Dịp Tết, phụ nữ người Thái ra sông hoặc suối - nơi có nguồn nước chảy tự nhiên để gội |
Năm mới - ai cũng vui vẻ đón Tết. Và với chị em phụ nữ người Thái ở bản Tằng Phăn, xã biên giới Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) vẫn không quên phong tục truyền thống bao đời của dân tộc mình, đó là tục gội đầu để đón năm mới.
Theo phụ nữ Thái thì hàng năm chị em cần mẫn làm nương, làm rẫy có được hạt lúa, mùa vụ bội thu, dịp Tết đến xuân về, các gia đình người Thái đều tổ chức nấu cơm, nấu nếp để cảm ơn trời đất, tổ tiên đã phù hộ cho 1 năm mưa thuận gió hòa. Sau khi vò gạo, vò nếp để nấu, phụ nữ người Thái đã dùng nước vò gạo này để gội đầu…
“Lấy gạo của gia đình làm lụng trong 1 năm. Sau khi vò gạo để nấu cơm, thì dùng nước vò gạo ủ trong vòng 5 đến 7 ngày. Đến ngày 30 Tết, chị em chúng tôi dùng ống tre, ống mét để đựng nước vò gạo, rồi ra suối để gội đầu”, chị Lương Thị Đương ở bản Tằng Phăn, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn chia sẻ..
Tục gội đầu trong năm mới có ý nghĩa xua đi những điều ko tốt đẹp trong năm vừa qua, cầu mong những điều may mắn cho năm tới |
Dịp Tết, tất cả chị em phụ nữ người Thái đều xuống dòng suối - nơi đầu nguồn của vùng biên giới Na Ngoi để gội đầu. Khác với gội đầu ngày thường, gội đầu để đón năm mới, người ta thường ra sông hoặc suối - nơi có nguồn nước chảy tự nhiên để gội…
Chị Lương Thị Son, ở bản Tằng Phăn chia sẻ: “Mục đích của việc gội đầu là để những cái gì không suôn sẻ, không may mắn trôi hết, chỉ đón lại những điều may mắn, hạnh phúc cho chị em phụ nữ chúng tôi cũng như bà con dân bản”.
Những suối tóc dài, đen nhánh, mềm mại từ từ được buông xõa dưới dòng sông, hòa vào dòng nước. Tất cả những gì không may mắn trong năm qua giờ đây đã không còn là nỗi bận lòng, nó sẽ được trôi chảy theo dòng nước, gợi lên những điều tốt đẹp cho ngày mai bước vào một năm mới thật tinh khôi.
Phụ nữ Thái gội đầu bằng nước vo gạo ủ từ 5 - 7 ngày được đựng trong ống tre |
Ngày nay, dù cuộc sống của đồng bào Thái ở Nghệ An có nhiều đổi thay, song phong tục gội đầu đón năm mới bằng nước ngâm gạo nếp ở các con khe, con suối vẫn được gìn giữ và phát huy từ đời này qua đời khác mà không hề mai một.
Theo Dân trí