Tiền Giang phát triển thêm 50 sản phẩm OCOP đặc thù vùng, miền

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, nhằm đẩy mạnh Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong năm 2024, Tiền Giang phấn đấu sẽ có thêm 50 sản phẩm đặc thù vùng, miền được công nhận đạt OCOP, nâng sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh lên 309.

vna_potal_cac_lang_lap_xuong_cua_tien_giang_vao_mua_tet_7202335.jpg
Anh Trần Thanh Phương, chủ cơ sở sản xuất lạp xưởng Tý Ngọc (xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây) đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao kiểm tra độ khô của lạp xưởng. Ảnh: Hữu Chí - TTXVN

Trong năm 2024, địa phương tập trung khẳng định thương hiệu, kết nối thị trường và các nhà phân phối, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP nhằm nâng cao giá trị và tạo sự khác biệt cho sản phẩm OCOP Tiền Giang.

Trong năm, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP. Nhất là các ngành công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, các địa phương và các chủ thể cùng phối hợp có các giải pháp nâng chất lượng sản phẩm.

Mặt khác, Tiền Giang quan tâm phát triển các sản phẩm OCOP từ các đặc sản, sản phẩm truyền thống; gắn phát triển sản phẩm chế biến, chế biến sâu với vùng nguyên liệu, tích hợp trong văn hóa và tri thức bản địa với mục tiêu khai thác các giá trị riêng đặc trưng của sản phẩm, vừa tạo sự khác biệt vừa nâng được sức cạnh tranh của sản phẩm OCOP trên thị trường.

Đặc biệt là thúc đẩy, tạo điều kiện cho các chủ thể xây dựng chương trình, tham gia các sự kiện giới thiệu, kết nối, phân phối sản phẩm OCOP gắn với hình thức các giỏ quà OCOP của từng ngành, địa phương mình; góp phần nâng cao hình ảnh, giá trị văn hóa đặc thù địa phương; ưu tiên sử dụng các sản phẩm OCOP làm quà tặng, quà biếu trong các sự kiện hoặc hoạt động đối ngoại và các sự kiện của các sở, ngành, của tỉnh và các địa phương trong tỉnh tổ chức.

Nhờ vậy, tạo điều kiện kết nối thị trường cho sản phẩm OCOP, giúp người tiêu dùng biết, hiểu giá trị và sử dụng rộng rãi những sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Tỉnh chú trọng hơn nữa việc tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong việc kết nối các nhà phân phối, giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ rộng rãi sản phẩm OCOP trên thị trường trong ngoài nước nói chung.

Ngoài ra, trong năm 2024, Tiền Giang bố trí nguồn lực hợp lý, lồng ghép các nguồn lực huy động được nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP cũng như kịp thời tư vấn, hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm nâng cao chất lượng sản phẩm.

Riêng thành phố Mỹ Tho, trong năm 2024 sẽ sớm triển khai thực hiện dự án “Phát triển du lịch cộng đồng tại xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho gắn với phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và phát triển sản phẩm OCOP”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng đánh giá, trong thời gian qua, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại Tiền Giang mang lại kết quả thiết thực, số lượng sản phẩm đăng ký và đạt chứng nhận OCOP ngày càng nhiều; chủ thể tham gia Chương trình đã có những nỗ lực đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã bao bì và tăng cường xúc tiến thương mại, chiếm lĩnh thị trường.

Qua đó, phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội của Chương trình OCOP, tạo việc làm cho lao động nông thôn vừa phát huy những ngành nghề và sản phẩm truyền thống, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế nông thôn cũng như xây dựng nông thôn mới thành công.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng, đặc biệt, không chỉ tích cực tham gia xây dựng sản phẩm OCOP, các chủ thể còn chuyển đổi mô hình sản xuất từ nhỏ lẻ sang hướng liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển kinh tế hợp tác kiểu mới trên cơ sở phát huy vai trò gắn kết giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ sản xuất – kinh doanh,…

Sau khi được chứng nhận đạt OCOP, nhiều chủ thể cũng đã đẩy mạnh sản xuất và kết nối thị trường tiêu thụ, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; nổi bật có các chủ thể như: Công ty Yến sào Trí Sơn (thành phố Mỹ Tho), Công ty Thiên Ân (Gò Công Tây), Cơ sở Mắm Bà Hai Diễm (Gò Công Tây), Hợp tác xã dê sữa Đông Nghi (Châu Thành)…Doanh thu hàng năm tăng thêm khoảng 30% và thương hiệu sản phẩm OCOP được khẳng định trên thị trường, người tiêu dùng ưa chuộng.

Từ đó thúc đẩy phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ tại địa phương, giúp khôi phục, phát huy nhiều ngành nghề truyền thống nổi tiếng của tỉnh như nghề đan đát ở Đồng Tháp Mười, nghề dệt chiếu ở huyện Châu Thành, nghề nuôi ong lấy mật kết hợp du lịch sinh thái ở ven thành phố Mỹ Tho, nghề làm mắm truyền thống vùng Gò Công...

Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm