Đến ngày cưới, nhà chú rể bày biện mâm cỗ để bà con, bè bạn ăn lót dạ lấy sức đi hết quãng đường đến nhà gái đón dâu. Ngày trước, giờ đón dâu nhất nhất phải là thời khắc tảng sáng bởi người Bru-Vân Kiều quan niệm bình minh là lúc vạn vật tràn trề nội lực, là buổi mới mẻ khởi sự cho mọi điều tốt đẹp. Bởi thế, vào ngày cưới của người Bru-Vân Kiều, nếu nhà trai cách xa nhà gái thì đoàn đón dâu phải khởi hành vào lúc đêm khuya để đến nhà gái cho kịp giờ. Lễ vật nhà trai mang đến thường có vòng tay bằng bạc, vòng cổ mã não, váy áo truyền thống và không thể thiếu chiếc nồi đồng, thanh kiếm và miếng bạc nén. Đó chính là ba lễ vật phải có để tiến hành tục trao kiếm trong ngày cưới, xác tín với mọi người rằng cô thanh nữ này đã đủ điều kiện “gánh vác giang sơn nhà chồng”.
Nồi đồng, thanh kiếm và miếng bạc nén - sính lễ bắt buộc để cưới vợ của đàn ông Bru-Vân Kiều |
Sau nghi lễ vái lạy tiên tổ, bố mẹ hai bên và người mai mối, nghi thức trao kiếm bắt đầu. Chú rể tuốt thanh kiếm ra khỏi bao, đặt lên miệng chiếc nồi đồng, bên cạnh đó có thêm miếng bạc nén. Xuất xứ của miếng bạc nén có từ thời thuộc Pháp; ở bản làng Bru-Vân Kiều xuất hiện một vài nghệ nhân chuyên gia công loại khuôn đúc bạc nén bằng cách nung chảy đồng bạc Đông Dương (tức xu bạc “hoa xòe” là đơn vị đếm cơ bản của đơn vị tiền tệ mà thực dân Pháp phát hành và cho lưu thương tại ba nước Đông Dương từ năm 1885-1954) sau đó múc đổ vào khuôn thành miếng bạc nén phục vụ phong tục hỏi cưới của đồng bào mình. Tiếp đến, cô dâu sẽ tiếp nhận sính lễ của nhà trai và đưa tất cả cho mẹ mình. Mẹ cô dâu đặt chúng trang trọng trong một chiếc típ (đồ đan bằng mây tre, tựa như một chiếc gùi thu nhỏ) mang ra sau chái bếp. Bà từ từ khơi lửa trong bếp lên thật đượm, lấy sừng trâu múc nước trong thau nhôm đã chuẩn bị sẵn đổ vào nồi đồng rồi bắc nồi lên bếp nấu. Khi nước bắt đầu sôi, bà bỏ miếng bạc nén vào, đoạn bà tiếp tục đun lửa đến khi nước sôi cạn tới đáy thì ngưng. Để kết thúc nghi lễ trao kiếm, bà tuốt kiếm ra khỏi bao và đâm dứt khoát mũi kiếm xuống cạnh chiếc nồi đồng rồi lẩm bẩm đọc lời cầu khấn. Chừng 5 phút sau, mẹ cô dâu chỉ tay ra hiệu với bà con hai họ mọi thủ tục đã hoàn tất. Ngoài 2 mẹ con cô dâu ra, giây phút ấy ai cũng hớn hở vỗ tay chúc mừng.
Giải nghĩa lệ tục này, người Bru-Vân Kiều cho rằng mũi kiếm và chuôi kiếm là hai thực thể trong một thân thể, tượng trưng cho người chồng và người vợ. Cưới nhau rồi thì thề nguyện tương tri, gắn bó trăm năm. Ngoài ra, thanh kiếm còn là lời khẳng định đanh thép về khí khái và thể trạng của đàn ông Bru-Vân Kiều, ngầm xác tín với nhà gái về một tương lai yên bình của con cái họ. Chiếc nồi đồng và miếng bạc nén tượng trưng cho sự no đủ, là biểu tượng may lành sẽ tới với đôi tân hôn mai này. Tất cả sính lễ đó sẽ do nhà gái cất giữ. Nhà nào sinh toàn con trai cứ việc chuẩn bị chừng ấy đồ lễ để hỏi cưới cho con. Với nhà giàu có thì kiếm sẽ được khắc chạm tinh xảo từ lưỡi đến chuôi; còn nhà nghèo thì chỉ cần nung dẹt thanh sắt thành hình cái kiếm là được.
Phong tục trao kiếm, nồi đồng và bạc nén trong ngày cưới của người Bru-Vân Kiều vẫn được duy trì đến tận hôm nay, dẫu đã khác xưa nhiều. Giờ người ta có thể vô tư mượn lễ vật của nhau hoặc mỗi dòng họ chỉ việc chuẩn bị một bộ kiếm, nồi đồng và miếng bạc nén để phục vụ ngày cưới con trai, cháu trai của mình. Nhà gái giờ không giữ sính lễ lại làm của riêng nữa mà cho phép nhà trai “mượn” lại, nhờ thế mới nối dài được phong tục cưới hỏi đặc biệt này của tộc người đến tận ngày nay.
Báo Điện tử Đắk Lắk