Trồng súp lơ vàng chanh trái vụ hiệu quả kinh tế cao

Mô hình súp lơ trái vụ giống Nhật Bản được trồng thí điểm đầu tiên ở xã Tiền An, TX Quảng Yên. Ảnh: baoquangninh.vn
Mô hình súp lơ trái vụ giống Nhật Bản được trồng thí điểm đầu tiên ở xã Tiền An, TX Quảng Yên. Ảnh: baoquangninh.vn

Lần đầu tiên, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật khuyến nông huyện Hải Hà (Quảng Ninh) triển khai trồng thử nghiệm 10 nghìn m2 giống súp lơ vàng chanh F1 - Broccoflower (Nhật Bản) trên địa bàn 2 xã Quảng Chính và Quảng Minh. Có 12 hộ nông dân tham gia trồng thử nghiệm, được hỗ trợ 70% chi phí cây giống, 100% kỹ thuật tập huấn cách trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh.

Trồng súp lơ vàng chanh trái vụ hiệu quả kinh tế cao ảnh 1Mô hình súp lơ trái vụ giống Nhật Bản được trồng thí điểm đầu tiên ở xã Tiền An, TX Quảng Yên. Ảnh: baoquangninh.vn

Sau hơn 2 tháng chăm sóc đúng quy trình, mô hình đã đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trên diện tích canh tác. Qua kiểm tra thực tế, các hộ dân cho biết, súp lơ vàng canh chịu nhiệt từ thời gian xuống giống đến bén rễ rất nhanh, ít sâu bệnh, khả năng chịu nhiệt tốt. Đặc biệt thời gian sinh trưởng đến thu hoạch từ 45 - 65 ngày ngắn hơn so với súp lơ chính vụ. Chất lượng sản phẩm thơm ngon, ăn giòn, vị đậm. Vì là súp lơ trái vụ, nên giá thành cao từ 10.000 - 15.000 đồng/chiếc. Qua thu hoạch bước đầu đánh giá kinh tế đạt hơn 80 triệu đồng/ha.

Để mở rộng diện tích và triển khai trên diện rộng, Trung tâm Dịch vụ khuyến nông huyện Hải Hà tiếp tục đề xuất trồng khảo nghiệm lần 2 để đánh giá sát thực hơn nữa mô hình này, đồng thời rút kinh nghiệm để mô hình đạt hiệu quả cao hơn.

Theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ khuyến nông huyện Hải Hà, tính ưu việt của giống súp lơ vàng chanh F1 là có khả năng sinh trưởng phát triển tốt trong điều kiện thời tiết nhiệt độ từ 20 - 38 độ C, thích hợp trồng trong vụ hè, xuân hè, hè thu. Vì vậy giống súp lơ áp dụng trong mô hình này sẽ được bố trí luân canh, tăng vụ trồng vào các tháng có nhiệt độ cao trong năm.

Việc áp dụng thành công súp lơ vàng chanh F1 (Nhật Bản) vào sản xuất đã giúp nông dân huyện Hải Hà có thêm điều kiện tiếp cận với các giống cây trồng mới năng suất, chất lượng cao và tăng thu nhập, mở ra hướng đi mới về việc chuyển đổi giống cây trồng ở địa phương.

Văn Đức

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm