Dân tộc Tày ở Hà Giang có khoảng 160.000 chiếm 25% dân số trung bình trong tỉnh, người Tày sinh sống rải rác ở các huyện và thành phố trong tỉnh nhưng tập trung đông nhất ở các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Bắc Mê,… và Vị Xuyên. Ở mỗi địa phương dân tộc Tày lại có nét văn hóa tín ngưỡng riêng của mình. Điển hình như phong tục đón Rằm tháng Bảy.
Rằm tháng Bảy của người Tày, là dịp để gia đình sum họp, con cháu thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà. Ảnh minh họa (nguồn: hagiangonline.net) |
Cứ đến trung tuần tháng Bảy âm lịch hàng năm, bà con ở các bản làng người Tày của huyện Vị Xuyên lại tạm gác mọi công việc đồng áng để chuẩn bị đón Rằm tháng Bảy. Với đồng bào Tày ở Vị Xuyên, Rằm tháng Bảy còn được gọi với cái tên là Tết “Pây tái”, có nghĩa là về nhà ngoại. Đây là dịp để gia đình sum họp, con cháu thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà. Và phong tục đó đã trở thành nét đẹp truyền thống trong mỗi gia đình, mỗi bản Tày nơi đây.
Theo đồng bào Tày ở Vị Xuyên thì Rằm tháng Bảy là cái Tết lớn thứ hai (sau Tết Nguyên đán), được đồng bào chuẩn bị và tổ chức rất chu đáo với nhiều hoạt động khác nhau. Đến những bản Tày vào dịp tháng 7 âm lịch, ngay từ ngày 12, 13 tháng Bảy, trong những nếp nhà sàn xinh xắn, không khí ngày Tết đã tràn ngập rộn ràng. Chị em phụ nữ, các bà, các mẹ tất bật chuẩn bị gói bánh chuối, bánh giậm, bánh dày; chuẩn bị những con vịt béo tròn để làm mâm cơm cúng Tổ tiên. Họ cũng không quên nấu cho gia đình mình những nồi rượu ngô, rượu thóc men lá thơm ngon để uống trong ngày Rằm tháng Bảy. Bánh chuối là món bánh không thể thiếu để dâng lên ông bà, Tổ tiên trong ngày Rằm tháng Bảy của đồng bào Tày ở Vị Xuyên. Người Tày luôn coi bánh chuối là thành phần quan trọng phải có trong nghi lễ cúng Tổ tiên Rằm tháng Bảy, vì thế, sản vật này đã có từ lâu đời và trở thành nét văn hóa ẩm thức đặc trưng của đồng bào nơi đây.
Một phong tục đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống vào Rằm tháng Bảy ở những bản Tày Vị Xuyên đó là tục “Pây tái”. Gần đến ngày Rằm, con rể dù ở bản xa đến mấy cũng phải tìm mua hay nuôi được cho mình một đôi vịt thật béo, lông mượt, một đực, một cái để Tết bố mẹ vợ. Vào ngày 14 tháng Bảy, con gái, con rể cùng mang đồ lễ đến nhà ông bà ngoại, lễ vật thường có một đôi vịt, chai rượu ngon, chục bánh chuối, bánh dày và ít gạo nếp. Khi mang vịt đến, con rể tự tay mổ vịt, luộc bày thành mâm rồi đặt lên bàn thờ để cúng Tổ tiên. Đây là nét đẹp văn hóa thể hiện lòng hiếu thuận của con cái đối với công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.
Vào trưa ngày 15 tháng Bảy (chính Rằm), sau khi mâm cơm cúng đã được bày biện tươm tất, chủ nhà khăn áo chỉnh tề, thành kính thắp hương mời ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu, cầu nguyện cho gia đình được no ấm, mạnh khỏe, bình an. Sau khi hết một tuần hương, cả gia đình cùng quây quần bên mâm cơm ấm cúng, nâng chén rượu nồng chúc nhau sức khỏe, từ nay đến cuối năm mọi việc hanh thông; cây lúa, cây ngô lên xanh tốt; con cháu học hành thành đạt, vang danh... Sau bữa cơm đoàn viên, bà con thường đến nhà người thân trong bản để thăm, chúc Tết. Các cụ cao tuổi thì vui vầy bên ấm chè và những chén rượu nồng, đám thanh niên lại tưng bừng với các trò chơi như: Đánh yến, chơi quay, đá bóng, kéo co...
Theo cinet.vn