Đàn bà Hà Nhì phải ở nhà giữ lửa

Đàn bà Hà Nhì phải ở nhà giữ lửa
Trong nhà, người Hà Nhì đặt hai bếp: một bếp dành cho khách đến chơi nhà, và một bếp dành cho gia chủ. Một bếp kiềng và một bếp lò. Bếp kiềng thường được tạo thành từ 3 hòn đá cuội chôn xuống phần nền đất nện trong một khung gỗ hình vuông, đặt sát bàn thờ tổ tiên, phía vách phải của gian giữa, gần chỗ ngủ của nam giới. Bếp lò có hình vuông, thường được đắp bằng đất sét trước khi vào nhà mới.
 
Do người Hà Nhì hay ở nơi khí hậu quanh năm sương mù giá lạnh, ẩm ướt, nên lửa ở gian bếp vừa giữ ấm áp vừa giúp cây cột, tường nhà thêm chắc bền.

Bà Chu Thùy Liên, Phó Ban dân tộc tỉnh Điện Biên, lý giải: Mỗi gia đình có 2 cái bếp, một bếp để tiếp khách và một bếp để gia đình thực hiện tất cả các nghi lễ vòng đời của các thành viên trong gia đình. Bếp khách không làm gì nhiều, thường đặt ở gian ngoài để gia đình đón khách, đun nước tiếp khách. Quan trọng hơn là bếp chủ, thường người phụ nữ trông coi.
 
Hầu hết các sinh hoạt của người Hà Nhì đều diễn ra quanh bếp lửa. Bếp vừa là nơi tiếp khách, vừa là nơi nấu nướng, cũng là không gian thờ thần bếp, thần thổ địa. Không ai được bước qua hay gõ cây que lên đầu thần bếp. Khi ngồi cạnh bếp lửa sưởi, không được đặt chân lên hay làm dịch chuyển viên đá thiêng dựng ở góc bếp. Khách phải được chủ nhà cho phép mới được vào bếp.
 
Vào ngày cuối cùng của năm cũ và ngày đầu tiên của năm mới, thần bếp được chủ nhà mời một chiếc bánh dày và một chén rượu, một chén nước, để cảm ơn thần đã giữ cho ngọn lửa cháy bền bỉ quanh năm. Người mẹ trong gia đình chịu trách nhiệm tắm rửa, dâng lễ cho thần bếp.

Đối với người Hà Nhì, không gian bếp là một nơi thiêng liêng. Ảnh: baomoi.com
Đối với người Hà Nhì, không gian bếp là một nơi thiêng liêng. Ảnh: baomoi.com
  
Theo Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam: "Bếp của người Hà Nhì rất quan trọng và hòn đá là biểu tượng của thần bếp, nhưng lại mang tính nữ, bởi vì ngày xưa chỉ có phụ nữ mới được chăm sóc hòn đá thần này. Cứ đến ngày đầu năm mới, cuối năm, bao giờ người phụ nữ trong nhà cũng cho vị thần đá này uống ít rượu, ít trà và ăn bánh. Và trong nghi lễ đó, nếu gia đình nào không có bà vợ, thì người con gái đi lấy chồng xa phải về làm việc đó”.
 
Toàn bộ việc chăm sóc bếp lửa là của các bà mẹ và hầu như chỉ phụ nữ trong nhà mới vào bếp. Bếp không chỉ là nơi nấu thức ăn, mà còn thể hiện đức hạnh của người phụ nữ. Mỗi sáng, việc đầu tiên của phụ nữ Hà Nhì là nhóm lửa đun nước. Không gian bếp cũng là nơi những người phụ nữ trong nhà trò chuyện, chia sẻ vui buồn.
 
Khách đến nhà quanh năm suốt tháng đều bắt gặp hình ảnh người phụ nữ bên bếp lò xây trên nền đất, trên bếp đặt một chiếc chảo to. Người Hà Nhì thường nấu cơm và các loại thức ăn trên cùng chiếc chảo ấy. Và đặc biệt, vì không gian bếp linh thiêng nên người phụ nữ Hà Nhì không được ngồi xổm để nấu nướng, mà phải đứng suốt quá trình làm bữa.
 
Bà Chu Thùy Liên phân tích: Người Hà Nhì có câu ca dao Em hãy giữ lửa trong bếp không bao giờ nguội, để đón người đi xa trở về. Đàn ông giữ rừng, đàn bà giữ lửa. Chính vì thế người phụ nữ không đến nhà người khác trong ngày mùng 1 tết, vì họ phải đảm đương rất nhiều phần việc trong gian bếp. Tiếp khách là đàn ông, chế biến các món ăn là đàn bà.
 
Trong những ngày đầu năm mới, ngày lễ tết, việc thắp lửa cũng thể hiện sự biết ơn vị thần bếp, sự tri ân đối với tổ tiên. Người Hà Nhì còn có tục vào tối 30 Tết, cả nhà ngồi quây quần bên bếp lửa nghe người già kể về nguồn gốc con người và tổ tiên, về truyền thống dòng họ. Đây cũng là dịp để truyền dạy cho con cháu tưởng nhớ tới tổ tiên và nhớ đến những người trong dòng họ.

Người Hà Nhì có tục đốt lửa quanh năm. Vào mùa hội không thể thiếu đống lửa to thắp sáng màn đêm lạnh, tô điểm những bước xòe. Hình ảnh lửa cũng xuất hiện nhiều trong văn học dân gian Hà Nhì.
Theo vov4.vov.vn

Có thể bạn quan tâm