Anh Quang làm các bước cuối cùng để hoàn thiện một bản giấy dó. Ảnh: Long Vũ |
Vượt hơn 200 cây số từ Thủ đô Hà Nội, chúng tôi đến thôn Khe Nghè, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang để tìm hiểu và trải nghiệm với nghề làm giấy dó. Người Cao Lan ở xã Lục Sơn chiếm khoảng 60% dân số của xã, họ sống xen kẽ với các dân tộc Kinh, Hoa, Sán Dìu, Dao ở vùng đất dưới chân núi Yên Tử. Theo nhiều bậc cao niên trong thôn Khe Nghè, nghề giấy dó có từ lúc người Cao Lan bắt đầu đến vùng đất này sinh sống. Nghề làm giấy dó ngày trước rất thịnh hành. Nhiều khách từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội cũng tìm đến đây để mua cho kỳ được giấy dó. Cũng bởi giấy dó ở đây có nhiều và đặc biệt là chất lượng rất tốt nên thu hút được nhiều khách hàng.
Theo anh Dương Văn Quang - người có truyền thống gia đình 4 đời làm giấy dó ở thôn Khe Nghè: “Trước đây, ở trong làng có rất nhiều gia đình làm giấy dó, nhưng hiện nay, chỉ có vài hộ. Bởi nguyên liệu khan hiếm, việc làm giấy dó rất kỳ công, thu nhập không cao. Giấy dó ngoài việc dùng để viết chữ Nho, chữ Hán, chữ Nôm Dao thì còn được dùng vẽ tranh thờ cúng, để làm tiền vàng (của người Cao Lan), bởi giấy dó rất dai và thấm mực”. Nguyên liệu chính để làm giấy dó được lấy từ những cây mọc trong tự nhiên. Người Cao Lan phải vào tận những cánh rừng sâu để tìm vỏ cây dưỡng (tiếng địa phương gọi là cây hau pau), mọc tự nhiên trên những ngọn núi cao hay trên những ngọn đồi. Vỏ cây dưỡng dễ bóc vỏ, nhất là khoảng tháng 3 và tháng 7.
Anh Quang cho biết thêm: Để có được nguyên liệu trong tình trạng khan hiếm như hiện nay, thì việc đầu tiên của anh là kiếm thật nhiều vỏ cây dưỡng để dự trữ làm giấy dó. Sau khi đã có vỏ cây dưỡng, thì công đoạn tiếp theo là tước bỏ phần đen bên ngoài của vỏ cây này, đây là công đoạn mất nhiều công nhất, đòi hỏi sự tỉ mỉ, cần mẫn, bởi tước phần vỏ đen càng sạch thì sản phẩm làm ra sẽ càng trắng và đạt chất lượng tốt. Phần vỏ được tước xong đem ngâm với nước vôi trong hoặc tro bếp khoảng 12 giờ. Sau khi ngâm xong, mang rửa qua nước sạch một lần nữa, sau đó đun lên khoảng 3 giờ rồi rửa sạch, ngâm nước khoảng 2 ngày và lại đem rửa rồi đập cho thật nát phần vỏ. Công đoạn cuối cùng là đem phần vỏ được đập nát xuống bể khuấy đều sẽ được một loại nước màu vàng nhạt, đặc sánh.
Trong quá trình khuấy trộn cùng một chút cây hồ, hay cây dây trơn (tiếng địa phương gọi là cây mòi vợt pạ) được lấy trên rừng nhằm làm cho giấy khi vào khuôn không bị dính. Sau đó, đem đổ hỗn hợp vừa làm xong vào một cái khuôn làm bằng vải, có nhiều kích cỡ khác nhau (thường là 60x120cm), để tạo độ dày đều cho giấy dó, rồi đưa đi phơi, nếu trời nắng ít thì phải 2 ngày mới bóc ra được tấm giấy dó đầu tiên. Sản phẩm cuối cùng, giấy dó có màu trắng, giấy dày đều, phẳng và dai. Giấy dó là nguyên liệu làm từ tự nhiên nên có độ bền cao và nó rất phù hợp với các nghi lễ truyền thống của dân tộc Cao Lan. Các công đoạn làm ra tờ giấy dó kỳ công là vậy, nhưng giá bán của một tờ giấy dó chỉ có khoảng 30 đến 55 nghìn đồng, tùy theo kích cỡ của giấy.
Theo anh Quang, việc ít hộ làm giấy dó ở trong thôn một phần do nguyên liệu khan hiếm, phần khác là do thu nhập từ giấy dó rất ít. Một số người dân còn “giữ nghề” vì đó là truyền thống và làm giấy dó để dùng trong gia đình, dòng họ. Nghề làm giấy dó chưa phát triển được nhiều như những nghề truyền thống khác, nhưng nó đã lặng lẽ tồn tại như một minh chứng cho bàn tay tài hoa và những giá trị văn hóa lâu đời của đồng bào dân tộc Cao Lan nơi đây. Giấy dó đã đi vào đời sống tâm linh và nó như một sợi dây “gắn kết” giữa người còn sống với người đã khuất và như nhắc nhở mọi người luôn nhớ về tổ tiên, nguồn cội. Bởi thế, loại giấy này rất phổ biến và được ưa thích trong cộng đồng người Cao Lan. Mỗi gia đình người Cao Lan có một góc thờ, chỉ dán tờ giấy lên vách phía sau đối diện với cửa chính để đánh dấu. Cũng giống như người Kinh đốt vàng mã trong ngày lễ, người Cao Lan cũng đốt giấy dó theo quan niệm tâm linh. Đối với đồng bào nơi đây, bà con làm giấy dó không hẳn vì lợi nhuận mà vì muốn giữ nghề của tổ tiên họ để lại cho muôn đời sau.
Theo bienphong.com.vn