Người giữ lửa văn hóa dân tộc Cao Lan

Người giữ lửa văn hóa dân tộc Cao Lan
Ông Nịnh Văn Chau sưu tầm, biên soạn chữ của người Cao Lan sang tiếng Việt để dạy cho các em trong thôn, xã. Ảnh: Long Vũ
Ông Nịnh Văn Chau sưu tầm, biên soạn chữ của người Cao Lan sang tiếng Việt để dạy cho các em trong thôn, xã. Ảnh: Long Vũ

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về dạy và học chữ Cao Lan, ngay từ nhỏ, ông Chau luôn miệt mài theo cha học chữ, học đạo làm người. Đến năm 17 tuổi, ông đã thấm nhuần tư tưởng đạo đức, giáo lý, tinh thông các sách và thuộc lòng các bài cúng, bài hát dân ca của người Cao Lan.

Ông Chau tâm sự: “Văn hóa, tín ngưỡng, tập quán của người Cao Lan chúng tôi được thể hiện rõ nhất qua các chữ viết, cuốn sách. Chữ của người Cao Lan thuộc hệ chữ Hán - Nôm nên rất khó học và viết. Những trang sách của người Cao Lan hàm chứa một lượng lớn tri thức của dân tộc Cao Lan như phong tục, tín ngưỡng, cách trồng trọt, chăn nuôi, phương châm sống. Hiện nay, ở xã còn rất ít người bảo lưu được chữ cổ này”.

Cuộc sống càng hiện đại thì phong tục tập quán đặc sắc ngày càng thay đổi và có dấu hiệu thất truyền. Ông Chau rất tâm huyết với việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết cổ, phong tục tập quán của người Cao Lan và nhận thấy rõ tầm quan trọng của việc gìn giữ chữ viết cổ, nên từ năm 2016 đến năm 2018, ông đã mở lớp truyền dạy chữ Hán - Nôm và bài cúng cho học trò có độ tuổi từ 6-25 tuổi tại gia đình ông. Tính đến nay, ông đã truyền dạy được nhiều học trò, các học trò theo ông học chữ nay cũng đã trở thành thầy dạy chữ Hán - Nôm, thầy cúng.

Anh Lục Văn Sinh, người theo học ông Chau cho biết: “Tôi rất thích tìm hiểu vốn sống, tín ngưỡng, tập quán của đồng bào Cao Lan mình, vì thế, tôi đã theo học thầy Chau. Ban đầu học viết rất khó, bởi chữ Hán - Nôm có nhiều nét. Nhớ để viết lại càng khó. Từ lúc theo học đến nay, tôi cũng đã học được nhiều chữ và biết được nhiều phong tục tập quán của dân tộc mình”.

Tâm huyết cả đời của ông Chau là mong muốn thế hệ con cháu luôn giữ gìn được truyền thống văn hóa của cha ông. Vì vậy, ông truyền dạy chữ cho học trò với tinh thần tự nguyện, không lấy tiền công. Năm nào cũng vậy, từ ngày mồng 1 Tết cho đến hết ngày rằm tháng Giêng, học trò đến nhà ông, ăn, ở cùng gia đình thầy để học chữ. Thầy giảng dạy bắt đầu từ bài giáo lý, cho đến đạo đức, lối sống. Ông dạy học trò theo sách giáo trình, các sách có nội dung từ đơn giản đến phức tạp, các sách giảng dạy gồm: Thại sênh tà phủ, Sừng sênh, Dừn thin, Nhục vùng... và các sách hát như: Xướng cọ, Sình ca...

Để đọc thông, viết thạo, các học trò phải theo học 3 năm liên tục. Trong năm đầu và năm thứ hai, ông chỉ dạy chữ và cách đọc, viết và học thuộc lòng. Đến năm thứ 3, các trò được học các bài cúng, bài hát dân tộc và cách thức tổ chức các nghi lễ dân tộc như lễ cấp sắc, lễ cúng ngày Tết, ngày rằm... Ông sử dụng các phương pháp trực quan, phương pháp giảng giải và phương pháp đàm thoại... để giảng cho học trò dễ hiểu, dễ học.

Không chỉ đam mê dạy học, ông Nịnh Văn Chau còn là người tích cực tuyên truyền cho các con cháu trong làng, thôn giữ gìn giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời, vận động con cháu giữ gìn những trang phục, các bài hát Sình ca, lối sống tốt đẹp của đồng bào suốt hàng trăm năm qua. Ông còn tham gia biên dịch các bài hát độc đáo của người Cao Lan  ra chữ Quốc ngữ để giảng dạy cho thanh thiếu niên trong thôn, xã.

Ông Chau tâm sự: “Bản thân tôi vinh dự và hạnh phúc khi được truyền dạy văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào mình cho lớp trẻ. Tôi sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để có thật nhiều học trò tiếp nối cha ông giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam”. 
Theo bienphong.com.vn

Có thể bạn quan tâm