã trở thành tài sản chung của nhân loại. Các cấp, các ngành và toàn xã hội cùng chung tay gìn giữ, bảo tồn các di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận, bảo tồn các di tích di sản văn hóa đã được ghi danh để các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp luôn đồng hành trong mọi bước đường phát triển của dân tộc; đóng góp và làm giàu cho văn hóa thế giới.

Đại diện cả hai tỉnh có di sản gốm Chăm là Ninh Thuận và Bình Thuận đều cho rằng, trải qua những biến động thăng trầm của lịch sử, do nhiều yếu tố, nguyên nhân khách quan và chủ quan tác động, các nghề thủ công truyền thống của người Chăm đã dần bị mai một, mất đi theo thời gian. Riêng Nghề gốm truyền thống của người Chăm ở thôn Bình Đức (Bình Thuận) và Bàu Trúc (Ninh Thuận) có lịch sử hình thành, phát triển và tồn tại từ lâu đời, được duy trì đến ngày nay, thực sự là những di sản quý, mang đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng người Chăm. Di sản được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, một mặt giúp cả thế giới biết đến nghệ thuật làm gốm độc đáo của người Chăm ở Việt Nam. Mặt khác cũng tạo nhiều cơ hội, đồng thời đòi hỏi cao hơn trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề làm gốm có từ lâu đời, độc đáo này mãi trường tồn, tránh nguy cơ bị mai một, biến thể.

Bảo tồn, phát triển nghệ thuật Gốm Chăm (Bài 1)  ảnh 2Các sản phẩm gốm truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa Chăm được trưng bày ở Hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc (Ninh Thuận) Ảnh: Công Thử - TTXVN

Ông Phú Hữu Minh Thuần, Giám đốc Hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc (tỉnh Ninh Thuận) cho biết, làng Bàu Trúc, tiếng Chăm gọi là Palei Hamu Craok; được các chuyên gia đánh giá một trong những làng nghề cổ xưa nhất vùng Đông Nam Á, đến nay còn bảo lưu khá tốt kỹ thuật làm gốm hoàn toàn thủ công. Nơi đây được xem như một bảo tàng gốm truyền thống của người Chăm sinh sống tại Ninh Thuận và một số tỉnh ở dải Nam Trung bộ.

Nghề làm gốm với kỹ thuật và quy trình thủ công truyền thống được các gia đình người Chăm duy trì qua nhiều đời theo chế độ mẫu hệ “mẹ truyền - con nối”. Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO vinh danh. Người dân làng nghề rất vui mừng và xem đây là động lực tiếp thêm sức mạnh tiếp tục “thắp lửa nghề”, sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới, lạ, độc đáo và chất lượng đáp ứng thị hiếu và nhu cầu thị trường. Đồng thời, hướng đến thu hút phát triển du lịch từ làng nghề, biến văn hóa trở thành tài sản làm giàu của người dân làng nghề; qua đó, giúp người làm gốm thực sự sống được bằng nghề gốm truyền thống.

Từ khi nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, lượng du khách đến với làng nghề gốm truyền thống ngày một nhiều hơn, sản phẩm làm ra rất được du khách và thị trường ưa chuộng. Nghề truyền thống có bước phát triển mới. Hiện Hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc có 45 thành viên, sản xuất nhiều sản phẩm gốm dân dụng và cả dòng gốm trang trí, như đèn lọ hoa, tháp… phục vụ trang trí nội, ngoại thất, qua đó vừa bảo tồn, phát triển nghề truyền thống, tạo việc làm, sinh kế ổn định cho người lao động.

Em Lương Y Vân - một thợ trẻ ở làng gốm Bình Đức (Bình Thuận) chia sẻ, em rất tự hào vì nghề truyền thống của làng Chăm Bình Đức quê em và làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận) là được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Trong gia đình em đã có bà nội và ông nội đã làm nghề gốm trong nhiều năm qua. Em đã biết làm một số sản phẩm gốm dùng trong đời sống hằng ngày. Em đang học để biết làm các sản phẩm gốm mỹ nghệ, góp phần giới thiệu đến nhiều người biết tới sản phẩm gốm truyền thống của quê hương. (Còn tiếp-Bài 2: Lan tỏa dòng chảy di sản).

Trà Thử Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm