Chiếc rìu là công cụ để tạc tượng gỗ của đàn ông M'nông |
Nguyên liệu để làm rìu của đồng bào M'nông đều có sẵn trong tự nhiên và rất dễ tìm. Ðể hoàn thành một chiếc rìu thì người thợ phải làm qua 3 bước cơ bản: Rèn lưỡi rìu, làm cán và ốp lót tay. Lưỡi rìu của người M’nông thường được rèn bằng sắt, rộng khoảng 7cm, dài từ 20-25cm; lưỡi hình chữ nhật, mặt chính rất sắc, tỏa nhẹ ra 2 mũi. Phần đuôi lưỡi rìu được rèn hằn sâu một bên, một bên hở để dễ lắp cũng như dễ dàng lấy ra thanh gỗ ốp lót tay nếu không may bị gãy.
Cán rìu được làm từ gốc tre. Tùy thuộc vào chức năng và thói quen mỗi người, cán rìu có độ dài ngắn khác nhau nhưng trung bình có độ dài từ 70cm trở lên. Ðể có một cán rìu chắc, đẹp đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ tìm chọn những gốc tre già, lõi nhỏ và quan trọng là cán phải nặng, phần đầu cán to, hơi cong.
Khi đã chọn được gốc tre ưng ý, người ta chặt gốc tre mang về, sau đó hơ nóng qua lửa nắn chỉnh độ thẳng tay cầm của cán rồi bỏ lên gác bếp lửa khoảng 1 năm sau thì mới sử dụng. Mục đích của việc làm này là nhằm tạo cho cán rìu được nhuộm màu đen bóng của khói, được nhận hơi nóng của lửa để có độ bền lâu trong quá trình sử dụng.
Ốp lót tay rìu thường được làm từ gỗ căm xe hay lim, dài từ 50 – 70cm, rộng khoảng 8cm. Ốp lót tay là điểm quan trọng để giữ độ thăng bằng, chính xác, tạo lực tiếp xúc tốt khi bổ củi, chặt đẽo cây…
Sau khi đã đủ sẵn nguyên liệu thì ráp các bộ phận lại với nhau. Phần đầu cán được đục một lỗ nhỏ ở giữa để đút vừa ốp lót tay. Còn đối với rìu dùng trong các nghi lễ thường đòi hỏi kỹ thuật rèn tinh xảo với dáng hình độc đáo, chạm khắc hoa văn chìm trên cán.
Người M'nông ở bon Ðắk R'moan, xã Ðắk Nia, thị xã Gia Nghĩa(Đắk Nông) coi chiếc rìu là vật dụng không thể thiếu trong đời sống hàng ngày |
Ngày xưa, mỗi gia đình người M’nông thường có từ 2–3 chiếc rìu, các loại to nhỏ khác nhau để dùng phù hợp cho các thành viên trong gia đình sử dụng. Ðối với người phụ nữ thì rìu không chỉ là vật dụng sinh hoạt hàng ngày, mà nó còn thể hiện sự khéo léo, đảm đang qua những bó củi được mang về nhà của thiếu nữ đến tuổi gả chồng, hay tâm tư, tình cảm của người vợ để vun vén tổ ấm gia đình.
Ngược lại, với nam giới, rìu là một vật dụng để họ thể hiện vai trò, trách nhiệm của người đàn ông trụ cột trong gia đình. Ðó là việc lên rừng hạ cây, tạc tượng gỗ truyền thống, đẽo cột làm nhà… và một số công việc nặng nhọc khác của gia đình cũng như của bon làng.
Theo nghệ nhân Ðiểu M'rưng ở bon Ðắk R'moan, xã Ðắk R'moan (Gia Nghĩa), đối với người M’nông thì rìu không chỉ là công cụ lao động thuần túy mà còn là lễ vật không thể thiếu trong các nghi lễ mang đậm dấu ấn tâm linh của cộng đồng và trong các nghi lễ, lễ hội của bon làng. Chiếc rìu dùng trong các nghi lễ cũng được coi là một vật linh thiêng. Tại nghi lễ hiến sinh, thầy cúng thường lấy huyết của con vật bôi vào các vật dụng sản xuất, trong đó có chiếc rìu để khấn mời các thần linh về dự lễ hội cùng với bon làng, ban cho bon làng mùa vàng bội thu, gia đình no ấm.
Ngày nay, tập quán sinh hoạt, lao động của bà con đã có nhiều thay đổi, máy móc hiện đại dần thay thế nhiều công cụ lao động. Tuy nhiên, tại các bon làng, đồng bào dân tộc M'nông vẫn giữ thói quen sử dụng rìu trong lao động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày.
Theo baodaknong.org.vn