Huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) chuyển đổi 21ha trồng lúa kém hiệu quả sang trồng thanh long ruột đỏ. Ảnh: Hồng Nhung - TTXVN |
Theo ông Lê Hoàng Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông, để mở hướng làm giàu bền vững cho nông dân vùng đất nhiễm mặn ven biển nhiều khó khăn, Gò Công Đông quan tâm chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp, khuyến khích bà con trồng rau màu an toàn hoặc theo tiêu chí GAP cho sản phẩm an toàn và truy xuất được nguổn gốc. Đồng thời, đa dạng hóa chủng loại rau màu, nhân rộng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như: trồng màu luân canh, xen canh trên chân ruộng; trồng màu trên đất giồng cát cao hoặc đất gò ven biển theo hướng thích ứng biến đổi khi hậu vừa tiết kiệm được nguồn nước bơm tưới,…
Hiện nay, tùy theo đặc thù địa hình, thổ nhưỡng, địa phương hình thành được những vùng chuyên canh rau màu như: vùng trồng rau cần, hành, ngò rí ở các xã Bình Nghị, Bình Ân, Tân Đông; vùng trồng cài tiều xại, củ cải trắng, hành tím ở Tân Điền, Tăng Hòa; vùng trồng dưa hấu ở Tân Thành…Địa phương cũng đã tổ chức được vùng trồng rau an toàn ở hai xã Tân Đông và Bình Nghị, đồng thời hình thành những mô hình hợp tác kiểu mới nhằm chuyển giao kỹ thuật trồng theo hướng GAP hoặc an toàn. Đặc biệt, tại Tân Đông đã có Hợp tác xã rau an toàn Tân Đông đang hoạt động rất có hiệu quả.
Ông Lê Hoàng Việt đánh giá, Tân Đông (Gò Công Đông) là xã ven biển nhiễm mặn đầy khó khăn. Để thích ứng với điều kiện thiên nhiên khắt nghiệt, huyện khuyến khích nông dân chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng rau màu theo ngưỡng an toàn nhằm giải quyết đầu ra cho kinh tế nông nghiệp vừa thích ứng biến đổi khí hậu. Chủ trương trên được nhiều nông dân hưởng ứng, áp dụng thành công.
Thu hoạch ớt tại ấp Xóm Chủ, xã Kiểng Phước (Gò Công Đông). Ảnh: Hồng Nhung - TTXVN |
Ông Trần Văn Bương, Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn xã Tân Đông cho biết, Hợp tác xã hiện có qui mô 7 thành viên, diện tích sản xuất trên 12 ha; trong đó, sản xuất theo quy trình an toàn trên 5 ha, theo tiêu chí VietGAP là 7 ha với 36 chủng loại rau màu cung ứng thị trường. Từ đó, giải quyết công ăn việc làm cho trên 20 lao động với mức thu nhập từ khoảng 3 triệu đồng đến 4 triệu đồng/tháng.
Ông Lê Văn Tỷ, cư ngụ tại ấp Bờ Kênh, xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông là một thành viên của Hợp tác xã rau an toàn Tân Đông. Ông Tỷ trước đây rất nghèo, gia đình chỉ có 0,2 ha đất trồng lúa năng suất cao, thu nhập bấp bênh, quanh năm luôn phải chịu cảnh thiếu trước hụt sau. Vài năm trở lại đây, ông tham gia hợp tác xã, chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng rau an toàn mà đời sống khá lên.
Trung bình mỗi năm, ông Tỷ trồng 3 vụ rau ăn lá (khoảng 9 tháng), thời gian còn lại trong năm trồng rau ăn trái như: bầu, bí, mướp với chu kỳ thu hoạch kéo dài trong khoảng ba tháng. Về hiệu quả kinh tế, ông Tỷ hạch toán, trong năm, sau khi trừ chi phí, gia đinh còn lãi ròng khoảng 70 triệu đồng trên diện tích canh tác là 0,2 ha. Tính ra, mỗi ha cho thu nhập khoảng 350 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa năng suất cao trước đây.
Lãnh đạo huyện Gò Công Đông cho biết, mô hình trồng rau an toàn thích ứng biến đổi khí hậu vùng ven biển được đánh giá cao về tính hiệu quả và khả thi, giúp nông dân nơi đây ổn định cuộc sống và an cư lạc nghiệp. Sắp tới, cùng với mở rộng diện tích rau màu, địa phương nhân rộng mô hình làm ăn kiểu mới của Hợp tác xã rau an toàn Tân Đông để nông dân cùng làm giàu, từng bước khẳng định vị thế cây rau màu trên vùng đất khó ven biển Gò Công.
Hiện nay, huyện Gò Công Đông đã mở rộng diện tích màu thực phẩm lên gần 11.000 ha trong đó có hàng ngàn ha màu luân canh hoặc xen canh trên chân ruộng, cho sản lượng hàng năm lên đến 145.000 tấn rau màu các loại cung ứng thị trường.
Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, trong vụ Đông Xuân vừa qua, các cây màu chủ lực trên địa bàn ven biển Gò Công như: dưa hấu, ớt, rau ăn lá các loại…đều cho nông dân nguồn thu nhập gấp đôi trồng lúa năng suất cao. Đây là tiền đề thuận lợi để bà con tiếp tục lựa chọn cây trồng hiệu quả gắn với tồ chức lại sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm an cư lạc nghiệp.
Minh Trí