Mở cơ hội phát triển sản phẩm OCOP đặc trưng của Bà Rịa-Vũng Tàu

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc trưng của địa phương. Các chủ thể OCOP đã chú trọng đầu tư vào chất lượng sản phẩm nhờ đó giá trị sản phẩm cũng đã được nâng tầm, góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho các chủ thể, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Hợp tác xã bưởi da xanh Hắc Dịch, phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ thành lập vào tháng 10/2022, với 40 thành viên, diện tích sản xuất là 40 ha, sản lượng bình quân mỗi năm khoảng 800 – 1.000 tấn. Tháng 8/2023, sản phẩm bưởi da xanh của Hợp tác xã bưởi da xanh Hắc Dịch đã được xếp hạng OCOP 4 sao cấp tỉnh. Trái bưởi của hợp tác xã được gắn sao OCOP là minh chứng cho chất lượng sản phẩm, cũng như khẳng định tâm huyết, sự thay đổi tư duy sản xuất của những người nông dân trồng bưởi khi chuyển sang canh tác sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, hợp tác xã có 28 ha được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, 8 ha đang sản xuất và làm thủ tục chờ chứng nhận.

Không chỉ đạt các tiêu chí sản phẩm OCOP mà trái bưởi da xanh của hợp tác xã còn đáp ứng các yêu cầu khắt khe về xuất khẩu, đặc biệt là đối với thị trường Mỹ, châu Âu, do đó, tháng 9/2023, 20 ha diện tích bưởi da xanh của Hợp tác xã đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu.

vna_potal_nong_dan_ba_ria_-_vung_tau_buoc_vao_cao_diem_thu_hoach_buoi_tet_7212629.jpg
Bưởi Hắc Dịch được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Anh Nguyễn Trọng Trung – Giám đốc Hợp tác xã Bưởi da xanh Hắc Dịch chia sẻ, để đạt chứng nhận OCOP các thành viên của hợp tác xã đã phải làm ra sản phẩm không những đẹp về mẫu mã mà còn đòi hỏi an toàn thực phẩm và chất lượng trái bưởi cũng phải được nâng cao hơn. Sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng và tin dùng, nhất là khi hiện nay sản phẩm của hợp tác xã đã được bán rộng rãi vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng sạch trong và ngoài tỉnh.

Còn bà Hồ Thị Thanh Hồng ở tổ 6, thôn Phước Thành, xã Tân Hòa, Thị xã Phú Mỹ - Giám đốc Công ty TNHH Nấm Hải Nam rất tâm huyết với công việc trồng nấm của gia đình. Với mong muốn tạo ra những sản phẩm nấm tốt cho sức khỏe cộng đồng nên bà Hồng đã tìm hiểu, mày mò thay đổi phương thức sản xuất nấm, từ vô cơ sang hữu cơ, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Nhờ đó, sản phẩm nấm của công ty đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Hiện doanh nghiệp đang sản xuất các loại nấm: bào ngư, sò thái, hoàng đế, hoàng kim, hồng ngọc… Do nấm được trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ nên các công đoạn sản xuất đều phải thực hiện một cách nghiêm ngặt, doanh nghiệp đã không dùng các loại giá thể từ vô cơ mà dùng các giá thể hoàn toàn bằng hữu cơ ủ lên men làm chất dinh dưỡng, sử dụng chế phẩm vi sinh điều chế từ các tinh dầu thực vật xử lý thay thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ sản xuất sạch mà sản phẩm nấm của bà Hồng luôn được người tiêu dùng đón nhận. Tháng 2/2023, 2 sản phẩm: nấm Bào ngư và nấm Sò Thái của công ty TNHH Nấm Hải Nam được chứng nhận sản phẩm Ocop 4 sao cấp tỉnh.

Hiện, mỗi năm doanh nghiệp cung cấp cho thị trường gần 20 tấn nấm các loại, cung cấp giống cho các trại nấm trong và ngoài tỉnh khoảng từ 600.000 bịch phôi nấm. “Để nâng cao giá trị sản phẩm, tôi đã nghiên cứu cho ra các sản phẩm hoàn toàn hữu cơ và mang sản phẩm hữu cơ này đến tay người tiêu dùng cho họ sử dụng và cảm nhận”, bà Hồng chia sẻ.

Cơ sở sản xuất Kim Ngân, ấp Phước Hưng, xã Tam Phước, huyện Long Điền chuyên sản xuất các loại mắm như: mắm tôm, mắm ruốc, mắm nêm... cũng từng bước khẳng định vị trí trên thị trường nhờ chất lượng vượt trội. Mỗi tháng, cơ sở sản xuất hơn 20 tấn sản phẩm các loại và phân phối đi thị trường các tỉnh miền Đông Nam Bộ và các tỉnh miền Tây.

Bà Võ Phương Thùy, chủ cơ sở sản xuất Kim Ngân cho biết, năm 2022, sản phẩm mắm ruốc pha sẵn cao cấp của cơ sở được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 4 sao đã giúp nâng cao giá trị và lòng tin của người tiêu dùng. Đây cũng là điều kiện để cơ sở tiếp tục cải tiến mẫu mã bao bì, không ngừng nâng cao chất lượng, tiếp cận gần hơn với nhiều đối tượng người tiêu dùng.

Chương trình OCOP đã và đang được các địa phương trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tập trung thực hiện, trong đó có sự ủng hộ, tạo cơ chế, chính sách, nguồn lực hỗ trợ, vận động các chủ thể mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô sản xuất, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm đến tay người tiêu dùng, từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Thông qua đó, từng bước thay đổi nhận thức, tư duy của các chủ thể trong phát triển sản phẩm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu theo đặc trưng vùng miền, tiếp thêm động lực thúc đẩy sản xuất theo hướng hàng hóa, gắn với hình thành chuỗi giá trị bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt, các sản phẩm OCOP được xây dựng không chỉ là đặc sản, đặc trưng riêng có, mà còn trở thành thương hiệu, sứ giả quảng bá hình ảnh lịch sử, văn hóa của từng địa phương, hướng đến phục vụ và phát triển du lịch nông nghiệp tại địa phương.

Tính đến nay, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 147 sản phẩm; trong đó, có 63 sản phẩm 3 sao và 84 sản phẩm 4 sao. Các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện đều chú trọng sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn ISO, VietGAP, vệ sinh an toàn thực phẩm; đạt chứng nhận HACCP, chứng nhận VietGAP, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tập trung phát triển vùng nguyên liệu đầu vào tại địa phương và được kiểm nghiệm đánh giã từ quy trình trồng, thu hoạch, sản xuất bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy chuẩn; có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác. chủng loại sản phẩm OCOP tập trung chủ yếu ở nhóm thực phẩm, dược liệu, thức uống, hàng thủ công mỹ nghệ… nên thuận lợi đưa vào chuỗi cung ứng cho du lịch.

Theo ông Vũ Ngọc Đăng, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, sản phẩm OCOP Bà Rịa - Vũng Tàu đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trưởng và được người tiêu dùng tín nhiệm. Hiện nay, thông qua việc được giới thiệu kinh doanh trên các trang thương mại điện tử và các chuỗi cửa hàng siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh, không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước mà còn vươn tầm xuất khẩu.

Thời gian qua, để thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm OCOP, ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phối hợp với ngành liên quan triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm này. Hiện, trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 5 điểm trưng bày, giới thiệu và bày bán sản phẩm OCOP, giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất nắm bắt tình hình cung, cầu để sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Thông qua nhiều hoạt động trong đó có các điểm bán hàng chính thống để các doanh nghiệp, chủ thể có điều kiện tiếp cận đưa sản phẩm ra thị trường, tiêu thụ sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Hoàng Nhị

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm