Từ bầy gà nhà, họ chọn một con gà mái tơ có mỏ to, lườn to để cúng, không làm thịt những con có lông màu đen, da nổi nhiều nốt sần. Đến giờ cúng, cô gái cùng với mẹ đứng ở gian bếp quay mặt vào bếp lửa, bằng tiếng dân tộc mình bà đọc một bài khấn chừng vài phút rồi lấy một thanh sắt nhỏ đặt vào tay con gái. Ấy là dấu chỉ của đoan trinh, nết na đảm bảo tin cậy với bất cứ chàng trai nào ý định đến với cô gái. Lễ trinh tiết dành mức tôn trọng cao nhất đối với người chồng tương lai của con gái, kiểm chứng thêm niềm tin tuyệt đối vào thần linh của người Mã Liềng.
Sau nghi lễ trinh tiết, các cô gái người Mã Liềng hoàn toàn được tự do để con trai đến tìm hiểu hay tự bản thân đi tìm người đàn ông của đời mình. Bao giờ cũng thế, chân núi Cù Mốc sẽ là điểm hẹn yêu đương, là nơi cưu mang những chuyện tình đẹp như mơ của nam thanh nữ tú người Mã Liềng. Bởi lẽ, tổ tiên của họ xem Cù Mốc là ngọn núi có thần tình ái ngự trị, hễ là con cháu Mã Liềng muốn thành thân với nhau thì sẽ phải tới đây để được ban phước và chúc phúc cho đời sống lứa đôi mà họ đang theo đuổi. Có thể họ đã yêu nhau từ lâu rồi dắt nhau đến đây để kết ước; cũng có thế là họ đến đây để tìm ý chung nhân bằng những đêm trăng không dám ngồi cạnh nhau nhưng vẫn nghe rõ lời đối phương thủ thỉ. Vì thế quanh năm suốt tháng núi Cù Mốc đã trở thành nơi hò hẹn, tự tình, tràn ngập lời thỏ thẻ viên mãn của gái trai.
Chuyện dựng vợ gả chồng của người Mã Liềng luôn răm rắp nghe theo người mối lái, điều đặc biệt xưa nay, đàn ông tộc người này lại là người mai mối, đàn bà không được phép làm công việc này. Người con trai Mã Liềng muốn lấy vợ, trước hết phải có lễ bỏ của gồm rượu, cau trầu, áo quần cho bố mẹ cô gái. Đến giờ làm lễ, ông mối sẽ dắt chàng trai đến nhà cô gái, đến nơi ông sẽ gõ vào chân cầu thang chín tiếng để dành sự tôn trọng tuyệt đối với gia chủ có con gái đến tuổi lấy chồng. Bố mẹ cô gái ăn vận chỉnh tề ra mời ông mối bước lên nhà, chàng trai khi đó vẫn đứng dưới chân cầu thang nhà sàn. Đám cưới sẽ diễn ra hay không, tất thảy tùy thuộc vào tài thương thảo của ông mối, khi nhà gái đồng ý thì người con trai bắt đầu lo sắm đủ lễ vật, năm mươi ngàn đồng (xưa là năm đồng bạc), hai con lợn, hai con gà, một con dao phay, một con dao phát rừng, một đôi bát tô, mười bát nhỏ, một cái nồi đồng và một cái nồi gang. Mọi thứ sính lễ phải có đôi, có đũa biểu thị lòng thủy chung, son sắt, tựa lời nguyện thề làm người chồng tốt của đàn ông Mã Liềng.
Ngày cưới chỉ được xác định khi nhà nam đã chuẩn bị đủ lễ vật, hôm đó ông mối sẽ dắt chú rễ, bố mẹ và người thân mang theo lễ vật đến đặt ở gian thờ cúng của ngôi nhà sàn. Chú rễ lúc đó chưa được tham dự bất cứ nghi thức nào mà phải cùng cô dâu đứng khuất vào gian bếp. Khi đại diện nhà gái đồng ý nhận và lần lượt đặt tay lên từng lễ vật thì chú rễ sẽ được phép dắt cô dâu ra mắt bà con hai họ. Khi ấy hai bên sẽ thỏa thuận ngày lành tháng tốt để tổ chức đám cưới cho đôi trai gái, thường thì họ sẽ sử dụng những ngày chẵn của bất cứ tháng nào trong năm với ý niệm cầu mong thuận lợi, hạnh phúc trăm năm cho đôi vợ chồng.
Điều đáng nói ở đây, tộc người Mã Liềng ngày trước và cả bây giờ đời sống nghèo nàn, quanh năm chật vật với cái ăn, cái mặc. Bởi thế hiếm khi (nếu như không nói là chưa bao giờ) cùng một lúc đàn ông Mã Liềng sắm đủ lễ vật cưới vợ. Thế là làm lễ bỏ của xong, người con trai xin bố mẹ bên cô gái cho phép đến ở rễ. Đến nhà vợ, chú rễ phải đảm đương việc gia đình và được bố mẹ vợ giao tài sản, ruộng đất cho để sinh sống, canh tác. Kể từ ngày đó, người chồng phải cày sâu cuốc bẫm, tích trữ hoa lợi và cả tiền bạc hòng sắm đủ lễ vật đợi ngày rước người vợ yêu quý của mình về.
Thời gian ở rễ tùy vào giao ước của hai bên gia đình; nếu nhà vợ neo người hoặc sinh toàn con gái mà chú rễ ưng thuận thì có thể ở rễ cả đời nhưng lễ vật thì vẫn không thiếu thứ gì. Bao đời nay, tục ở rễ với đàn ông Mã Liềng là nặng nề, gây nên bao tủi hổ, tuy vậy, để cho vừa lòng tổ tiên thì tục lệ này vẫn được duy trì bất chấp có những người đàn ông Mã Liềng xuống mồ rồi vẫn chưa cưới được vợ.
Theo mientrung.vanhien.vn