Trống cái da trâu, báu vật thiêng của người Ê Đê

Trống cái da trâu, báu vật thiêng của người Ê Đê
Độc đáo chiếc trống da trâu

Trống h’gơr là loại trống được chế tác, diễn tấu hết sức độc đáo của người Ê Đê. Trống được khoét từ thân cây gỗ nguyên khối (thường là gỗ sao, lim) với đường kính từ 70 cm đến 1,5 m. Sau đó, nghệ nhân phải dùng lửa hơ đốt bên trong lòng trống để tạo thành tang trống mà phần giữa thân tang trống phình to nhất, 2 đầu nhỏ lại, trong đó một đầu lớn hơn.

Mặt trống được bưng bằng da trâu, mà phải nguyên da của cả con và còn nguyên lông (sau khi hoàn thành trống mới cạo lông trên 2 mặt trống) và dùng hệ thống dây néo để bưng vào tang trống. Một phía đầu tang trống bao giờ cũng to hơn, sử dụng chủ yếu khi diễn tấu - mặt cái, bưng bằng da trâu cái. Đầu phía còn lại nhỏ hơn - là mặt đực, bưng bằng da trâu đực. Da trâu được thuộc thủ công bằng muối, nước vôi, nước lá cây và vỏ cây rừng ngâm, sau đó phơi nắng. Da trâu được cố định giữ trên tang trống bằng hệ thống đinh làm từ gốc tre gi vót nhọn. Da trâu phủ mỗi mặt trống xuống một nửa tang trống, giữa chừa 2 - 3cm đúng vào vị trí đã được đục lỗ tạo móc sắt để treo.
 
Trống h’gơr được đặt trang trọng trên ghế k’pan trong nhà dài của người Ê Đê tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) .
Trống h’gơr được đặt trang trọng trên ghế k’pan trong nhà dài của người Ê Đê tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) .
Trên cả hai mặt trống đều dùi một lỗ tròn nhỏ có cỡ bằng hạt bắp, đường kính khoảng 5 - 6 mm để chỉnh âm và lưu thông không khí trong lòng trống.

Theo truyền thống, việc chế tác cũng như sở hữu và diễn tấu h’gơr không thể tùy hứng hay tùy tiện, tất cả đều có những quy định bất thành văn cũng như những cấm kỵ, kiêng cữ.

Vật liệu cùng cách chế tạo độc đáo đã tạo nên loại nhạc cụ quý hiếm và bền chắc, có âm thanh mạnh mẽ. Trống h’gơr trở thành một tài sản vô giá của người Ê Đê.

Nhạc cụ thiêng

Từ xưa, trống h’gơr được coi là một tài sản quý, chỉ những nhà có thế lực, giàu có, sở hữu ghế k’pan và dàn ching char mới được làm trống h’gơr, có thể cùng một lúc với làm k’pan. Trống càng to càng chứng tỏ gia đình đó càng giàu có. Không những thế, trống còn là một vật thiêng liêng, cầu nối với thế giới thần linh.

Sự linh thiêng này được thể hiện cả trong quá trình làm trống và việc gìn giữ, diễn tấu. Để làm trống, đồng bào phải tổ chức một nghi lễ cúng Yang với vật hiến sinh là trâu. Trống được hoàn thiện tại rừng phải tiến hành lễ cúng thổi hồn cho trống mới đưa về nhà và đặt trên ghế k’pan. Sau đó là lễ xỏ mũi, dùi một lỗ nhỏ ở mặt cái, cách tang trống khoảng 10 - 15cm để treo cing (chiêng) rieo, cing kngan cho trống và tiến hành đặt tên cho trống bằng tên của người phụ nữ lớn tuổi, có uy tín của dòng họ đã qua đời. Từ đây, trống được gọi tên riêng kèm theo danh từ có nghĩa là bà (aduôn).

Được đặt trên ghế k’pan, nằm giữa phòng ngủ và phòng khách, trống h’gơr có nhiệm vụ giữ giấc ngủ bình an và chứng kiến những vui buồn của các thành viên trong gia đình. Vì thế, việc giữ gìn trống h’gơr đồng nghĩa với gìn giữ sự may mắn, an lành trong gia đình. Khi muốn đưa trống ra khỏi nhà, đồng bào phải làm một lễ cúng nhỏ để xin phép thần linh.

Trống h’gơr trong đời sống đồng bào Ê Đê

Tiếng trống da trâu đã gắn bó với đồng bào Ê Đê từ lúc sinh ra đến nghi lễ mừng đầy tháng, tuổi trưởng thành, cho đến lễ mừng thọ hay lễ bỏ mả….

Được diễn tấu cùng dàn ching chiêng trong các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng nhưng trống h’gơr thường cố định 1 chỗ (trên ghế k’pan hoặc đầu hồi nhà hay sân lễ), có vai trò điều khiển sự ngừng nghỉ và nhịp điệu nhanh chậm của cả dàn ching char.
Diễn tấu trống h’gơr trong lễ hội của người Ê Đê.
Diễn tấu trống h’gơr trong lễ hội của người Ê Đê.

Theo nghệ nhân Y’Thim Byă, dân tộc Ê Đê, buôn Ea Bông, xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk: “Trống h’gơr là kiểu trống cổ của người Ê Đê. Hiện nay trống không còn nhiều nữa, tuy nhiên trong đời sống văn hóa, tâm linh của người Ê Đê, trống vẫn có vai trò quan trọng như từ bao đời nay”.

Trong lịch sử chống ngoại xâm, những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khi quân Xiêm và thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Tiếng trống h’gơr đã vang lên, hiệu triệu và thúc giục các lực lượng nghĩa quân thắt chặt tình đoàn kết và ý chí bảo vệ quê hương, đất nước.

Hiện nay tại nhà dài Ê Đê, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đang trưng bày bộ sưu tập của gia đình cố Nghệ sĩ Nhân dân Y Moan, trong đó có chiếc trống quý này. Đây là cơ hội quý giá để du khách gần xa đến tham quan và được tận mắt ngắm nhìn những di sản quý báu của người Ê Đê, ngoài trống h’gơr còn có ghế k’pan, ching đồng và nhiều vật dụng khác.

Trống h’gơr không còn được làm nữa vì nhiều nguyên nhân, nguyên liệu làm tang trống đã khan hiếm, quy trình chế tác khó và phức tạp. Những nghệ nhân chế tác trống dần khuất bóng. Bất chấp những điều đó, trong các buôn làng của người Ê Đê, trống da trâu vẫn được gìn giữ cùng với những lễ nghi truyền thống của mình như suối nguồn cuộn chảy mãi…
Theo Langvietonline.vn

Có thể bạn quan tâm