Thần Nhà cửa người Jrai

Thần Nhà cửa người Jrai
1. Lao yang chim dố, prố gam (cúng trả nơi chim làm tổ, sóc đậu):

Sau khi đào hố để dựng cột nhà, trước lúc dựng cột, người J'rai phải làm lễ cúng cho tất cả những cây, cột được lấy từ rừng về để làm nhà. Mục đích của nghi lễ này là để trả lại nơi ở cho thần chim, khỉ, thú rừng… vì những cây này trước khi bị chặt về làm nhà đã là chỗ ở của những loài vật trên.

Trong nghi lễ này, chủ nhà phải mời già làng đứng ra cúng.

Lễ vật gồm 1 con gà, 1 ché rượu, 1 tô đồng để đựng rượu. Tất cả được đặt ở vị trí giữa nhà, quay về hướng Tây theo thứ tự: thầy cúng, tô đồng, ché rượu, gà cúng. Chủ nhà đứng phía bên trái thầy cúng, những người còn lại trong nhà ngồi gần đó chứng kiến.

Chuẩn bị xong, người ta gọt ở mỗi cây một miếng dăm nhỏ. Sau đó, hút rượu trong ché trộn với gan gà sống, rồi đổ vào tô đồng (pơtil) mà đồng bào vẫn dùng để cúng yang, rồi bỏ tất cả những miếng dăm gỗ vào tô, lấy một đoạn sống lá chuối đập dập đầu, chấm vào tô rượu, rồi quét vào cột chính 7 lần theo chiều từ ngọn xuống gốc để cho thần linh còn trú trong cây đi xuống, chạy vào rừng. Sau đó, tiếp tục khấn và quét rượu trong tô đồng vào những cây còn lại, mỗi cây 1 lần theo chiều từ trên xuống. Sau khi đã khấn và quét rượu cúng vào toàn bộ số cột, cây, thầy cúng hất tô rượu, cùng dăm gỗ và gan gà về phía tây (theo quan niệm của người Jrai là phía dưới – yố).

Ảnh: Nguồn Internet
Ảnh: Nguồn Internet

2. Lao yang Lon (cúng thần Đất): Buổi chiều ngày dựng khung nhà xong, chủ nhà phải cúng thần đất, vì đã lấy một phần đất của yang để làm nhà.

Lễ vật: 1 con gà (mổ dọc từ ức xuống, nướng, để nguyên con), 1 ché rượu nhỏ.

Vị trí đặt lễ vật như trong lễ cúng trả chỗ ở cho chim - sóc. Nhưng lần này, ở phía trước vị trí đặt gà, người ta đào 1 hố vuông (20 cm x 20 cm), sâu 10 cm. Người ta đặt xuống hố này 1 lưỡi rìu, rồi đậy lá chuối lên. Sau đó, thầy cúng vừa khấn, vừa lấy 1/2 tô rượu, 1 miếng gan gà nhỏ, bỏ vào tô đồng rồi đổ vào trong hố (đổ lên trên lá chuối).

Làm xong các nghi lễ, 3 ngày sau, chủ nhà ra hố đất để lấy lưỡi rìu lên. Nếu sau 3 đêm mà chiếc rìu không “chạy” khỏi hố, là điềm tốt, yang Lon đồng ý cho người làm nhà ở. Nếu rìu “chạy” ra chỗ khác là thần không đồng ý, phải đi tìm chỗ khác để làm nhà. Khi chúng tôi hỏi kỹ hơn về điều này, đồng bào nói rằng, nếu yang không đồng ý thì thông thường, ngay trong đêm đầu tiên, chiếc rìu đã “chạy” ra chỗ khác rồi.

3. Ngă yang Sang (cúng thần Nhà): ngày hôm sau, chủ nhà làm bếp, dọn đồ đạc lên nhà để cúng yang Sang (vào khoảng 8h - 9h sáng) - trong khi những người làm nhà vẫn tiếp tục công việc.

Lễ vật vẫn như 2 lễ trên, nhưng được đặt ngay giữa nhà (trên sàn), hướng ra cửa (phía Đông). Sau khi cúng xong, thầy cúng lấy tô đồng bên trong có rượu và gan gà rưới vào bếp (đắp đất).
 
Ảnh: Nguồn Internet
Ảnh: Nguồn Internet

4. Ngă đí dố sang (Lên nhà mới)

Ngay sau ngày làm lễ cúng thần nhà, chủ nhà phải ủ rượu, chuẩn bị lễ vật để khoảng vài tuần sau thì làm lễ lên nhà mới.

Để làm lễ lên nhà mới, chủ nhà phải chuẩn bị số lễ vật gồm 2 con heo, 1 con dê, 1 con gà và 9 ghè rượu.

Trong quy trình lễ này, gồm có 3 lễ nhỏ hợp thành nên số lễ vật trên được đặt làm 3 phần, ở phía Đông sàn nhà, theo thứ tự từ gah amang (Bắc) sang gah ok(đồng bào gọi là từ phía trên xuống) như sau:

- Ngă yang pih kyâo ale (tẩy rửa sạch): lễ vật gồm 1 heo, 1 dê, 5 ghè

- Ngă đí dố sang (cúng lên nhà mới): lễ vật gồm 1 heo, 3 ghè;

- Ngă yang Prin tha (cúng ông bà tổ tiên): lễ vật gồm 1 gà, 1 gà;

Khoảng 7h sáng, công việc chuẩn bị phải được hoàn tất để thầy cúng  bắt đầu cúng theo thứ tự trên.

Đầu tiên thầy cúng Ngă yang pih kyâo ale. Khi thầy cúng tiến hành nghi lễ, người trong nhà ngồi ở phía òk (hướng Nam) của nhà trong tư thế im lặng, không được nói chuyện. Khấn xong, thầy cúng múc nước vào tô đồng rồi đổ vào 5 ghè, mỗi ghè một ít (cũng theo hướng từ trên xuống), rồi mời bà chủ nhà đi uống trước 1 lượt 5 ghè Ngă yang pih kyâo ale cũng theo hướng này, sau đó đến chồng và các con.

Sau đó, quy trình cúng trên được tiếp tục thực hiện ở phần cúng giành cho nghi lễ lên nhà mới và cúng tổ tiên.

Như vậy, trong quan niệm của người Jrai, thần nhà không chỉ có 1 vị, mà là một hệ thống các thần linh. Mỗi vị cai quản một bộ phận của ngôi nhà: thần cột cái, thần cầu thang, thần bếp… trong đó, quan trọng nhất là vị thần trú ngụ ở cầu thang lên xuống của ngôi nhà. Có thể coi đó là vị thần canh giữ cho sự bình yên của gia chủ.
Theo thegioidisan.vn

Có thể bạn quan tâm