Chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản Nghệ thuật làm gốm Chăm

Nghệ nhân làng gốm Bình Đức Nguyễn Thị Mai hoàn thiện sản phẩm gốm Chăm đặc trưng. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN
Nghệ nhân làng gốm Bình Đức Nguyễn Thị Mai hoàn thiện sản phẩm gốm Chăm đặc trưng. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Khi di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, chính quyền và cộng đồng người Chăm ở làng gốm Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận hết sức vui mừng và phấn khởi. Khắp làng trên, xóm dưới đều râm ran câu chuyện Nghệ thuật làm gốm trở thành di sản. Cùng với niềm hân hoan, niềm tự hào, chính quyền và cộng đồng người Chăm trong vùng cũng ý thức được trách nhiệm trong việc chung tay cùng gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản này.

Chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản Nghệ thuật làm gốm Chăm ảnh 1Nghệ nhân làng gốm Bình Đức Nguyễn Thị Mai hoàn thiện sản phẩm gốm Chăm đặc trưng. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Niềm vui lớn của người làm gốm

Được cán bộ xã Phan Hiệp thông báo tin Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, nghệ nhân Nguyễn Thị Mai, thôn Bình Đức hết sức vui mừng.

Bà Mai cho biết: “Từ lúc nghe tin, trong người cứ vui mừng, nôn nao khó tả. Sau bao nhiêu khó khăn, thăng trầm, cuối cùng cái nghề của dân tộc mình cũng được công nhận là di sản. Rồi đây, chính quyền các cấp sẽ có giải pháp để bảo tồn và phát huy hơn nữa các giá trị lâu đời vốn có của nó. Nghề gốm sẽ không bị mai một và thất truyền nữa”.

Làm gốm từ năm 18 tuổi và đến nay đã gần 50 năm gắn bó với nghề, nghệ nhân Nguyễn Thị Mai không biết nghề gốm có từ bao giờ, chỉ biết nó được nối tiếp từ đời này sang đời khác, kéo dài hàng trăm năm mang tính chất “Mẹ truyền, con nối”. Cùng với mọi người ở làng gốm Bình Đức này, bà Mai bám trụ với nghề không chỉ vì cuộc sống mưu sinh mà đó còn để giữ nghề “gia truyền”, giữ cái “hồn” của dân tộc.

Chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản Nghệ thuật làm gốm Chăm ảnh 2Gốm được tập trung lại khu vực đất trống và xếp xen kẽ với giữa củi trước khi nung. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Theo bà Mai, kỹ thuật làm gốm của gia đình được truyền từ thời bà cố, đến nay bảo lưu khá nguyên vẹn theo lối thủ công truyền thống từ xa xưa và ít có sự biến đổi. Từ khâu lấy đất sét, chế biến, pha trộn đất, nhào nặn sản phẩm, chỉnh hình cho đến khâu nung, trang trí. Nét độc đáo là người làm gốm Chăm không dùng bàn xoay, chỉ với đôi bàn tay khéo léo và những bước chân nhịp nhàng, người làm xoay người di chuyển quanh chiếc bàn kê cố định.

“Trước đây, gia đình tôi chỉ làm gốm truyền thống là các vật dụng gia đình nhưng nhờ chính quyền cho đi học kỹ thuật làm gốm mỹ nghệ ở làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận) nên từ năm 2005 đến nay, gia đình làm thêm đồ mỹ nghệ, đồ trang trí cung cấp cho các quán, cơ sở du lịch, bán cho du khách nên thu nhập cũng ổn định hơn”, nghệ nhân Nguyễn Thị Mai chia sẻ.

Còn đối với nghệ nhân Lâm Hùng Sổi, việc nghề gốm được vinh danh là một niềm vui lớn không chỉ của người dân làng gốm Bình Đức mà còn của cả cộng đồng người Chăm. Ông cảm thấy thật tự hào vì đã được truyền nghề và lưu giữ cho đến bây giờ. Cùng với niềm hân hoan, nghệ nhân Lâm Hùng Sổi bày tỏ lòng biết lãnh đạo các cấp, ngành và địa phương đã quan tâm tới việc bảo tồn phát huy nghệ thuật làm gốm của người Chăm.

Chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản Nghệ thuật làm gốm Chăm ảnh 3Các sảm phẩm được tập trung lại khu vực đất trống và nung vào đúng giờ trưa trong ngày. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Từ năm mười ba tuổi, ông Sổi đã theo mẹ học làm gốm. Từ đó đến nay nghề gốm trở thành công việc và cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình ông. Mỗi ngày, gia đình ông làm ra khoảng 50 - 70 sản phẩm gốm truyền thống là đồ gia dụng hằng ngày như: trã, nồi, ấm, bếp lò, khuôn bánh, lu, chum, chậu…

Nói về kỹ thuật làm gốm, ông Sổi cho biết: vì làm bằng tay với những dụng cụ thô sơ nên đòi hỏi người nghệ nhân phải tỉ mỉ, cần mẫn từ khâu nhào đất đến nặn tạo hình… Đất sét được lấy về phải ủ nước một đêm, sau đó nhào đập, trộn với cát được sàng kỹ tạo nên hỗn hợp rất dẻo và mịn. Sau khi nắn, tạo hình xong, sản phẩm được quét lên một lớp nước đất sét đỏ để sau khi nung sẽ đẹp hơn. Kỹ thuật nung gốm lộ thiên là nét đặc trưng hiếm có của gốm Chăm bởi nó mang tính cộng đồng cao. Bãi nung là bãi đất trống để đón nắng, đón gió và vị trí gần mương nước. Từ sáng sớm, gốm được đưa về đây tập kết để phơi nắng. Sau khi khô, gốm được chất lên thành đống cao, xen kẽ lớp gốm, lớp củi và bỏ rơm, củi bọc xung quanh. Sau một giờ nung, gốm ở lớp ngoài sẽ "chín" trước và được lấy ra trước, lần lượt theo từng lớp. Gốm sau khi nung vừa lấy ra khỏi lò được vảy lên một loại nước từ trái thị hoặc vỏ hạt điều ngâm, tạo ra những vết loang lấm tấm đen. Cách trang trí này khiến gốm Chăm khác biệt với các sản phẩm gốm khác.

Chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản Nghệ thuật làm gốm Chăm ảnh 4Sản phẩm gốm Chăm của làng gốm Bình Đức được làm hoàn bằng thủ công, nên mỗi sản phẩm đều mang nét đặt trưng riêng. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Chung tay giữ gìn di sản

UNESCO ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp vừa là niềm tự hào nhưng cũng là trách nhiệm lớn của cả chính quyền và nhân dân địa phương nơi có di sản, nhất là công tác bảo tồn, phát huy những giá trị của di sản.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Mai cho biết: “Nghề gốm có thể tồn tại hay phát huy giá trị phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và hành vi của thế hệ trẻ. Vì vậy, trong thời gian tới, tôi sẽ cùng các chị em trong làng thường xuyên tuyên truyền, dạy dỗ, bảo ban con cháu có trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ nghề gốm cho mình và cho thế hệ mai sau.”

Chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản Nghệ thuật làm gốm Chăm ảnh 5Các bạn trẻ tìm hiểu nghệ thuật làm gốm chăm tại nhà Nghệ nhân Lâm Hùng Sổi, làng gốm Bình Đức. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Còn nghệ nhân Lâm Hùng Sổi chia sẻ sẽ tiếp tục gắn bó, gìn giữ nghề; đoàn kết, đồng lòng bảo vệ và phát huy di sản. Ông Sổi mong muốn các cấp, ngành tiếp tục quan tâm hỗ trợ quy hoạch vùng nguyên liệu, bãi nung, nhất là hỗ trợ thị trường tiêu thụ, để từ đó nghề gốm được duy trì và phát triển. Khi người dân sống được với nghề thì mới phấn khởi, hăng hái tham gia bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

Làng gốm Bình Đức hiện có 43 hộ (chiếm khoảng 11% số hộ người Chăm trong làng) với 46 người còn làm duy trì nghề làm gốm Chăm thường xuyên. Ngoài ra có khoảng 60 hộ làm theo thời vụ, những lúc cao điểm: lễ hội, Tết Nguyên đán…

Ông Hắc Văn Quang Huy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phan Hiệp cho biết: công tác bảo tồn, gìn giữ nghề truyền thống của đồng bào Chăm đã được địa phương đặt lên hàng đầu. Trước khi được UNESCO ghi danh, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cũng đã Phê duyệt Đề án Bảo tồn và Phát triển nghề gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp. Chính quyền địa phương đang phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước triển khai các công việc liên quan như: rà soát các vị trí đất và báo cáo với huyện Bắc Bình đề xuất đưa vào quy hoạch vị trí đất bãi nung gốm, nhà trưng bày sản phẩm gốm gắn với trình diễn nghề gốm; khảo sát nâng cấp một số tuyến đường giao thông phục vụ làng nghề…

Chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản Nghệ thuật làm gốm Chăm ảnh 6Sản phẩm gốm Chăm đã hoàn thiện với màu sắc đặc trưng sau công đoạn phết sơn. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Trong thời gian tới, địa phương sẽ tăng cường tuyên truyền cho nhân dân trong xã, nhất là người dân trong vùng di sản nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm để bảo vệ nguyên vẹn những giá trị làng nghề đang có. Cùng với đó, địa phương sẽ triển khai các hoạt động hỗ trợ giúp người dân định hình và thành lập một hợp tác xã nghề gốm; phát triển hơn nữa sản phẩm mỹ nghệ; định hướng người dân phát triển du lịch cộng đồng… từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Hồng Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm