Cồng chiêng trong đời sống của người Xơ Đăng

Cồng chiêng trong đời sống của người Xơ Đăng
Cồng chiêng - Hơi thở của đại ngàn

Cồng chiêng như hơi thở cuộc sống, gắn bó mật thiết với con người Tây Nguyên. Cộng đồng người Xơ Đăng cũng sáng tạo ra một không gian văn hóa cồng chiêng độc đáo, mang bản sắc riêng của dân tộc mình. Có bộ chỉ gồm 2 chiếc cho đến bộ đầy đủ lên tới 15 hoặc 18 chiếc. Ở những bộ chiêng như thế có cồng là loại có núm thường giữ chức năng đệm và chiêng là loại không có núm, còn gọi là chiêng bằng thể hiện bài bản, giai điệu.

Cồng chiêng gắn liền với lễ hội, mà lễ hội dân gian của các dân tộc bản địa ở Kon Tum khá dày, diễn ra quanh năm với chu kỳ sinh trưởng của cây lúa rẫy, chu kỳ một đời người và những sự việc liên quan tới cộng đồng (plei). Cồng chiêng có khả năng trình diễn độc lập, nhưng cũng có thể kết hợp với nhiều loại nhạc khí khác, kể cả giọng hát của con người.
 
Cồng chiêng trong lễ hội của người Xơ Đăng
Cồng chiêng trong lễ hội của người Xơ Đăng

Nghệ thuật cồng chiêng đã đạt tới mức độ hoàn chỉnh khá cao, cả về nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng, đã bộc lộ tài năng, tinh thần thượng võ và trình độ cộng đồng. Như vậy, âm nhạc cồng chiêng đã khẳng định được giá trị của mình không chỉ trong đời sống xã hội mà còn là kết tinh của hồn thiêng sông núi, qua bao thế hệ, được biểu hiện trong đời sống văn hoá cộng đồng của người Xơ Đăng.

Sự giàu có và sức sống của buôn làng

Người Xơ Đăng đã sáng tạo ra nhiều loại nhạc cụ độc đáo, nhưng đặc sắc và gắn bó chặt chẽ với đời sống của họ là cồng chiêng. Cồng chiêng không chỉ có giá trị như một loại nhạc cụ đơn thuần mà còn biểu hiện sự giàu có của từng gia đình, từng làng. Ngoài việc phân định sự giàu có của một gia đình bằng trâu, ghè (ché) thì cồng chiêng là vật có giá trị hàng đầu. Đến một gia đình thấy có treo nhiều bộ cồng chiêng thì biết ngay nhà này có nhiều lúa gạo, trâu bò chật bãi, lợn gà đầy sân. Mỗi chiếc cồng, con chiêng có thể đổi ngang giá một con trâu (thời giá hiện nay khoảng 5 triệu đồng), có cái đổi được 3 - 5 con bò, con trâu, nhưng cũng có loại giá trị tới 40 con trâu một bộ. Làng nào có nhiều cồng chiêng thì chứng tỏ làng ấy giàu có. Như vậy, cồng chiêng đã biểu hiện giá trị vật chất rõ rệt trong đời sống cộng đồng của người Xơ Đăng.

Nhà nào có nhiều chiêng quý là giàu có, là sức mạnh, được người khác kính trọng. Dòng họ nào, làng nào có nhiều cồng chiêng sẽ được các dòng họ, làng khác nể nang, nghe theo. Đối với những người chơi được các bài chiêng hay, chiêng cổ hoặc người lên dây chiêng (ngai pró ching) được mọi người quý trọng và tôn họ làm đội trưởng của đội cồng chiêng.

Cầu nối giữa con người và thần linh

Người Xơ Đăng đã sử dụng cồng chiêng làm ngôn ngữ “đối thoại” với các đấng thần linh và tổ tiên. Vì là vật thiêng nên trước khi sử dụng trong các nghi lễ, người Xơ Đăng bao giờ cũng hiến tế thần bằng cách bôi máu gà lên cồng chiêng để thể hiện lòng tôn kính của mình. Vào những ngày lễ hội, hình ảnh của những chàng trai, cô gái, vừa đánh chiêng vừa nhảy múa xung quanh cây nêu bên ánh lửa bập bùng và những ché rượu cần tạo nên không gian lung linh, huyền ảo.
 
Đồng bào Xơ Đăng diễn tấu cồng chiêng tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Đồng bào Xơ Đăng diễn tấu cồng chiêng tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam  

Cồng chiêng theo người Xơ Đăng đến những nghi lễ cộng đồng, trong những ngày tháng của mùa vụ mới, hay trong những nghi lễ của vòng đời người. Trong mỗi một môi trường, một nghi thức được diễn ra để đáp ứng nhu cầu tâm linh cho con người. Họ kết nối với thần linh không chỉ bằng vật hiến tế mà nó còn được truyền tải bằng âm thanh của cồng chiêng.

Tương ứng với mỗi nghi lễ là một bài chiêng được diễn tấu một cách trang trọng và đầy tính thiêng. Âm thanh của nó vang lên khi ngân nga sâu lắng đầy tình cảm, khi trầm hùng thôi thúc từng cá thể trong cộng đồng, nó hoà cùng tiếng suối, tiếng gió reo trong muôn vàn cây lá, hòa cùng trời đất, con người bay cao và vang tận trời xanh. Cồng chiêng sống mãi trong tâm hồn của người Xơ Đăng và trở thành phương tiện để con người giao tiếp với thần linh, với ngưỡng vọng giản dị nhưng chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc.

Sợi dây cố kết cộng đồng

Cồng chiêng là tín hiệu, là tiếng nói riêng của người Xơ Đăng. Thông qua tiếng cồng chiêng, người Xơ Đăng có thể hiểu hết những điều cần nói với nhau, đặc biệt là trong các dịp lễ tết, tiếng chiêng như thúc giục con người quây quần lại gần nhau. Trong sinh hoạt văn nghệ, cồng chiêng như mời gọi trai gái đến với các làn điệu dân ca trữ tình, giao duyên, cồng chiêng liên kết mọi người trong vòng xoang, theo những điệu múa uyển chuyển; Cồng chiêng còn quy tụ con cái, họ hàng khi gia đình có người qua đời. Xưa kia, cồng chiêng còn là âm thanh để kêu gọi, cổ vũ mọi người xung trận bảo vệ cộng đồng làng. Những đêm tụ hội nhà rông, tiếng cồng chiêng vang vọng, tràn ngập cả núi rừng, lúc vang bên phải, lúc vang bên trái, lúc to, lúc nhỏ, khi gần, khi xa, lúc tưởng như đã đến nơi rồi, lúc lại nghe mơ hồ tận đâu đó tít phía thâm u cùng cốc giữa núi rừng đại ngàn.
 
Dàn chiêng của cộng đồng người Xơ Đăng
Dàn chiêng của cộng đồng người Xơ Đăng

Với người Xơ Đăng, mọi biến động có thể xảy ra, nhưng cồng chiêng không bao giờ rời khỏi con người. Người Xơ Đăng khi nghe tiếng cồng chiêng có thể hiểu được những thông tin cần truyền đạt. Sự phân biệt tinh tế được biểu hiện bằng giai điệu, tiết tấu, kết hợp của âm nhạc, cồng chiêng liên kết giữa con người với cộng đồng, với thiên nhiên và đây là một đặc điểm độc đáo gắn chặt cồng chiêng với đời sống của người Xơ Đăng.

Cồng chiêng chính là biểu hiện của sự giàu có, là đỉnh cao về đời sống văn hoá làng, là tiếng nói tâm linh của cá nhân cộng đồng. Đó chính là những “bản văn tự bất thành văn” thể hiện đầy đủ phong tục tập quán được lưu truyền từ đời này sang đời khác trong cộng đồng người Xơ Đăng.
Theo Langvietonline.vn

Có thể bạn quan tâm