Sức sống gốm Chăm

Sức sống gốm Chăm

Mới đây, “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Sự kiện này không chỉ giúp thế giới biết thêm về một di sản văn hóa nữa của Việt Nam mà còn là động lực để người Chăm khơi dậy sức sống của gốm...

 
Sức sống gốm Chăm ảnh 1Sức sống gốm Chăm. Ảnh: An Hiếu

Sinh ra và lớn lên cùng gốm

Nói đến gốm Chăm là nói đến làng gốm Bàu Trúc ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận), một trong những làng gốm cổ xưa nhất ở khu vực Đông Nam Á, tồn tại từ khoảng cuối thế kỷ XII, nay vẫn duy trì phương thức sản xuất hoàn toàn thủ công.

Sức sống gốm Chăm ảnh 2Dù đã cao tuổi nhưng nhiều nghệ nhân người Chăm tại làng gốm Bàu Trúc vẫn miệt mài với công việc chế tác gốm. Ảnh: An Hiếu

Nghề gốm ở làng gốm Bàu Trúc được các gia đình duy trì qua nhiều đời theo lối “mẹ truyền con nối”. Bà Đàng Thị Hằng, năm nay ngoài 70 tuổi, đã có gần 60 năm làm nghề bộc bạch: “ Nghề làm gốm vất vả lắm! phải chịu khó, kiên trì nhưng đã làm rồi thì thấy yêu và gắn bó, không thể bỏ được. Chỉ trừ những lúc ốm đau phải nghỉ chứ một ngày không làm gốm là thấy nhớ, bà muốn duy trì nghề này mãi mãi”.

Được truyền nghề từ cụ, từ mẹ, nay bà Đàng Thị Hằng lại truyền kiến thức, tình yêu nghề cho các con mình. Bốn con gái của bà đều theo nghề, trong đó có chị Đàng Thị Minh Trọng, hiện là chủ cơ sở sản xuất gốm thủ công mỹ nghệ Hải Âu. - Chị Đàng Thị Minh Trọng cho biết: “ Gia đình mình có 3, 4 thế hệ làm gốm. Mình biết làm gốm từ những năm học cấp 3 và bây giờ, ngoài mình, mẹ mình, các chị em gái còn có mẹ chồng, các cô dì bên chồng cũng đang làm gốm cùng mình tại cơ sở sản xuất gốm thủ công mỹ nghệ Hải Âu”.

Sức sống gốm Chăm ảnh 3“Vừa qua, nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây vừa là vinh dự vừa là động lực để ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Ninh Thuận tiếp tục nỗ lực trong công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật làm gốm của người Chăm trên địa bàn...” - ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: An Hiếu

Nghề làm gốm ở làng Bàu Trúc trước chỉ dành cho phụ nữ nhưng đến nay, ngày càng có nhiều nam thanh niên, đàn ông theo học nghề và tham gia làm sản phẩm. Theo ông Đàng Chí Quyết, Trưởng Ban quản lý khu phố, làng Bàu Trúc hiện có 250 hộ làm gốm, 2 hợp tác xã và 11 cơ sở chuyên sản xuất, kinh doanh gốm. Các sản phẩm gốm của Bàu Trúc ngày càng đa dạng, phong phú, tạo việc làm ổn định với mức thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Sức sống gốm Chăm ảnh 4Với đôi tay điêu luyện, các nghệ nhân đã “biến” khối đất bình thường thành sản phẩm gốm mang tính thẩm mỹ cao. Ảnh: An Hiếu

Gìn giữ và trao truyền nghệ thuật gốm Chăm độc bản

Đặc điểm nổi bật của nghề làm gốm Chăm là kỹ thuật chế tác không dùng bàn xoay, nung lộ thiên (bằng rơm, củi). Theo chị Đàng Thị Minh Trọng, nghệ nhân làm gốm ở làng Bàu Trúc, điểm khác biệt nhất của nghề làm gốm Chăm là “làm bằng tay, xoay bằng mông”, vừa đi giật lùi vòng quanh chiếc trụ đặt khối đất sét, vừa xoa đều tay, vuốt tạo hình... Vì làm bằng tay nên mỗi sản phẩm gốm Bàu Trúc đều là tác phẩm độc bản, mang đậm cảm xúc, tâm trạng, sức khỏe của nghệ nhân. Ở công đoạn nung, sự kết hợp giữa lửa và gió tạo nên những màu sắc đặc trưng chỉ có ở gốm Chăm như: vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, nâu...

Sức sống gốm Chăm ảnh 5Một trong những điểm đặc biệt ở làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận) là các nghệ nhân hoàn toàn không cần dùng đến bàn xoay, họ sẽ đi vòng tròn để tạo hình cho sản phẩm gốm. Ảnh: An Hiếu

Ông Đàng Chí Quyết, Trưởng Ban quản lý khu phố Bàu Trúc chia sẻ, gốm Chăm trước đây chủ yếu là đồ gia dụng, đồ cúng lễ, phục vụ người Chăm ở địa phương và một số tỉnh lân cận. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, ngày nay các nghệ nhân đã sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mới, độc đáo như: đèn ngủ, lọ hoa, bình nước, bình trà…; phát triển dòng gốm mỹ nghệ phục vụ trang trí nội thất, ngoại thất tại các gia đình, khách sạn, khu nghỉ dưỡng...

Sức sống gốm Chăm ảnh 6Trong làng gốm Bàu Trúc, ngày càng có nhiều người theo học nghề và làm các sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thị trường. Ảnh: An Hiếu
Sức sống gốm Chăm ảnh 7Kỹ thuật nung gốm Bàu Trúc là nung lộ thiên, mang dấu ấn độc đáo của gốm Chăm. Ảnh: An Hiếu

Chị Đàng Thị Minh Trọng cho biết thêm: “Chúng tôi nghiên cứu kết hợp văn hóa Chăm cùng những yếu tố của các nền văn hóa khác để thiết kế, sản xuất dòng gốm mỹ nghệ với mẫu mã và hoa văn trang trí độc đáo, phong phú, đảm bảo chất lượng để phục vụ thị trường. Bên cạnh đó, chúng tôi còn xây dựng cơ sở sản xuất thành điểm đến phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm nghề làm gốm. Gốm Bàu Trúc mẫu mã đa dạng vậy nhưng giá chỉ rơi vào khoảng chục nghìn đồng đến vài triệu đồng/sản phẩm”.

Sức sống gốm Chăm ảnh 8Gốm Bàu Trúc luôn có sự khác biệt bởi cái hồn riêng lưu lại từ quá trình nung đất cho đến nét vẽ hoa văn. Ảnh: An Hiếu

Làng gốm Bàu Trúc tưởng có lúc bị mai một nhưng nay đã khởi sắc; được các nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước xem như là một bảo tàng gốm Chăm. Với Đề án bảo tồn và phát triển làng gốm Chăm Bàu Trúc giai đoạn từ nay đến năm 2030, huyện Ninh Phước sẽ tiếp tục huy động nguồn lực để đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề cho thế hệ trẻ, chú trọng phát triển du lịch cộng đồng góp phần nâng cao đời sống người dân.

Thu Hương

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm