Cho đến nay, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã không còn là chương trình xóa đói giảm nghèo cho các địa phương vùng nông thôn, đặc biệt là khu vực nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Sản phẩm OCOP đã dần khẳng định vị thế cũng như chất lượng và khả năng cạnh tranh khi giao thương thị trường nội địa và thị trường thế giới. Đây là chương trình tạo nên tiếng vang cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, kết nối nhiều lĩnh vực cùng phát triển, thu lợi nhuận kép cho nông thôn.
Chuyển đổi tư duy
Sau 5 năm triển khai, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nước đã có trên 10.800 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của trên 5.600 chủ thể OCOP; trong đó, có 37,9% là hợp tác xã, 24% là doanh nghiệp, 35,2% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Sản phẩm OCOP đã từng bước khai thác và phát huy được những giá trị đặc sản, văn hóa và giá trị truyền thống của địa phương.
Riêng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đến nay đã có trên 2.000 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (chiếm 18,8% tổng số sản phẩm OCOP của cả nước), với 922 chủ thể OCOP; trong đó, bao gồm: 28,5% là doanh nghiệp, 18,9% là hợp tác xã và 52,4% là các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản phẩm OCOP đã góp phần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất gắn với kinh doanh nông nghiệp, đặc biệt là gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển kinh tế, dịch vụ và du lịch của các địa phương.
Trong 13 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Đồng Tháp có thành tựu nổi bật trong suốt quá trình phát triển sản phẩm OCOP. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, đến nay, toàn tỉnh có 357 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 - 5 sao. Trong số đó, có 275 sản phẩm đạt 3 sao, 81 sản phẩm đạt 4 sao và 1 sản phẩm đạt 5 sao. Đặc biệt, 3 sản phẩm đang được đề nghị công nhận đạt hạng 5 sao. Cùng với những sản phẩm đã đạt được mục tiêu, hiện tại tỉnh Đồng Tháp có 212 sản phẩm đề nghị xét công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP; trong đó, có 63 sản phẩm đánh giá lại, 3 sản phẩm nâng hạng, 146 sản phẩm mới.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, thời gian qua, những sản phẩm OCOP của Đồng Tháp đã từng bước thâm nhập vào hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại để tiếp cận với người tiêu dùng. Ngoài ra, phong trào khởi nghiệp đã tạo ra sự lan tỏa cho sản phẩm OCOP, đưa những sản phẩm từ làng quê của Đồng Tháp đến với người tiêu dùng.
Để tạo điều kiện cho nông dân Đồng Tháp, tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều chương trình kết nối nông dân để họ tự học hỏi lẫn nhau, từ đó thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp thay vì chỉ chú trọng làm ra sản phẩm mà vừa làm ra sản phẩm chất lượng vừa có thể đưa sản phẩm chất lượng này đến người tiêu dùng nhanh nhất, nhiều nhất.
Chị Nguyễn Bích Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hương Sen Đồng Tháp, cho biết Đồng Tháp có thế mạnh là cây sen nên chị đã quyết tâm chuyển đổi tư duy sản xuất, phát triển thế mạnh của địa phương đầu tư xây dựng các sản phẩm đạt OCOP để nâng tầm giá trị cây sen, góp phần gìn giữ văn hóa của quê hương, đồng thời tạo việc làm cho người dân địa phương.
Hiện nay công ty có 8 sản phẩm như trà sen, trà sen Dotha Lotus thượng hạng, trà tâm sen, trà hoa sen, trà lá sen túi lọc Dotha Lotus, bột sữa sen Dotha Lotus, sữa hạt sen Dotha Lotus đều được công nhận đạt OCOP 4 sao. Đáng lưu ý, sản phẩm trà sen Dotha Lotus thượng hạng và sữa hạt sen Dotha Lotus được bình chọn là sản phẩm tiêu biểu vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện tại, công ty đang xây dựng 1 sản phẩm lên 5 sao.
Kết nối du lịch sinh thái
Với tính chất đặc thù của từng địa phương, sản phẩm OCOP đã gợi được sự tò mò trong lòng người tiêu dùng. Xuất phát từ việc này, các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã có nhiều chiến lược liên kết OCOP với du lịch để tạo nên lợi thế kinh tế kép cho sản phẩm.
Ông Phạm Thiện Nghĩa cho biết, Đồng Tháp đẩy mạnh xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch cộng đồng và sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, lễ hội văn hóa gắn với hình ảnh du lịch địa phương để tạo điểm nhấn thu hút du khách. Các mô hình du lịch kết hợp với nông nghiệp hoạt động khá hiệu quả, đã giúp kéo dài chuỗi giá trị, gia tăng giá trị nông sản, tạo thêm việc làm ở nông thôn, đem lại nguồn thu ổn định cho nông dân.
Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp còn tổ chức cho các hộ làm du lịch cộng đồng đi tham quan thực tế mô hình phát triển nông nghiệp bền vững tại một số địa phương trong nước để giúp có thêm kiến thức, trải nghiệm và quyết tâm làm du lịch nông nghiệp - nông thôn; mở lớp truyền cảm hứng khởi nghiệp, tập huấn kiến thức về phát triển du lịch gắn với các hoạt động nông nghiệp.
Đến nay, tỉnh Đồng Tháp có trên 150 điểm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng đang khai thác phục vụ khách du lịch và hàng chục làng nghề, làng nghề truyền thống. Hiện nay đã có một số làng nghề gắn kết du lịch như: Làng nghề truyền thống dệt chiếu (huyện Lấp Vò), Làng nghề truyền thống trồng hoa kiểng (thành phố Sa Đéc), Làng nghề dệt choàng (huyện Hồng Ngự)...
Tại thành phố Cần Thơ, thành phố Cần Thơ cũng xem chương trình OCOP là một trong những chương trình kinh tế nông nghiệp, nông thôn lớn thể hiện rõ vai trò tích hợp đa giá trị trong ngành nông nghiệp. Hiện Cần Thơ có 92 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 - 4 sao.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm OCOP của thành phố Cần Thơ phát triển, thành phố đã đưa các sản phẩm này thâm nhập vào các điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng... nhằm đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với khách du lịch.
Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết, chợ nổi Cái Răng là một trong những điểm nhấn du lịch của thành phố Cần Thơ, thu hút lượng lớn du khách đến tham quan. Do đó, thành phố Cần Thơ đã ra mắt điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP, đặt tại cơ sở hủ tiếu Nhà Bè (trên chợ nổi Cái Răng) với 10 chủ thể sản phẩm OCOP của thành phố Cần Thơ tham gia kết nối. Cụ thể như trà mãng cầu Long Giang, trà mãng cầu Kim Nhiên, nước mắm cá sặc Tư Hon, trà thảo dược Hygie&Panacee, các sản phẩm chế biến từ đậu của Công ty TNHH MTV Ðinh Gia Foods, các sản phẩm bột đậu của cơ sở Thuận Hòa…
Theo bà Nguyễn Kim Nhiên, Giám đốc Công ty chế biến nông sản Trà mãng cầu Kim Nhiên, nếu bán sản phẩm OCOP ở cửa hàng siêu thị chỉ tiêu thụ trong phạm vi nhất định nhưng nếu sản phẩm bán ở các điểm du lịch sẽ có cơ hội đi khắp nơi trên mọi miền đất nước, thậm chí xuất khẩu. Khách du lịch sẽ đem sản phẩm OCOP đi xa hơn, có thể không mua tại thời điểm đi du lịch nhưng sau khi về sẽ kết nối thông tin để đặt hàng và có khi trở thành đại lý nhập sản phẩm về kinh doanh.
Hồng Nhung