Lễ rửa làng bắt nguồn từ một sự tích là một năm bao giờ cũng có cái may và cái rủi. Dù thu hoạch mùa màng vụ vừa rồi thắng lợi nhưng người ta vẫn nghĩ tới rủi ro. Thế là họ phải rửa làng cho sạch sẽ, khang trang.
Lễ rửa làng của dân tộc Lô Lô 3 năm tổ chức một lần thường là vào ngày 15/5 và 05/6 âm lịch, người dân trong vùng tập trung lại, họp bàn trong dòng họ dân tộc Lô Lô để bàn bạc chuẩn bị chọn ngày đẹp, mua đồ lễ, mời thầy cúng làm lễ. Theo phong tục, người Lô Lô cúng xong 9 ngày sau không cho người lạ vào trong làng với ý nghĩa người lạ vào làng là phần cúng đó không thành công, tà ma lại quay về. Và phạt người lạ đó mua lễ vật và bắt đầu cúng lại lần nữa.
Đồng bào Lô Lô tái hiện lễ rửa làng tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. |
Để cho lễ rửa làng thành công, không thể thiếu lễ xin các thầy cúng tiền bối. Thủ tục xin khá đơn giản, bao gồm: một chén nước, hương khói và giấy trúc (loại giấy chuyên dùng cho lễ cúng tế của người Lô Lô nhìn gần giống như giấy bản), một con gà trống. Trước hết, thầy cúng thắp hương tại bàn thờ gia tiên, sau đó đặt giấy trúc, chén nước xuống một góc nhà để khấn xin. Sau đó thầy cúng bọc tờ giấy trúc lên chén nước, nếu nước trong chén không bị thấm hoặc đổ ra ngoài thì lễ xin phép mới linh nghiệm và lễ rửa làng mới thành công. Cuối cùng, thầy cúng đốt tờ giấy trúc hoàn tất thủ tục cho lễ cúng. Tất cả những nghi lễ trên đều được tiến hành vào buổi tối ngày hôm trước tại nhà thầy cúng.
Đoàn cúng, ngoài thầy mo chính, còn có một thầy mo phụ và vài người đàn ông trong bản. Tiếng trống đồng hòa với tiếng chiêng rộn rã. Đoàn người đi từng nhà để cúng, đuổi tà khí đang ẩn náu đâu đó nơi góc nhà, quanh đường, dưới xóm. Đồ tế lễ phải có rượu ngô, 2 con dê, 1 con gà trống trắng, cỏ danh tép thành dây dài, những thanh kiếm gỗ phu xi cho dê cõng, 1 thanh kiếm sắt, 3 cành lau, 3 cành đào nhỏ, 3 cành mận nhỏ, 1 miếng vải đỏ buộc vào nhau, hạt ngô,1 đôi sừng trâu, lấy 1 cây tre to dài tầm 3 m, đục ở bên trên miệng tre ở đoạn giữa của cây tre lấy đất đổ đầy lên miệng của cây tre rồi cắm hình nhân bằng giấy xanh, đỏ, tím, vàng, cắm hương theo từng hàng dọc ở giữa cây tre, cây tre làm giả hình con ngựa. Đồng bào Lô Lô quan niệm rằng phải là mùi của hai dê mới đủ mạnh để đuổi tà khí.
Mong bản làng ấm no, hạnh phúc
Các trai bản chuẩn bị đồ lễ dâng cúng và 4 người phụ thầy, trong 4 người phụ thầy 2 người có trách nhiệm vắt cây tre giả con ngựa cắm hình nhân lên vai, 2 người còn lại trong đó: mỗi người dắt 1 con dê và cầm con gà trống trắng và các cành đào, mận, cành lau, vải đỏ theo sau thầy cúng và vừa đi vừa xua đuổi tà ma, người còn lại quấy hạt ngô theo sau đi vào từng gian nhà của gia chủ rồi ra cửa chính, kết thúc nhà thứ nhất.
Thầy cúng chuẩn bị đồ lễ cho buổi lễ rửa làng. |
Hình nhân xanh, đỏ, tím, vàng tượng trưng cho hồn ma, hình nhân phải giơ tay lên vì người Lô Lô quan niệm như vậy là hồn ma đang van xin, mỗi hình nhân tượng trưng với một sinh mệnh. Ban đầu phải cắt 90 hình nhân đủ các màu xanh, đỏ, tím, vàng..., đến nhà nào thì gia chủ phải chuẩn bị hình nhân xếp trên bàn hoặc ghế chờ sẵn thầy trước cửa chính và 2 bó củi, 2 bó cỏ với ý nghĩa rằng bồi dưỡng công gánh xua đuổi tà ma ấy đi cho gia chủ. Cuối cùng, thầy cúng đốt tờ giấy trúc hoàn tất thủ tục cho lễ cúng. Tất cả những thủ tục trên đã được làm lễ cúng vào buổi tối ngày hôm trước tại nhà thầy cúng.
Hò hét, xua đuổi tà khí xong, thầy cúng lấy hai mảnh gỗ có hình dáng như hai chiếc sừng bò ra tung để xem quẻ. Hai mảnh gỗ biểu hiện cho âm – dương được thả xuống đất, xem ma đi hay chưa. Nếu quẻ báo chưa đi thì thầy lại dậm chân đuổi tiếp bằng cách phun nước, phun rượu. Dấu hiệu ma chưa đi là hai cái sừng bò úp sấp, hoặc cả hai đều ngửa. Còn nếu ma đi rồi thì một sấp, một ngửa, tức là cái lành ở lại, còn cái dữ mang đi.
Hai con dê, sau khi hoàn thành nhiệm vụ đi khắp bản, vào từng nhà giúp thầy cúng đẩy đuổi tà ma, thì được đoàn người dẫn ra khu đất rộng giữa làng. Và khi đó, hai con vật có công lại phải trải qua một cuộc đau đớn để mang lại bình an cho dân làng. Đánh cho nó bằng kêu, kêu tới thấu trời thì trời mới biết rằng làng đã làm lễ này. Con dê đó đã làm tròn nhiệm vụ, đẩy đuổi hết tà ma. Chuyện không lành ở làng này đã làm xong. Cái lễ này nó làm khang trang, sạch sẽ làng. Sạch sẽ từ tâm hồn cho tới cảnh quan. Người ta nghĩ rằng làm lễ đó rồi thì mưa thuận gió hòa, năm đó được mùa, yên tâm làm ăn. Mọi người phải ăn hết thịt, uống hết rượu mới được về, không ai được mang thịt, rượu về nhà. Nếu mang về thì tà ma sẽ theo mình về và lần cúng đó không thành công. Quan niệm người Lô Lô ăn thịt, uống rượu phải hết tại đó thì làng bản mới ấm no, bình an, hạnh phúc - ông Lò Sì Páo (Thầy cúng - Trưởng thôn Sảng Pả A) cho biết.
Tên tự gọi: Lô Lô.
Tên gọi khác: Mùn Di, Di, Màn Di, La La, Qua La, Ô Man, Lu Lộc Màn.
Nhóm địa phương: Lô Lô hoa và Lô Lô đen.
Dân số: 4.541 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).
Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng-Miến (ngữ hệ Hán-Tạng), gần với Miến hơn.
Lịch sử: Họ là cư dân có mặt rất sớm ở vùng cực bắc của Hà Giang.
Hoạt động sản xuất: Người Lô Lô chủ yếu làm ruộng nước và nương định canh với các cây trồng chính như lúa nếp, lúa tẻ và ngô. Chăn nuôi gia đình tương đối phát triển và là một nguồn lợi đáng kể.
Ăn: Người Lô Lô chủ yếu ăn ngô bằng cách xay thành bột đồ chín. Bữa ăn phải có canh. Họ thường dùng bát và thìa bằng gỗ.
Mặc: Phụ nữ có nhóm mặc áo cổ tròn, xẻ ngực, có nhóm mặc áo cổ vuông chui đầu, quần chân què, có nơi bên ngoài còn quấn xà cạp. Trang trí trên y phục bằng hoa văn chắp ghép những mảng vải màu to. Họ có sử dụng hoa văn in bằng sáp ong.
Ở: Tuỳ từng nơi họ sống trong ba loại nhà: nhà trệt, nhà sàn hoặc nhà nửa sàn nửa đất ở các huyện Ðồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang), Bảo Lạc (Cao Bằng), Mường Khương (Lào Cai).
Phương tiện vận chuyển: Người Lô Lô quen dùng gùi đan bằng mây, giang, có hai quai để chuyên chở; địu trẻ em trên lưng khi đi xa hoặc lúc làm việc.
Quan hệ xã hội: Người Lô Lô sống tập trung trong các bản tương đối ổn định. Tính cộng đồng tộc người thể hiện rõ nét.
Có hơn 30 dòng họ khác nhau. Mỗi dòng họ thường quần tụ trong phạm vi một làng bản, thờ cúng chung một ông tổ và có một khu nghĩa địa riêng nằm trong nghĩa địa chung của công xã. Người Lô Lô thích các quan hệ hôn nhân nội tộc người và thực hiện nguyên tắc ngoại hôn giữa các dòng họ.
Cưới xin: Phong tục cưới xin của người Lô Lô mang nặng tính gả bán với việc thách cưới cao (bạc trắng, rượu, thịt...). Sau hôn nhân, cô dâu cư trú bên chồng. Con trai cô có thể lấy con gái cậu song không được ngược lại.
Sinh đẻ: Phụ nữ khi mang thai phải kiêng kỵ nhiều trong chế độ ăn uống và sản xuất. Sản phụ đẻ ở nhà với sự giúp đỡ của bà mụ trong bản. Sau 12 ngày làm lễ đặt tên cho con và có thể đổi tên nếu đứa trẻ hay khóc hoặc chậm lớn.
Ma chay: Tang ma có nhiều lễ thức độc đáo như hoá trang, nhảy múa, đánh lộn... Dấu vết của tục săn đầu còn thể hiện khá rõ ở hiện tượng một người luôn đeo chiếc túi vải có đựng khúc gỗ hay quả bầu có vẽ mặt người trong tang lễ.
Thờ cúng: Người Lô Lô thờ cúng tổ tiên, bố mẹ và những người thân đã mất. Trên bàn thờ có những bài vị hình nhân bằng gỗ, vẽ mặt bằng than đen. Linh hồn giữ vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh.
Lễ tết: Tết Nguyên đán như người Hán và người Việt. Ngoài ra còn có tục ăn Cơm mới, tết Ðoan ngọ, Rằm tháng Bảy...
Lịch: Họ sử dụng lịch truyền miệng chia năm thành 11 tháng, mỗi tháng tương ứng với một con vật.
Học: Khoảng thế kỷ thứ 14 người Lô Lô đã có chữ tượng hình với 140 bộ thủ. Người ta dùng phương pháp ghép bộ thủ để diễn đạt nghĩa. Chữ được ghi trên các tấm gỗ mỏng, trên da thú hoặc loại giấy dày, thô. Tới nay chỉ có một số gia đình còn giữ lại được một vài mảnh có ghi lại loại chữ đó mà ít ai đọc được.
Văn nghệ: Là một trong số ít các dân tộc ở nước ta hiện nay còn sử dụng trống đồng trong sinh hoạt. Trống đồng là một nhạc cụ truyền thống của người Lô Lô gắn liền với huyền thoại về nạn hồng thuỷ. Truyện kể rằng: xưa có nạn lụt lớn, nước dâng cao đến tận trời. Có hai chị em nhờ trời cứu để chị vào trống đồng to, em vào trống đồng nhỏ. Hai chị em thoát chết nhờ trống nổi lên mặt nước. Hết lụt họ ở trên núi, sống với nhau thành vợ, thành chồng. Họ là thuỷ tổ của loài người tái sinh.
Trống đồng với tư cách là nhạc khí chỉ được dùng trong đám tang, giữ nhịp cho các điệu múa dân gian của cộng đồng. Quan niệm về âm dương, sự sinh sôi nảy nở có lẽ còn được bảo tồn rõ ràng với lối hoà tấu hai trống đực và cái cùng một lúc. Trống treo trên giá đặt ở phía chân người chết; mặt của hai trống quay lại với nhau. Người đánh trống đứng ở giữa, cầm dùi đánh bằng hai đầu, cứ một đầu dùi đánh một trống. Chỉ những người đàn ông chưa vợ hoặc có vợ không ở trong thời kỳ thai nghén mới được đánh trống.
Trống đồng không những là một tài sản quý, một nhạc cụ độc đáo mà còn là một khí cụ mang tính chất tôn giáo. Có tiếng trống đồng thì hồn người chết mới tìm được đường về nơi sinh tụ đầu tiên của tổ tiên. Chỉ có trong đám ma mới đánh trống đồng. Ngày thường, người ra chôn trống dưới đất ở nơi sạch sẽ, kín đáo.
Theo cema.gov.vn