Người Xê - Đăng ở Nam Trà My

Cùng với bảo tồn văn hóa vật thể, người Xê-đăng rất có ý thức giữ gìn các giá trị truyền thống, đặc biệt là nghề dệt thổ cẩm, đan lát, rèn thủ công…. Ảnh: Khánh Nguyên
Cùng với bảo tồn văn hóa vật thể, người Xê-đăng rất có ý thức giữ gìn các giá trị truyền thống, đặc biệt là nghề dệt thổ cẩm, đan lát, rèn thủ công…. Ảnh: Khánh Nguyên

Đồng bào dân tộc Xê-đăng sinh sống chủ yếu tại 3 xã: Trà Cang, Trà Nam và Trà Linh thuộc huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam). Với tập quán canh tác trên các thửa ruộng bậc thang, xung quanh là plơi (làng) nên nhiều giá trị văn hóa gắn liền với quá trình canh tác của họ vẫn được giữ gìn khá nguyên vẹn.

Người Xê - Đăng ở Nam Trà My ảnh 1Ngoài trồng trọt và canh tác nương rẫy quanh làng, người Xê-đăng còn dựa vào các thung lũng để làm ruộng bậc thang, ổn định cuộc sống. Ảnh: Khánh Nguyên

Người Xê-đăng thường sống theo plơi, mỗi plơi có khoảng 15 - 20 nóc nhà, mỗi nóc lại có 8 - 10 người. Họ thường ở trong các nhà sàn, mái thấp, lợp bằng lá và dựng rất gần nhau, xen vào giữa là kho thóc của từng gia đình. Mỗi plơi thường có một ngôi nhà sàn dựng ở giữa làm nơi tập hợp vui chơi của mọi người. Đây cũng là nơi tiến hành các nghi lễ truyền thống, nhất là lễ hội đâm trâu.

Người Xê - Đăng ở Nam Trà My ảnh 2Không còn sinh sống ở vùng biệt lập, nhiều bản làng người Xê-đăng bây giờ đã có đường bê tông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đem lại cuộc sống mới cho đồng bào. Ảnh: Khánh Nguyên

Trong tín ngưỡng của người Xê-đăng, sản xuất nông nghiệp thuận lợi, lúa - ngô (bắp) đầy kho là do thần lúa ban tặng nên những lúc được mùa, họ thường tổ chức Lễ mừng lúa mới với nghi thức rước “hồn lúa” diễn ra khá trang trọng. Theo già làng Hồ Văn Bông ở thôn 1, xã Trà Linh, người Xê-đăng cho rằng, “hồn lúa” thường trú ngụ trong một giống lúa xưa nhất và được trồng riêng trong một mảnh đất thiêng trên rẫy. Vì vậy, trong nghi thức luôn có tục căng dây đưa “hồn lúa” về kho và được tổ chức khá chu đáo.

Người Xê - Đăng ở Nam Trà My ảnh 3Phụ nữ Xê-đăng trình diễn cách thức giã gạo tại không gian văn hóa truyền thống. Ảnh: Khánh Nguyên

Hiện nay, đồng bào Xê đăng ở Nam Trà My thường trồng một số loại cây làm “nhân ngãi” cho lúa như: hành, nghệ, mào gà… Các cây chọc lỗ dùng xong được dựng lại tại chỗ để bảo vệ “hồn lúa”. Lúa giống được để vào chiếc gùi dưới chân cây nêu, trên ngọn có cắm bông lau tượng trưng cho hoa lúa, các gia đình trong nóc sẽ được phát giống lúa đó để trồng trên rẫy. Họ cũng giữ lại một ít lúa để làm cơm dâng thần linh, tiễn đưa “hồn lúa” lên rẫy và mời bạn bè thưởng thức.

Người Xê - Đăng ở Nam Trà My ảnh 4Tái hiện nghi thức cúng máng nước, cầu mong cho dân làng một năm mới an khang, thịnh vượng. Ảnh: Khánh Nguyên

Cũng như các dân tộc anh em khác, người Xê-đăng có những nghi lễ dân gian truyền thống. Theo kinh nghiệm cổ truyền, mùa lao động sản xuất được báo hiệu bằng tiếng sấm đầu năm. Vào những ngày trăng tròn tháng 3, họ lại tổ chức Lễ cúng máng nước. Máng nước tượng trưng cho sự sống của cả làng, cúng máng nước là một hình thức củng cố cộng đồng làng, con cháu đi làm ăn xa, những người đi lấy chồng hay ở rể các làng xa đều về họp mặt.

Người Xê - Đăng ở Nam Trà My ảnh 5Cùng với bảo tồn văn hóa vật thể, người Xê-đăng rất có ý thức giữ gìn các giá trị truyền thống, đặc biệt là nghề dệt thổ cẩm, đan lát, rèn thủ công…. Ảnh: Khánh Nguyên

Ngoài các tín ngưỡng liên quan đến lúa, người Xê-đăng còn có tục trồng cây gạo khi lập làng mới với quan niệm có thần linh trú ngụ, tượng trưng cho sự trường sinh bất tử. Tới làng của người Xêđăng, nếu có nhiều cây gạo to có nghĩa là họ đã cư trú ở đó lâu đời. Cây gạo cũng tượng trưng cho quê hương xưa của tổ tiên người Xê-đăng.

Người Xê - Đăng ở Nam Trà My ảnh 6Những năm gần đây, từ cây sâm Ngọc Linh, người Xê-đăng đã đổi đời thực sự. Nhiều người Xê-đăng trở nên giàu có với vườn sâm lên đến hàng chục tỷ đồng. Ảnh: Khánh Nguyên

Dù trải qua nhiều thế hệ, nhiều tháng năm nhưng đến nay, những tín ngưỡng dân gian của người Xê-đăng cùng các nghi thức dân gian đặc sắc vẫn luôn tồn tại, góp phần vào sự đa dạng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Khánh Nguyên

(DTMN)
Dân tộc Xơ Đăng Dân tộc Xơ Đăng

Tên tự gọi: Xơ Teng (Hđang, Xđang, Xđeng), Tơ Ðrá (Xđrá, Hđrá), Mnâm, Ca Dong, Ha Lăng (Xlang), Tà Trĩ (Tà Trê), Châu.

Tên gọi khác: Xê Đăng, Hđang, Kmrâng, Con lan, Brila.

Nhóm địa phương: Xơ Teng, Tơ Ðrá, Mnâm, Ca Dong, Ha Lăng, Tà Trĩ, Châu.

Dân số: 169.501 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).

Ngôn ngữ: Tiếng Xơ Ðăng thuộc ngôn ngữ Môn - Khơ Me (ngữ hệ Nam Á), gần với tiếng Hrê, Ba Na, Gié Triêng. Giữa các nhóm có một số từ vựng khác nhau. Chữ viết dùng hệ chữ cái La-tinh, mới hình thành cách đây mấy chục năm.

Lịch sử: Người Xơ Ðăng thuộc số cư dân sinh tụ lâu đời ở Trường Sơn - Tây Nguyên và vùng lân cận thuộc miền núi của Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Hoạt động kinh tế: Một bộ phận trồng lúa nước, điển hình là nhóm Mnâm làm ruộng theo lối sơ khai: làm đất bằng cách lùa đàn trâu dẫm quần và dùng cuốc đẽo từ gỗ (nay đã có cuốc lưỡi sắt)... Còn lại, kinh tế rẫy đóng vai trò chủ đạo, với công cụ và cách thức canh tác tương tự như những tộc người khác trong khu vực. Chặt cây bằng rìu và dao quắm hay xà gạc, đốt bằng lửa; chọc lỗ để tra hạt giống thì dùng gậy đẽo nhọn hay gậy có lưỡi sắt; làm cỏ bằng loại cuốc con có cán lấy từ chạc cây và cái nạo có lưỡi bẻ cong về một bên; thu hoạch thì dùng tay tuốt lúa. Ngoài lúa, người Xơ Ðăng còn trồng kê, ngô, sắn, bầu, bí, thuốc lá, dưa, dứa, chuối, mía... Vùng người Ca Dong có trồng quế. Vật nuôi truyền thống là trâu, dê, lợn, chó, gà. Việc hái lượm, săn bắn, kiếm cá có ý nghĩa kinh tế không nhỏ.


Nghề dệt vải có ở nhiều vùng. Nghề rèn phát triển ở nhóm Tơ Ðrá, họ biết chế sắt từ quặng để rèn. Một số nơi người Xơ Ðăng đã biết đãi vàng sa khoáng. Ðan lát phát triển, cung cấp nhiều vật dụng. Họ ưa thích trao đổi vật trực tiếp, nay đã dùng tiền.

Ăn: Người Xơ Ðăng ăn cơm tẻ, cơm nếp với muối ớt và các thức kiếm được từ rừng; khi cúng bái mới có thịt gia súc, gia cầm. Phổ biến là món canh nấu rau hoặc măng lẫn thịt hay cá, ốc và các món nướng. Họ uống nước lã (nay nhiều người đã đun chín), rượu cần. Ðặc biệt rượu được chế từ loại kê chân vịt ngon hơn rượu làm từ gạo, sắn.

Một số nơi người Xơ Ðăng có tập quán ăn trầu cau. Nam nữ đều hút thuốc lá; có nơi, đồng bào đưa thuốc lá nghiền thành bột vào miệng thay vì hút trong tẩu.

Mặc: Nam đóng khố, ở trần. Nữ mặc váy, áo. Trời lạnh dùng tấm vải choàng người. Trước kia, nhiều nơi người Xơ Ðăng phải dùng y phục bằng vỏ cây. Nay đàn ông thường mặc quần áo như người Việt, áo nữ cũng là áo cánh, sơ mi, váy bằng vải dệt công nghiệp. Vải cổ truyền Xơ Ðăng có nền màu trắng mộc của sợi hoặc màu đen, hoa văn ít và chủ yếu thường dùng các màu đen, trắng, đỏ.

: Người Xơ Ðăng cư trú ở tỉnh Kon Tum và hai huyện Trà My, Phước Sơn tỉnh Quảng Nam, huyện Tây Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; sống tập trung nhất ở vùng quần sơn Ngọc Linh. Họ ở nhà sàn, trước kia nhà dài, thường cả đại gia đình ở chung (nay phổ biến hình thức tách hộ riêng). Nhà ở trong làng được bố trí theo tập quán từng vùng: có nơi quây quần vây quanh nhà rông ở giữa, có nơi dựng lớp lớp ngang triền đất và không có nhà rông. Kỹ thuật làm nhà chủ yếu là sử dụng ngoàm và buộc dây, mỗi hàng cột chạy dọc nhà được liên kết thành một vì cột, mỗi ngôi nhà có một vì cột, mỗi ngôi nhà có hai vì cột.

Phương tiện vận chuyển: Gùi được dùng hàng ngày chuyên chở hầu như mọi thứ trên lưng, mỗi quai khoác vào một vai. Có các loại gùi khác nhau: đan thưa, đan dày, có nắp, không nắp, có hoa văn, không có hoa văn... Nam giới còn có riêng gùi 3 ngăn (gùi "cánh dơi") hoặc gùi gần giống hình con ốc sên. Gùi ở các nhóm Xơ Ðăng có sự khác biệt nhau nhất định về kiểu dáng, kỹ thuật đan.

Quan hệ xã hội: Từng làng có đời sống tự quản, đứng đầu là ông "già làng". Lãnh thổ của làng là sở hữu chung, trên đó mỗi người có quyền sở hữu ruộng đất để làm ăn. Tuy đã hình thành giàu - nghèo nhưng chưa có bóc lột một cách rõ rệt, xưa kia nô lệ mua về và người ở đợ không bị đối xử hà khắc. Quan hệ cộng đồng trong làng được đề cao.

Cưới xin: Phong tục ở các vùng không hoàn toàn giống nhau. Song, phổ biến là cư trú luân chuyển mỗi bên mấy năm, thường khi cha mẹ qua đời mới ở hẳn một chỗ. Ðám cưới có lễ thức cô dâu chú rể đưa đùi gà cho nhau ăn, đưa rượu cho nhau uống, cùng ăn một mâm cơm... để tượng trưng sự kết gắn hai người. Không có tính chất mua bán trong hôn nhân.

Ma chay: Cả làng chia buồn với tang chủ và giúp việc đám ma. Quan tài gỗ đẽo độc mộc. Những người chết bình thường được chôn trong bãi mộ chung của làng. Lệ tục cụ thể không hoàn toàn thống nhất giữa các nhóm. Không có lễ bỏ mả như người Ba Na, Gia Rai... Tục "chia của" cho người chết (đồ mặc, tư trang, công cụ, đồ gia dụng...) phổ biến.

Thờ cúng: Người Xơ Ðăng tin vào sức mạnh siêu nhiên, các "thần" hay "ma" được gọi là Kiak (Kia) hoặc "Ông", "Bà", chỉ một số nơi gọi là "Yàng". Các thần quan trọng như thần sấm sét, thần mặt trời, thần núi, thần lúa, thần nước... Thần nước hiện thân là thuồng luồng, hoặc con "lươn" khổng lồ, hoặc con lợn mũi trắng. Thần lúa có dạng bà già xấu xí, tốt bụng, thường biến thành cóc. Trong đời sống và canh tác rẫy có rất nhiều lễ thức cúng bái đối với các lực lượng siêu nhiên, tập trung vào mục đích cầu mùa, cầu an, tránh sự rủi ro cho cộng đồng và cá nhân.

Lễ tết: Quan trọng nhất là lễ cúng thần nước vào dịp sửa máng nước hàng năm, các lễ cúng vào dịp mở đầu năm làm ăn mới, mở đầu vụ trỉa lúa, khi lúa đến kỳ con gái, khi thu hoạch, các lễ cúng khi ốm đau, dựng nhà rông, làm nhà mới, khi con cái trưởng thành... Nhiều dịp sinh hoạt tôn giáo đồng thời có tính chất hội hè của cộng đồng làng, tiêu biểu là lễ trước ngày trỉa, lễ cúng thần nước, lễ có đâm trâu của làng cũng như gia đình. Tết dân tộc tổ chức trước sau tuỳ làng, nhưng thường trong tháng Giêng (dương lịch), kéo dài 3-4 ngày.

Lịch: Cách tính lịch một năm có 10 tháng, gắn với một chu kỳ làm rẫy, sau đó là thời gian nghỉ sản xuất kéo dài cho đến khi bước vào vụ rẫy mới. Mỗi tháng 30 ngày. Trong ngày được chia ra các thời điểm với tên gọi cụ thể. Phân biệt ngày tốt, ngày xấu, ví dụ: ngày cuối tháng nếu trồng ngô sẽ nhiều hạt, chặt tre nứa dùng sẽ không bị mọt...

Văn nghệ: Người Xơ Ðăng có nhiều loại nhạc cụ (đàn, nhị, sáo dọc, ống vỗ kloongbút, trống, chiêng, cồng, tù và, ống gõ, giàn ống hoạt động nhờ sức nước...). Có loại dùng giải trí thông thường, có loại dùng trong lễ hội. Các loại nhạc cụ cụ thể và điệu tấu nhạc có sự khác nhau ít nhiều giữa các nhóm. Những điệu hát phổ biến là: hát đối đáp của trai gái, hát của người lớn tuổi, hát ru. Trong một số dịp lễ hội, đồng bào trình diễn múa: có điệu múa riêng cho nam, riêng cho nữ, cũng có điệu múa cả nam, nữ cùng tham gia. Truyện cổ Xơ Ðăng phong phú và đặc sắc.

Theo cema.gov.vn

Có thể bạn quan tâm