Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam cho biết, tỉnh Tiền Giang hiện có 4/11 đơn vị cấp huyện (huyện Gò Công Tây, huyện Tân Phú Đông, huyện Gò Công Đông và TX. Gò Công) đã tổ chức đánh giá 11/18 sản phẩm OCOP cấp huyện, qua đó có 8 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 3 sản phẩm hạng 3 sao.
Trong số này, có 6 sản phẩm được đánh giá theo chuỗi giá trị (có giấy xác nhận chuỗi cung ứng do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh cấp) gồm: rau cải thìa của Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Gò Công, mắm tôm chà Bà Hai Diễm, mắm tôm chà Bà Hai Nhứt Gò Công, gà ta Gò Công của HTX Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công, rau cải ngọt của HTX Rau an toàn Tân Đông, trà mãng cầu Xiêm Travipha của Công ty TNHH Travipha (sản phẩm này có thể định hướng phát triển đạt 5 sao cấp quốc gia).
Sáu sản phẩm đã có mã vạch là mắm tôm chà Bà Hai Diễm, gà ta Gò Công, rau cải ngọt Tân Đông, trà mãng cầu Xiêm, nước uống đông trùng hạ thảo NICE (Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân), tinh dầu sả Thành Công (Công ty TNHH Tinh dầu sả Thành Công).
Có 7 sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, gồm: 5 nhãn hiệu tập thể (rau cải ngọt Tân Đông, rau cải thìa Gò Công, mắm tôm chà Bà Hai Nhứt Gò Công, mắm tôm chà Bà Hai Diễm, mắm tôm chà Kim Sa Gò Công) và 2 sở hữu trí tuệ: gà ta Gò Công, nước uống đông trùng hạ thảo NICE.
Tỉnh Tiền Giang hiện có các sản phẩm được chứng nhận OCOP gồm: trà trái mãng cầu xiêm Vĩnh Phát (Công ty TNHH Travipha, huyện Tân Phú Đông); thịt gà tươi Gà ta Gò Công (Hợp tác xã Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công, Thị xã Gò Công); mắm tôm chà Bà Hai Diễm (Cơ sở sản xuất Mắm Bà Hai Diễm, Thị xã Gò Công); nước Đông trùng hạ thảo NICE; nước Đông trùng hạ thảo - Yến HT+ và Đông trùng hạ thảo Thiên Ân (Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân, huyện Gò Công Tây); gạo VD 20 Gò Công (Công ty TNHH Thương mại HK, Thành phố Mỹ Tho); mắm cá cơm, mắm tôm chua và mắm ruốc (Cơ sở sản xuất Mắm Bà Hai Diễm, Thị xã Gò Công).
Tiền Giang có nhiều sản phẩm chủ lực đã nâng cao được khả năng cạnh tranh, dần đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước; trong đó, có một số nông sản đã vào được các thị trường tiềm năng, như: thanh long Chợ Gạo xuất khẩu sang Trung Quốc và một số nước châu Âu; xoài cát Hòa Lộc xuất khẩu sang Nhật Bản; vú sữa Lò Rèn xuất sang Mỹ; trứng cút sạch xuất sang Nhật Bản, Singapore.
Riêng xoài cát Hòa Lộc còn được sử dụng trên các chuyến bay Vietnam Airlines... đã mở ra cơ hội lớn cho việc quảng bá trái cây đặc sản của Tiền Giang đến khách hàng trong và ngoài nước.
Đây cũng là điều kiện thuận lợi, là cơ hội để tỉnh tiếp tục thực hiện Chương trình OCOP. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam cho biết, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh Chương trình OCOP trong năm 2020 (năm cuối của chương trình trong giai đoạn 2018 - 2020).
Bên cạnh việc tập trung nguồn lực triển khai, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường hỗ trợ các địa phương trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước và cả cộng đồng nói chung để cùng hiểu, cùng đồng thuận, cùng hăng hái tham gia Chương trình OCOP. Nỗ lực trên nhằm đưa các hoạt động của Chương trình OCOP triển khai trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, trên thực tế trong tổ chức thực hiện chương trình, một số địa phương cũng còn lúng túng trong khâu tuyên truyền, vận động sâu rộng, nên chủ thể sản xuất (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác…) đăng ký sản phẩm tham gia chương trình chưa nhiều. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực các cấp quản lý chương trình, nhất là cấp huyện (cấp hướng dẫn, thực hành), cấp xã (cấp triển khai, phối hợp, thực hành) và cả trong nhận thức cộng đồng về Chương trình OCOP cũng còn hạn chế...
Để khắc phục các hạn chế này và tiếp tục đẩy mạnh Chương trình OCOP trong năm 2020 (năm cuối của chương trình trong giai đoạn 2018 - 2020), ngành sẽ tiếp tục hỗ trợ tư vấn chuẩn hóa cho khoảng 20 sản phẩm để hình thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Song song đó, tỉnh hỗ trợ nâng cao chất lượng các sản phẩm đã được xếp hạng từ 3 đến 4 sao để tiếp tục nâng hạng sao gắn với chuỗi sản xuất và tiêu thụ; tổ chức ít nhất 3 lớp đào tạo chuyên đề về phát triển sản phẩm OCOP và 7 cuộc tập huấn về nội dung Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cho đội ngũ quản lý chương trình và chủ thể sản xuất tại 11 huyện, thị, thành.
Riêng về lĩnh vực xúc tiến thương mại, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ đưa các sản phẩm OCOP vào điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP không chỉ trong tỉnh, mà còn kết nối các sản phẩm OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong nước, trước hết là hướng vào các hệ thống phân phối Big C…
Hữu Chí