Trong kho tàng âm nhạc truyền thống của người Khmer Nam Bộ, Chầm Riêng Chà Pây là một loại hình nghệ thuật dân gian có lịch sử hàng trăm năm nay, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2013.
Chầm Riêng nghĩa là hát, Chà Pây nghĩa là cây đàn. Khi diễn tấu, nghệ nhân đàn từng đoạn nhạc, sau đó sẽ hát. Đó có thể là những tác phẩm đã soạn sẵn, cũng có thể là ngẫu hứng sáng tác trong một không gian nhất định, tạo thành những câu từ mộc mạc chứa đựng giá trị triết lý giáo dục sâu sắc. Các bài cơ bản trong nghệ thuật đờn hát Chầm Riêng Chà Pây gồm: Phách Cheay, Phách Cheay Cơch, Som Pôn, Som Pôn Cơch, No Kor Reach... Tùy theo không gian và thời gian biểu diễn nhưng vẫn tuân thủ 3 phần cơ bản: phần mở đầu với câu chào hỏi và giới thiệu bản thân, phần chính và phần hát chào tạm biệt. Chầm Riêng Chà Pây còn được trình diễn song diễn đối đáp hay hòa tấu nhạc cụ Chà Pây, tạo nên một màn biểu diễn nghệ thuật.
Chầm Riêng Chà Pây của người Khmer Nam Bộ là loại hình nghệ thuật truyền thống rất cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam.
An Hiếu – Thạch Hoài Thanh