Tiền Giang hỗ trợ kết nối thị trường cho sản phẩm OCOP

Sản phẩm OCOP "Bánh phồng tôm nhà cổ" được bán tại làng nhà cổ Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Hữu Chí - TTXVN
Sản phẩm OCOP "Bánh phồng tôm nhà cổ" được bán tại làng nhà cổ Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Hữu Chí - TTXVN

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, đến nay, tỉnh đã xây dựng và công nhận 174 sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); trong đó, có 95 sản phẩm 4 sao và 79 sản phẩm 3 sao. Có tồng cộng 70 chủ thể tham gia OCOP; trong đó, có 15 chủ thể là hợp tác xã, 22 doanh nghiệp và 33 hộ sản xuất kinh doanh.

Tiền Giang hỗ trợ kết nối thị trường cho sản phẩm OCOP ảnh 1Sản phẩm OCOP "Bánh phồng tôm nhà cổ" được bán tại làng nhà cổ Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Hữu Chí - TTXVN

Nhằm kết nối thị trường cho sản phẩm OCOP, Tiền Giang hỗ trợ 8 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP theo quy định nhận diện thống nhất của Bộ Công Thương trên địa bàn. Sắp tới, tỉnh sẽ phát triển thêm nhiều điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Các chủ thể OCOP còn được hỗ trợ tham gia vào các sự kiện lớn mỗi năm như: Diễn đàn Kết nối sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Mặt khác, ngành công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn thường xuyên đưa sản phẩm OCOP của tỉnh tham dự các hội chợ trong và ngoài tỉnh để giới thiệu quảng bá, xúc tiến thương mại; tiến hành xây dựng Cẩm nang giới thiệu sản phẩm OCOP làm tài liệu giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP; đưa thông tin sản phẩm OCOP tỉnh lên hệ thống quản lý - giám sát sản phẩm OCOP quốc gia trên website: ocopvietnam.gov.vn hoặc nhập thông tin các sản phẩm OCOP lên sàn OCOP trên trang sanocop.vn; đưa thông tin sản phẩm OCOP cấp tỉnh lên sàn giao dịch thương mại điện tử của Bưu điện tỉnh.

Bên cạnh đó, Tiền Giang còn hỗ trợ tem sao, hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc QR code dành các chủ thể đạt chứng nhận OCOP và hướng dẫn các hợp tác xã, doanh nghiệp đăng ký vay tín dụng tại Quỹ đầu tư phát triển tỉnh trong nỗ lực thúc đẩy phát triển sản phẩm và tăng trưởng doanh thu.

Ngoài ra, địa phương củng cố và nâng cấp các sản phẩm đã được đánh giá và phân hạng giai đoạn 2019-2022; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn. Từ kết quả trên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn nêu mục tiêu đến năm 2025, Tiền Giang phấn đấu ít nhất 200 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 5-7 điểm du lịch nông thôn, phấn đấu 10 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; 100% sản phẩm OCOP được giới thiệu trên trang web chuyên OCOP của tỉnh.

Theo đó, Tiền Giang ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP trong khối các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tỉnh đào tạo tập huấn cho 100% cán bộ quản lý chương trình, lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình OCOP.

Đặc biệt, đến năm 2025, có ít nhất 70% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại như: hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...; phấn đấu phát triển thêm 10 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

Nhằm đạt mục tiêu đề ra, từ nay đến năm 2025, địa phương kịp thời triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương về đẩy mạnh Chương trình OCOP thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Mặt khác, biên soạn, in ấn các tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, hướng dẫn như: Sổ tay hướng dẫn thực hiện Chương trình OCOP, tờ gấp tuyên truyền Chương trình OCOP nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ và nhân dân, nhất là chủ thể sản xuất để hiểu rõ về lợi ích, giá trị kinh tế tích cực trong thực hiện Chương trình OCOP. Từ đó, kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của từng vùng, từng địa phương trong tỉnh.

Đồng thời, tập huấn cho các chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP về nội dung: xác định tiềm năng sản phẩm OCOP, hướng dẫn viết câu chuyện sản phẩm, chuẩn hóa và phát triển sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP, xây dựng hồ sơ đánh giá sản phẩm,…Đối với mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, tiến hành khảo sát đánh giá về thực trạng phát triển cũng như khuyến nghị các mô hình du lịch nông nghiệp xanh, du lịch làng nghề,…nhằm có chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển sản phẩm của địa phương một cách phù hợp.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, theo lộ trình từ nay đến năm 2025, tinh triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ phát triển sản phầm OCOP về quản lý nhãn hiệu các sản phẩm OCOP, giấy chứng nhận, tem sao OCOP… Riêng đối với sản phẩm dịch vụ du lịch sẽ hỗ trợ bảng giới thiệu, tem điện tử truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm tham gia OCOP phục vụ du khách.

Các điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp còn được giúp giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP trên Cổng thông tin du lịch tỉnh; hỗ trợ hoàn thiện, nâng chất lượng các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn, Homestay, Farmstay…

Ngoài ra, hướng dẫn, hỗ trợ các nhóm hộ, tổ sản xuất, hợp tác xã nâng cấp hoàn thiện cơ sở sản xuất, hệ thống tổ chức sản xuất và kinh doanh theo hướng gia tăng thành viên, mở rộng quy mô sản xuất và kinh doanh cũng như đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến sản phẩm, thiết kế nhãn hiệu, mẫu, bao gói sản phẩm, liên kết sản xuất gắn với thị trường nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm OCOP đặc thù của từng đơn vị.

Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm