Bảo tồn, phát triển nghệ thuật Gốm Chăm (Bài 2)

Bảo tồn, phát triển nghệ thuật Gốm Chăm (Bài 2)

Nghề làm gốm là một nét văn hóa của đồng bào Chăm, làm nên gam màu đặc sắc trong vườn hoa văn hóa đa sắc màu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Gìn giữ, phát huy giá trị nghề truyền thống, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, ý thức trách nhiệm và thực hành di sản từ chính cộng đồng người Chăm, tạo sức sống mới, lan tỏa mạnh mẽ hơn “dòng chảy” di sản này.

Bài 2: Lan tỏa dòng chảy di sản 

Chung tay bảo tồn

Tự hào với di sản được ghi danh, nhìn nhận thực tế, nhiều chuyên gia, nhà quản lý trăn trở: Như nhiều ngành nghề thủ công truyền thống khác, nghề làm gốm Chăm đang gặp không ít thách thức. Hiện nay, do tác động cơ chế kinh tế thị trường, khoa học và công nghệ phát triển, làng nghề đối mặt với nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ, giá thành sản phẩm, thu nhập từ làm gốm…

Bà Nguyễn Thị Huyền Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Phan Hiệp (huyện Bắc Bình, Bình Thuận) - nơi có làng gốm Chăm Bình Đức cho biết: làng hiện có trên 40 hộ người Chăm còn duy trì nghề gốm. Nghề cần được duy trì và phát triển qua nhiều thế hệ nhưng thực tế nhiều nghệ nhân đã cao tuổi, lớp trẻ có người chưa đủ đam mê “sống chết” với nghề. Vì vậy, việc tổ chức truyền dạy, nâng cao tay nghề cho thợ trẻ, đồng thời “tiếp lửa nghề”, tình yêu, lòng say mê với nghề gồm truyền thống là rất cần thiết.

Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh triển khai Đề án Bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống của người Chăm ở Bình Đức với nhiều mục tiêu cụ thể. Đó là, tăng tỉ lệ hộ gia đình duy trì nghề gốm từ gần 11% năm 2021 lên hơn 15% vào năm 2030; tăng tỉ lệ số nghệ nhân duy trì nghề gốm từ gần 12% năm 2021 lên hơn 16% vào năm 2030. Các cấp, ngành cùng với với người dân làng nghề, doanh nghiệp nỗ lực mở rộng, tìm kiếm, mở rộng thị trường cho sản phẩm gốm. Địa phương và các ngành liên quan quy hoạch, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đảm bảo vệ sinh môi trường làng nghề xanh, sạch, đẹp. Đồng thời, chọn địa điểm có diện tích, không gian phù hợp tại làng Bình Đức để đầu tư xây dựng Nhà trưng bày sản phẩm gốm, kết hợp trình diễn nghệ thuật làm gốm và các loại hình nghệ thuật truyền thống của người Chăm; qua đó vừa bảo tồn văn hóa Chăm vừa phát triển các tour, tuyến du lịch.

Bảo tồn, phát triển nghệ thuật Gốm Chăm (Bài 2) ảnh 1Bà Trượng Thị Gạch ở Hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc (Ninh Thuận) dù đã lớn tuổi nhưng vẫn giữ nghề truyền thống. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Mới đây, vào đầu tháng 11/2023, Bảo tàng tỉnh Bình Thuận phối hợp với UBND xã Phan Hiệp tổ chức lớp truyền dạy kỹ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm cho trên 30 học viên là những thợ trẻ làng nghề Bình Đức. Là một trong những nghệ nhân tham gia truyền dạy, bà Đơn Thị Hiệu cho biết: Cùng với làng gốm Chăm Bàu Trúc, làng gốm Bình Đức còn bảo lưu khá nguyên vẹn về kỹ thuật, phương thức làm gốm theo lối thủ công truyền thống từ xưa. Những năm gần đây, số gia đình, nghệ nhân duy trì nghề gốm truyền thống ngày càng giảm. Các nghệ nhân ngày càng lớn tuổi. Việc truyền dạy, lưu giữ nghề là rất cần thiết. Truyền dạy, hướng dẫn các em, các cháu kỹ thuật làm đồ gốm gia dụng, sản phẩm gốm mỹ nghệ. Các nghệ nhân giải thích ý nghĩa, giá trị của từng sản phẩm và nghề gốm của người Chăm để lớp trẻ hiểu hơn, yêu hơn nghề truyền thống.

Tại tỉnh Ninh Thuận, làng gốm Chăm Bàu Trúc hiện có 2 hợp tác xã và 11 cơ sở sản xuất, kinh doanh gốm cùng khoảng 300 hộ dân gắn bó với nghề làm gốm. Huyện Ninh Phước - nơi có làng nghề đang tập trung triển khai Đề án bảo tồn và phát triển làng gốm Chăm Bàu Trúc, tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề cho thế hệ trẻ, chú trọng bảo tồn gắn phát triển du lịch. Huyện Ninh Phước tiếp tục hỗ trợ các cơ sở, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh gốm ở Bàu Trúc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá sản phẩm, tiếp nhận đơn hàng online và gửi sản phẩm đi các tỉnh, thành phố, kể cả ra nước ngoài, giúp người dân làng nghề yên tâm bảo tồn nghề truyền thống và thực sự sống được với nghề.

Chị Đàng Thị Luyến (53 tuổi) là người đã có gần 30 năm làm nghề gốm và hiện là thành viên Hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc. Cùng với công việc của một người thợ, chị Luyến còn tích cực truyền dạy cách làm gốm cho các thế hệ trẻ trong làng. Chị chia sẻ, trước đây, thế hệ trẻ trong làng ít người khát khao học nghề, còn những người có tay nghề nay đã lớn tuổi. Từ khi nghệ thuật làm gốm của người Chăm trở thành di sản thế giới, cần bảo vệ khẩn cấp, công tác tuyên truyền về bảo tồn và phát huy giá trị của nghề gốm được tăng cường rất nhiều. Hiện nay, nhiều bạn trẻ đã quan tâm học nghề gốm truyền thống. Chị cùng với những người có tay nghề vận động các em, các cháu đến trung tâm sinh hoạt cộng đồng để truyền nghề, gửi gắm niềm tin nghề truyền thống sẽ được tiếp nối, phát triển mạnh hơn.

Tạo nguồn lực phát triển du lịch

Đề cập mối quan hệ giữa nền tảng, tài nguyên du lịch là di sản văn hóa, trong đó có di sản phi vật thể như nghệ thuật làm gốm Chăm, nhiều ý kiến cho rằng, nếu nói văn hóa là “quyền lực mềm” của một quốc gia, du lịch đóng vai trò quan trọng để đẩy mạnh và phát huy quyền lực ấy một cách hữu hiệu. Văn hóa là nét đặc trưng, tạo nên sự khác biệt của mỗi quốc gia, điểm đến.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam khẳng định, thực tế minh chứng di sản văn hóa tạo sức hấp dẫn vô cùng cho điểm đến du lịch. Di sản văn hóa là động cơ, là duyên cớ thôi thúc chuyến đi, là môi trường tương tác và là những trải nghiệm đáng giá cho du khách, trở thành tài nguyên, nguồn lực chiến lược cho phát triển du lịch. Chính sức cuốn hút ấy của di sản văn hóa sẽ tạo nên những “làn sóng” đầu tư vào du lịch di sản.

Xác định di sản nghệ thuật gốm Chăm là tài nguyên quý phát triển du lịch, hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận triển khai nhiều giải pháp, tăng sức hút cho du lịch địa phương nói riêng, du lịch duyên hải Nam Trung Bộ nói chung.

Ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận chia sẻ, trong chiến lược phát triển của tỉnh, du lịch là một trong những nhóm ngành trụ cột và đang hướng đến trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, nhằm xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn trong chuỗi du lịch của cả nước, nhất là khu vực Duyên hải miền Trung. Tỉnh tập trung phát triển 4 sản phẩm du lịch đặc thù gồm: Du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm biển, du lịch nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái gắn với Khu Dự trữ sinh quyển Núi Chúa và du lịch văn hóa, đặc biệt là Di sản văn hóa Chăm.

Để phát triển du lịch gắn Di sản văn hóa Chăm, nhất là ở các làng nghề, như làng gốm Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận đầu tư đồng bộ hạ tầng du lịch thiết yếu, lắp đặt biển chỉ dẫn vào làng nghề; vận động các doanh nghiệp tham gia đầu tư các dịch vụ du lịch vào điểm thăm quan. Tỉnh vận động các hộ dân nâng cấp cơ sở vật chất hiện có. Địa phương và ngành chuyên môn hỗ trợ, hướng dẫn người dân từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp trong quản lý, khai thác sản phẩm du lịch, chú trọng duy trì, phát triển sản phẩm truyền thống để thu hút du khách.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Văn Hòa cho biết thêm: một trong những tuyến du lịch phổ biến của du lịch Ninh Thuận chính là tuyến du lịch gắn với các điểm đến nổi bật như tháp Pô klong Garai, làng gốm Chăm Bàu Trúc, làng nho Thái An, đồng cừu An Hòa, biển Cà Ná, đồi cát Nam Cương, vịnh Vĩnh Hy… Làng gốm Bàu Trúc cũng đã thành lập Ban Du lịch cộng đồng, xây dựng các nhóm phát triển sản phẩm như nhóm ẩm thực, nhóm nghệ nhân, nhóm văn nghệ, nhóm tìm hiểu văn hóa Chăm, mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm gắn với làng nghề.

Bảo tồn, phát triển nghệ thuật Gốm Chăm (Bài 2) ảnh 2Sản phẩm gốm truyền thống Chăm Bàu Trúc (Ninh Thuận). Ảnh: Công Thử - TTXVN

Với tỉnh Bình Thuận - địa phương đăng cai Năm Du lịch Quốc gia 2023, tỉnh đặc biệt coi trọng phát huy giá trị của các di sản văn hóa để vừa góp phần bảo tồn, vừa tạo sự đa dạng cho sản phẩm du lịch. Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn Khoa: Xu thế khám phá, trải nghiệm làng nghề đang trở thành hoạt động du lịch hấp dẫn, mang lại hiệu quả kép, phát huy giá trị văn hóa vừa mang lại lợi ích kinh tế - xã hội. Các doanh nghiệp lữ hành đưa du khách đến trải nghiệm làng nghề, cơ sở lưu trú chọn điểm nhấn trong kiến trúc, sản phẩm ẩm thực, lưu niệm thể hiện rõ bản sắc văn hóa của 35 dân tộc đang sinh sống trên địa bàn, trong đó có cộng đồng người Chăm, tạo ấn tượng với du khách.

Đến thăm làng gốm Bàu Trúc, du khách Đinh Văn Trường (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết: Từng đến làng gốm Bát Tràng, Chu Đậu ở miền Bắc, anh rất ngạc nhiên khi thấy cách làm sản phẩm gốm của người phụ nữ Chăm không hề dùng bàn xoay, chỉ với đôi tay tài hoa và những bước chân di chuyển mà tạo nên các hình khối sản phẩm rất đẹp. Đặc biệt, làng gốm có nhiều sản phẩm gắn với tín ngưỡng, tâm linh của người Chăm như chiếc khương gạo làm bằng gốm, đáy tròn, miệng rộng, tượng trưng cho đầy đủ, no ấm hay bình đựng nước có hoa văn trang trí là những đường sóng nước, vừa là vật dụng trong đời sống, vừa để đựng nước trong thực hành nghi lễ, rất độc đáo, thôi thúc du khách khám phá, tìm hiểu.

Thử Trà Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm