![]() |
Thiếu nữ dân tộc Thái (Thanh Hóa) biểu diễn đánh cồng chiêng tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ III - 2018.Ảnh: Phương Thảo |
Đi tìm truyền nhân
Trang phục truyền thống, nhạc cụ dân tộc và những nghi thức sinh hoạt trong các dịp đặc biệt của mỗi tộc người, bằng chính tâm huyết của mình, họ đã giữ nó trường tồn qua thời gian.
![]() |
Nghệ nhân Bo Bo Hùng (Khánh Hòa) trổ bày tài nghệ chơi đàn đá của mình. Ảnh: Song Anh |
Một câu chuyện khác, cũng là âm nhạc truyền thống trong đời sống của đồng bào và cách họ gian nan để mang nó đến với các chương trình nghệ thuật có số đông khán giả. Nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Hùng (Thanh Hóa), với nghệ thuật diễn tấu “Trò Xuân Phả” - Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia - cho biết, hiện nay người biết cầm trống tại Thanh Hóa đếm chưa đủ trên đầu ngón tay. “Hiện bộ môn này ở Thanh Hóa chỉ 2 nghệ nhân là tôi và một ông lão hơn 80 tuổi chỉ gõ được trống. Về điệu múa thì tìm mãi vẫn không thấy người trẻ nào theo” - ông Hùng nói. Để đào tạo một thành viên có thể tự tin đứng hát, biểu diễn trên sân khấu, hát cho say lòng khán giả cũng cần thời gian vài năm, đó không phải là chuyện dễ dàng khi ngày càng hiếm lớp trẻ tham gia. Trong khi đó, Nghệ An với rất nhiều các nhạc cụ truyền thống và làn điệu dân ca nhưng vẫn khá chật vật để đến được với các chương trình có khán giả. Cô gái tài hoa Phạm Thu Hoàng, với tiếng sáo Mông, khèn lá đặc trưng của các huyện miền núi Nghệ An cho biết, đã hơn 5 năm theo đuổi con đường biểu diễn chuyên nghiệp tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An, nhưng các suất diễn riêng cho những bộ môn nghệ thuật truyền thống rất ít. “Vì thị hiếu của khán giả nghiêng về tính giải trí nhiều hơn nên phải kết hợp cả hiện đại và truyền thống thì nhạc cụ dân tộc mới có đất diễn. Em nghĩ đây cũng là lý do không có nhiều người trẻ đam mê và theo đuổi nghệ thuật truyền thống” - Phạm Thu Hoàng nói.
Bảo tồn bản sắc
Ngoài văn hóa truyền thống, việc bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc trong đời sống hiện đại cũng là vấn đề với các địa phương. Ông Bùi Quang Vinh - Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An cho biết, trang phục là một trong những chỉ dấu quan trọng để nhận biết một tộc người. Việc giữ gìn trang phục truyền thống nhằm bảo tồn, phát triển tính đa dạng văn hóa của các dân tộc, thể hiện thẩm mỹ, tín ngưỡng, tập quán của từng dân tộc. Việc sáng tạo, cách tân bộ trang phục truyền thống để ứng dụng vào thời trang hàng ngày cũng là một trong những cách để thổ cẩm hay các chất liệu do bàn tay sáng tạo của đồng bào làm nên không rơi vào cảnh mai một. Câu chuyện lại nhắc đến Bảo tàng “Di sản vô giá” đặt tại Hội An do một người Pháp sáng lập. Hơn 50 bộ trang phục truyền thống, gần như độc bản của mỗi một dân tộc, được bảo tàng này đưa về trưng bày. Dẫu với ý nghĩa như một cách để giới thiệu đến đông đảo du khách về trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nhưng hẳn phía sau đó phải đặt dấu chấm hỏi cho chính những người quản lý và hoạt động văn hóa của Việt Nam.
Nghệ nhân muốn giữ lại vốn liếng văn hóa của đồng bào mình, thì gần như họ phải tự xoay xở để duy trì các nếp sinh hoạt truyền thống ở ngay trong cộng đồng. Chưa kể, tự bản thân họ phải tìm kiếm các tư liệu từ chính người già của làng để may ra định hình các giá trị văn hóa nguyên bản. Nghệ nhân Kray Sức, dân tộc Pa Kô (Quảng Trị) đã nhiều năm ròng rã ghi chép, điền dã về các giá trị văn hóa của người Pa Kô từ khắp các địa phương dọc dải Trường Sơn, kể cả việc ông tìm sang các bản của Lào. Kray Sức nói, việc bảo tồn văn hóa của đồng bào Pa Kô là thôi thúc tự lòng mình, bởi tâm nguyện của nghệ nhân hát dân ca, chơi nhạc cụ truyền thống Pa Kô là muốn các giá trị văn hóa bản địa của đồng bào mình không bị nhạt phai. “Việc đồng bào mình lấy văn hóa của người Kinh để làm cái ngưỡng mà hướng tới, thì hoàn toàn không nên. Đó không chỉ là vấn đề của đồng bào Pa Kô, mà của nhiều DTTS khác nữa. Mình mong muốn là đồng bào mình phải viết được, đọc được chữ của đồng bào mình cái đã, rồi tiến đến việc hiểu các giá trị văn hóa thiêng liêng và tự hào về vốn văn hóa của dân tộc mình. Làm được vậy thì phải có cái nhà cho đồng bào sinh hoạt, không phải các nhà cộng đồng mà Nhà nước dựng lên, mà phải là nhà truyền thống theo đúng văn hóa của mỗi cộng đồng” - nghệ nhân Kray Sức nói.
Trong khi đó, tại Quảng Nam, câu chuyện bảo tồn bản sắc vẫn luôn là điều đau đáu từ các nghệ nhân, nghệ sĩ vùng cao. “Tôi không so sánh nhưng có thể thấy, dọc dải Trường Sơn, đồng bào các dân tộc BaNa, Jarai, ÊĐê… của các tỉnh Tây Nguyên họ đã định hình được nền nếp, truyền thống lâu đời, rõ ràng, nên nguy cơ biến dạng bản sắc của họ diễn tiến chậm. Ở Quảng Nam còn người Xê Đăng và Cơ Tu còn khoảng 70 - 80% các phong tục, nền nếp, bản sắc văn hóa đồng bào. Trong khi người Co của tôi chẳng hạn, do quá gần với người Kinh, hoặc lấy vợ hoặc chồng người Kinh, thì không thể tránh khỏi văn hóa truyền thống của tộc người sẽ bị pha trộn, rồi phai nhạt, nếu bản thân không thực sự bản lĩnh” - nhạc sĩ Dương Trinh - Chi hội trưởng Chi hội Văn học nghệ thuật các DTTS miền núi Quảng Nam, trăn trở.