Trong thời gian nghỉ hè các học viên được học chữ Khmer, lịch sử đức Phật, tụng kinh phật, học đạo đức, kỹ năng sống,… Để khuyến khích các em học tập tốt, nhà chùa Seryvonsa hỗ trợ toàn bộ chi phí như vở, bút, ăn ở và có phần thưởng cho học sinh sau khi kết thúc khoá học. Qua đó thể hiện sự cần thiết của việc học đối với thế hệ trẻ, góp phần giúp các em giữ gìn tiếng nói, chữ viết, văn hóa truyền thống dân tộc Khmer. Đây cũng chính là điều mà các vị sư trong chùa luôn hướng tới trong thời gian qua.
|
Quang cảnh lớp học khoá tu xuất gia gieo duyên và báo hiếu cha mẹ |
Đại đức Danh Dara, trụ trì chùa Seryvonsa (phường Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài, BÌnh Phước) chia sẻ: “Vấn đề giáo dục con người là rất cần thiết trong phật giáo, phù hợp với sự phát triển của xã hội. Mục đích chính của nhà chùa là giáo dục con người, giáo dục để biết được cái tốt, cái xấu, cái nào nên làm, những gì có ích, những gì có hại. Ở góc độ những người đứng ra tổ chức thì luôn mong muốn các em đến học để có thêm kiến thức, các em đến chùa được mọi người trong cộng đồng hướng dẫn cho các em trở thành con người hoàn thiện hơn”.
|
Một số tăng sinh thuộc các dân tộc khác như S’tiêng, Kinh |
|
Thầy giáo Danh Cộm tận tình chỉ từng con chữ cho các học viên |
Đây là năm đầu tiên chùa Seryvonsa tổ chức khoá học, nhưng đã có 107 học viên tham gia với độ tuổi từ 9 đến 18 tuổi. Điều đặc biệt tại khoá học này, các học viên đến từ nhiều địa phương thuộc các thành phần dân tộc khác nhau như: Khmer, Kinh, S’tiêng... Trong thời gian học, ngày nào cũng vậy, xen lẫn với không gian thanh tịnh của chùa là những âm thanh vang lên bởi phát âm, đánh vần của các học viên lớp học chữ Khmer. Mỗi học viên có hoàn cảnh, nơi ở khác nhau, nhưng tất cả đều có chung ước muốn là biết chữ và am hiểu lịch sử đức Phật, văn hoá dân tộc Khmer làm hành trang cho cuộc sống. Tăng sinh Danh Hào, học viên khóa tu chùa Seryvonsa cho biết: “Ba mẹ đi làm xa nên con không có điều kiện đi học. Ở đây thầy và các sư dạy con tụng kinh, học chữ, đạo đức làm người. Ở đây rất vui vì có nhiều bạn bè vui chơi”.
|
Các học viên tập đọc chữ Khmer |
Để tổ chức được các lớp học, các sư trong chùa đã phải vận động giáo viên có nhiều kinh nghiệm đến từ các tỉnh như: Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh,… Dù lớp học chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng chất lượng học tập của các em luôn được đội ngũ giáo viên đứng lớp và nhà chùa chú trọng. Chương trình giảng dạy thường xuyên được đổi mới, gắn với nhiều hoạt động khác để tạo không gian, sự hứng thú để giúp các em tiếp thu và ghi nhớ tốt nhất. Thầy Danh Nên, giáo viên khoá tu xuất gia khoá I chùa Seryvonsa chia sẻ: “Hầu hết các em vào sinh hoạt ở đây là người Khmer nhưng ngôn ngữ không đồng nhất nên chữ nghĩa tiếng Khmer gần như là mai một. Dù rằng các em không rành, nhưng chúng tôi cố gắng truyền đạt bằng hai thứ tiếng sao cho dễ hiểu, từ đó nội dung bài giảng được các em tiếp thu nhanh hơn”.
|
Quang cảnh học sinh trong giờ luyện viết chữ |
|
Thầy Danh Cộm đọc chữ cho các học viên |
Cùng với học chữ, học văn hoá Khmer, học kỹ năng sống, học tụng kinh phật, nhà chùa còn chú trọng sau khi kết thúc khoá học các học viên nắm cơ bản tụng kinh, đọc, viết ngôn ngữ Khmer,... Ngoài việc học tập, Ban tập hợp thanh thiếu niên - trường học Tỉnh đoàn Bình Phước đã tổ chức chương trình giáo dục kỹ năng sống, phòng, chống xâm hại thanh thiếu nhi, quấy rối tình dục trẻ em,… qua đó góp phần giáo dục cho các em thanh thiếu niên hiểu thêm về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước.
|
Các học viên nam chăm chú trong giờ tập viết chữ Khmer |
|
Các học viên nữ luyện viết chữ Khmer |
|
80% tăng sinh, học viên là con em đồng bào dân tộc Khmer |
Bằng những kỹ năng và kiến thức của mình, các anh chị đến từ Tỉnh đoàn đã khéo léo lồng ghép nội dung truyên truyền thông qua các trò chơi vừa giúp cho các em có thêm niềm vui, vừa truyền đạt cho các em một số kiến thức khác.
|
Một góc của chùa Khmer duy nhất tại thị xã Đồng Xoài |
Bà Thạch Thị Thuỳ Dương, cán bộ Ban thanh thiếu nhi - trường học Tỉnh đoàn Bình Phước cho biết: “Việc cung cấp những kiến thức và kỹ năng sống cho các em là điều hết sức quan trọng. Đến đây, chúng tôi trực tiếp trao đổi với các em về những vùng nhạy cảm trên cơ thể người nam và nữ, giúp các em phân biệt được những dụng chạm an toàn và không an toàn. Tiếp theo là đưa ra những tình huống cụ thể để từ đó các em có cách ứng xử phù hợp”.
Bài và ảnh: K'GỬIH
TTXVN/Báo ảnh Dân tộc và Miền núi