Tiền Giang bảo tồn và phát triển làng nghề

Công đoạn phơi bánh phồng tại cơ sở Quang Long, ấp An Hiệp, xã Đông Hòa Hiệp. Ảnh: Minh Trí – TTXVN
Công đoạn phơi bánh phồng tại cơ sở Quang Long, ấp An Hiệp, xã Đông Hòa Hiệp. Ảnh: Minh Trí – TTXVN

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, tỉnh hiện có 13 làng nghề được công nhận đang hoạt động; trong đó, có 5 làng nghề truyền thống, các làng nghề thuộc nhóm ngành nghề sản xuất như: chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản (bún, hủ tiếu, bánh phồng, bánh tráng, chế biến thủy sản), sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (chạm khắc gỗ), đan lát (bàng buông, dệt chiếu, bó chổi), sản xuất đồ gỗ (tủ thờ).

Tiền Giang bảo tồn và phát triển làng nghề  ảnh 1Nông dân làng hoa Tân Mỹ Chánh, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) chăm sóc hoa Tết. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Tỉnh hiện có 3.670 hộ với 11.867 lao động làm việc tại các làng nghề; trong đó, lao động tham gia sản xuất thường xuyên 10.085 lao động; có 65 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh hoạt động trong làng nghề; thu nhập bình quân từ 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Các làng nghề đã có những đóng góp quan trọng trong giải quyết việc làm, phát huy và khai thác tốt lao động có tay nghề, tạo ra thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân và thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Tiền Giang bảo tồn và phát triển làng nghề  ảnh 2Nông dân làng hoa Tân Mỹ Chánh chăm sóc hoa Tết. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Nhằm bảo tồn và phát triển làng nghề để tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông hộ, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch số 03/KH-UBND ngày về việc bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2023 - 2030.

Kế hoạch đã đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là: bảo tồn và phát triển 13 làng nghề được công nhận trên địa bàn tỉnh; xây dựng 1 - 2 làng nghề gắn với du lịch; trên 70% làng nghề hoạt động có hiệu quả; 80% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động; có ít nhất 50% làng nghề có sản phẩm được phân hạng theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); thu nhập bình quân của lao động tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020; 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường…

Đến năm 2030, tỉnh tiếp tục bảo tồn và phát triển các làng nghề được công nhận trên địa bàn tỉnh; xây dựng 2 - 3 làng nghề gắn với du lịch; trên 80% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả; 100% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản; có ít nhất 50% số làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu; 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.

Tiền Giang bảo tồn và phát triển làng nghề  ảnh 3Công đoạn cán bánh tại cơ sở Quang Long, ấp An Hiệp, xã Đông Hòa Hiệp. Ảnh: Minh Trí – TTXVN

Ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho hay, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao nhiệm vụ là cơ quan đầu mối chủ trì có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn và hướng dẫn thực hiện các nội dung của kế hoạch; hỗ trợ các cơ sở làng nghề tham gia các hội chợ làng nghề, hội thi các sản phẩm thủ công mỹ nghệ thường niên để quảng bá, xúc tiến thương mại và tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi.

Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp căn cứ chức năng, nhiệm vụ và điều lệ hoạt động chủ động, tích cực phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương và các cơ quan liên quan tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp và hội viên tham gia thực hiện bảo tồn và phát triển làng nghề. Tổ chức thực hiện các hoạt động cụ thể phù hợp với nội dung, nhiệm vụ bảo tồn và phát triển làng nghề; tham gia giám sát việc thực hiện Kế hoạch theo quy định của pháp luật.

Phát triển các làng nghề mới đảm bảo các giá trị văn hóa truyền thống, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững. Chuyển giao khoa học - công nghệ, cải thiện điều kiện sản xuất và bảo vệ môi trường làng nghề. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; nâng cao chất lượng của các hiệp hội ngành hàng; triển khai thực hiện các chính sách bảo tồn và phát triển làng nghề.

Tiền Giang bảo tồn và phát triển làng nghề  ảnh 4Công đoạn phơi bánh phồng tại cơ sở Quang Long, ấp An Hiệp, xã Đông Hòa Hiệp. Ảnh: Minh Trí – TTXVN

Theo ông Võ Văn Lập, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang nhận xét, hoạt động các làng nghề của tỉnh Tiền Giang hiện nay còn nhiều hạn chế như: quy mô sản xuất nhỏ lẻ theo hình thức hộ gia đình, sử dụng ngay diện tích ở làm nơi sản xuất, xen kẽ với khu dân cư trong làng nghề, mặt bằng sản xuất chật hẹp. Sản xuất thủ công, công nghệ lạc hậu nên việc tiếp cận thị trường, quảng bá sản phẩm còn yếu; việc đầu tư máy móc và cải tiến công nghệ, áp dụng khoa học - kỹ thuật còn hạn chế; nhiều cơ sở sản xuất không đủ vốn để đổi mới kỹ thuật, mở rộng sản xuất.

Đa số các làng nghề phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu bên ngoài, nên việc ổn định sản xuất, thay đổi mẫu mã sản phẩm, giảm giá thành sản phẩm khó thực hiện; thị trường tiêu thụ sản phẩm của một số làng nghề không ổn định. Người làm nghề ngày càng giảm do phần lớn thanh niên chọn làm việc ở các khu công nghiệp có thu nhập cao hơn. Cơ sở hạ tầng và dịch vụ phục vụ sản xuất còn yếu kém. Khả năng gắn kết làng nghề với các tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh còn rất khó khăn do hoạt động làng nghề còn trầm lắng nên việc tiếp cận, tìm hiểu và trải nghiệm với các sản phẩm du lịch làng nghề khó thu hút khách,...

Hữu Chí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm