Trường Sa - chủ quyền thiêng liêng nơi trùng khơi biển biếc

Trung tuần tháng 5/2024, tôi may mắn và vinh hạnh có chuyến hải trình đến thăm cán bộ, chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Tận mắt chứng kiến sự đổi thay của các đảo, tôi cảm nhận được ý chí kiên cường, sự hy sinh của những chiến sĩ hải quân và thấy mình yêu hơn đất nước, con người và biển đảo quê hương...

Truong Sa chu quyen thieng lieng cua To Quoc 1.jpg
Đảo Song Tử Tây nhìn từ xa như một thành phố thu nhỏ, thanh bình mọc lên giữa đại dương với màu xanh của cỏ cây hòa với màu xanh của biển. Ảnh: An Hiếu
Truong Sa chu quyen thieng lieng cua To Quoc 2.JPG
Những cành hoa kết thành hình cờ Tổ quốc mang theo tấm lòng tri ân sâu sắc, thành kính gửi đến anh linh các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại quần đảo Trường Sa. Ảnh: An Hiếu

Mang đến hơi ấm từ đất liền

Đúng 8h sáng, con tàu KN390 rời quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) đưa Đoàn công tác số 23 do Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đăng Tiến - Chính ủy vùng 3 Hải quân làm Trưởng đoàn đến với Trường Sa. Trong đoàn công tác, mỗi thành viên một cảm xúc riêng, xốn xang, khó diễn đạt bằng lời, trong đó không ít thành viên lần hai, lần ba và thậm chí lần thứ bảy ra Trường Sa.

Truong Sa chu quyen thieng lieng cua To Quoc 3.JPG
Giữa muôn trùng khơi với khí hậu khắc nghiệt nhưng vườn rau của những người lính hải quân vẫn xanh mơn mởn, góp phần cải thiện bữa ăn hằng ngày cho cán bộ, chiến sĩ ở nhà giàn DKI/12 - Tư Chính. Ảnh: An Hiếu

Sau hơn 30 giờ đồng hồ với hải trình sóng gió trên biển, tàu KN390 cập đảo Song Tử Tây. Nhìn từ xa, đảo như một thành phố thu nhỏ, thanh bình mọc lên giữa đại dương với màu xanh của cỏ cây hòa với màu xanh của biển. Lên đảo, điều mà tôi ấn tượng đầu tiên là hình ảnh chiến sĩ và người dân trồng rau xanh, nuôi gia súc, gia cầm. Đảo có rất nhiều điểm thú vị. Đó là bia chủ quyền quần đảo Trường Sa được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Cây phong ba cổ thụ trên đảo được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn làm bằng đá khối, cao 11 m, sừng sững hướng ra Biển Đông. Chùa Song Tử Tây có vị trí đẹp và là chùa lớn nhất so với các chùa còn lại trên quần đảo Trường Sa.

Truong Sa chu quyen thieng lieng cua To Quoc 4.JPG
Hằng năm, Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức nhiều đoàn công tác đi thăm các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh: An Hiếu

“Trong hải trình đến thăm cán bộ, chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa, tôi đã chứng kiến những giọt nước mắt, niềm hạnh phúc và cả sự xúc động xen lẫn niềm tự hào của các thành viên Đoàn công tác số 23 khi lần đầu đến với Trường Sa…”.

Tạm biệt Song Tử Tây, đến với đảo Sinh Tồn Đông. Toàn đảo nằm trên nền san hô cát vụn, do vậy việc trồng rau, cây xanh rất khó khăn. Đất trên đảo gần như không trồng được cây ăn quả, rau xanh mà chỉ phù hợp với các loại cây nước lợ như mù u, phong ba, phi lao, rau muống biển… Mặc dù thiếu nước ngọt, thiếu đất nhưng cán bộ chiến sĩ trên đảo vẫn đủ rau xanh cùng đàn gia súc, gia cầm. Chiến sĩ Châu Gia Kiệt, quê ở huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) tâm sự: “Chẳng bao lâu nữa em phải chia tay đồng đội để về với đất liền. Em sẽ rất nhớ đảo, nhớ biển, nhớ vườn rau, đàn gà nơi này! Em biết ơn và trân quý những tháng ngày được ra đảo làm nhiệm vụ canh giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Truong Sa chu quyen thieng lieng cua To Quoc 5.jpg
Những người lính Trường Sa luôn tích cực rèn luyện, vững tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Ảnh: An Hiếu

Đến với nhà giàn DKI/12 - Tư Chính, các đảo Len Đao, Đá Đông A, Đá Tây B, tôi thực sự ấn tượng trước vẻ đẹp thơ mộng của những đảo này. Trung úy Đỗ Trung Nghĩa, chính trị viên đảo Len Đao cho biết: “Những năm vừa qua, đảo Len Đao luôn nhận được sự quan tâm cả về vật chất và tinh thần của Đảng, Nhà nước, Quân đội, chính quyền địa phương và các bộ, ban, ngành. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo rất cảm động và ấm lòng. Đây thực sự là nguồn lực vô cùng to lớn để chúng tôi ra sức rèn luyện, học tập, thi đua lao động và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”.

Truong Sa chu quyen thieng lieng cua To Quoc 2.jpg
Chiến sĩ hải quân và cư dân trên đảo Song Tử Tây (Khánh Hòa) bên cột mốc chủ quyền. Ảnh: An Hiếu

Mang về trách nhiệm với biển đảo

Đại biểu Nguyễn Thị Phương Duyên, giảng viên Trường Đại học Thành Đông, lần thứ bảy đến với Trường Sa xúc động chia sẻ: “Mỗi lần ra Trường Sa là một cảm xúc khác biệt. Đặc biệt ở chỗ giữa trùng khơi sóng gió, các chiến sĩ hải quân vẫn ngày đêm thao luyện. Họ chẳng ngại nắng mưa, bão tố, kiên cường đối mặt với những thử thách, gian nan; sẵn sàng gác lại hạnh phúc cá nhân để ra đảo, nhà giàn làm nhiệm vụ. Bởi vậy, tôi luôn xác định mình cũng là một chiến sĩ mỗi khi ra Trường Sa”.

Truong Sa chu quyen thieng lieng cua To Quoc 6..jpg
Tại huyện đảo Trường Sa, những ngôi chùa từ lâu đã trở thành “cột mốc tinh thần”, nơi để thể hiện tín ngưỡng tôn giáo, hiện thân cho những giá trị tâm linh mà người Việt Nam hằng gìn giữ ở giữa ngàn khơi. Ảnh: An Hiếu

Lần đầu tiên đặt chân đến quần đảo Trường Sa, đại biểu Ma Thị Nghiệp, dân tộc Tày, Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Tuyên Quang chia sẻ: “Hành trình lần này em rất vinh dự được đại diện cho thế hệ trẻ. Về đất liền, em sẽ tích cực tuyên truyền về biển đảo, về Trường Sa, Hoàng Sa. Đồng thời, em cũng xin hứa sẽ có những hành động thiết thực, việc làm ý nghĩa, góp phần chung tay gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Truong Sa chu quyen thieng lieng cua To Quoc 7.JPG
Quần đảo Trường Sa là ngôi nhà lớn không chỉ với các bộ, chiến sĩ, nhân dân sinh sống tại đây mà còn là điểm tựa vững chắc cho các ngư dân trên biển. Ảnh: An Hiếu

“Hoạt động đưa người dân từ đất liền và kiều bào ở nước ngoài ra thăm, động viên quân và dân trên quần đảo Trường Sa sẽ được duy trì đều đặn. Đưa đất liền ra với biên cương của Tổ quốc giúp các đại biểu được tận mắt chứng kiến cảnh sinh hoạt, học tập, công tác của quân và dân trên các điểm đảo, thấy được sự khó khăn vất vả, sự kiên trung, đoàn kết của các lực lượng trên đảo và thấy được ý chí sắt đá của người dân, trong đó lực lượng vũ trang là nòng cốt. Đồng thời, để người dân, kiều bào ở nước ngoài và nhân dân trên toàn thế giới hiểu được, thấy được chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của Việt Nam” - Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đăng Tiến - Chính ủy vùng 3 Hải quân, Trưởng đoàn công tác số 23.

Truong Sa chu quyen thieng lieng cua To Quoc 8.jpg
Công tác tuần tra, bảo vệ luôn được lực lượng hải quân thực hiện nghiêm ngặt, nhằm kịp thời phát hiện những mục tiêu có dấu hiệu xâm phạm vùng biển, vùng trời của Việt Nam. Ảnh: An Hiếu
Bia PSCD Truong sa chu quyen thieng lieng cua To Quoc 1B.jpg
Mẹ con chị Trần Thị Châu Úc ở xã đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa (Khánh Hòa) rạng rỡ trong màu cờ Tổ quốc. Ảnh: An Hiếu

Trong hải trình đến Trường Sa, được tận mắt nhìn và suy ngẫm mới thấy biển cả thật rộng lớn, hùng vĩ và thân thương. Biển đảo là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc, là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể chia cắt. Rời Trường Sa, tôi càng cảm nhận hết lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng/ Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển/ Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.

Bài: Doãn Xuân - Ảnh: An Hiếu

(Báo ảnh Dân tộc và Miền núi)

Có thể bạn quan tâm