Tết Thanh minh của đồng bào Dao đỏ thường được tổ chức vào đầu tháng hai, tháng ba âm lịch. Việc tảo mộ của người Dao đỏ được thực hiện 3 năm một lần hoặc liên tục trong 3 năm, tùy theo điều kiện từng gia đình. Ông Triệu Tiến Kim, ở xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, cho biết: "Người Dao đỏ chúng tôi luôn quan niệm đã làm tết Thanh minh thì nhất nhất phải làm lễ tảo mộ. Thứ nhất là để con cháu sửa sang lại nhà mới cho các cụ, thứ hai là cầu mong các cụ phù hộ cho con cháu làm ăn phát đạt, gia đình hòa thuận, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Nét văn hóa này thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn bao đời nay của người Dao đỏ chúng tôi".
Mâm cúng tổ tiên của người Dao trong ngày lễ. Ảnh: baomoi.com |
Để chuẩn bị cho lễ tảo mộ, gia đình phải chuẩn bị lễ vật, gồm: Xôi, thịt lợn, hoa quả, tiền giấy (giấy dó), và đặc biệt không thể thiếu gà luộc. Những lễ vật này đều phải do gia chủ tự tay làm. Người Dao đỏ cho rằng như vậy mới thể hiện được tấm lòng của con cháu đối với người đã khuất. Khi lễ vật đã được bày vào mâm thì thầy cúng cùng các thành viên trong gia đình đem lễ đến đặt trước phần mộ, dùng bộ gõ (đồ cúng) gõ ba gõ để báo vong linh người đã khuất xin cho con cháu sửa sang lại nhà cửa, dọn dẹp cỏ dại, và đắp thêm phần đất lên phía trên mộ. Con cháu đốt một bó nhang cắm quanh phần mộ để sưởi ấm cho ông bà. Sau đó là lễ báo cáo tổ tiên tại gia đình, với một mâm cúng đã chuẩn bị sẵn. Thầy cúng thay măt gia chủ báo cáo và mời tổ tiên về nhận lễ vật của con cháu. Lễ cúng này diễn ra khoảng 30 phút. Khi lễ xong, thầy cúng đốt tiền giấy mời tổ tiên ở lại ăn tết cùng gia đình. Mâm cỗ cúng được dọn xuống, gia đình cùng quây quần, sum họp bên mâm cơm ngày tết. Tết thanh minh của đồng bào Dao đỏ chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc. Vì vậy mà đồng bào Dao đỏ luôn trân trọng, gìn giữ, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Thiều Nghiệp (Theo VOV)
Theo vov4.vov.vn